Thừa Thiên Huế Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô, mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Khai thác tiềm năng thế mạnhVùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô có nhiều tiềm năng lớn trong việc nuôi tôm chân trắng. Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc cho phép nuôi tôm chân trắng ở khu vực này. Đây là cơ hội thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Đông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền) nói: “Chính quyền địa phương sẽ rà soát hệ thống đầm phá trên địa bàn, quy hoạch, đề xuất cấp trên đầu tư hạ tầng ao hồ hợp lý, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đăng ký nuôi. Địa phương sẽ quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hộ nuôi không chấp hành...”.
Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, diện tích vùng đầm phá trên địa bàn huyện có nhiều tiềm năng nuôi tôm chân trắng. Khi tỉnh có quyết định cho phép nuôi, người dân vùng đầm phá rất phấn khởi, có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất.
Ban ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương sẽ tăng cường quản lý nuôi một cách phù hợp, không để tình trạng nuôi ồ ạt, không tuân thủ quy hoạch, quy định dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trước mắt, huyện tiến hành quy hoạch vùng nuôi, đầu tư xây dựng hạ tầng ao hồ, ao xử lý đảm bảo. Các hộ đăng ký, tham gia nuôi phải tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật của các cơ quan chức năng...
Nuôi tôm chân trắng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân các vùng cát ven biển. Tuy nhiên diện tích và sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại huyện Phong Điền. Theo công ty này, sản lượng tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến của đơn vị (từ 12 - 15 ngàn tấn/năm). Vậy nên, việc cho phép nuôi tôm chân trắng trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô là cơ hội lớn đối với người dân.
Cần tuân thủ quy định
Bà Phạm Thị Ánh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho rằng, tiềm năng nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá khá lớn, có thể đến hàng ngàn ha trở lên. Các ban ngành chức năng phối hợp với các địa phương đang tập trung rà soát, quy hoạch vùng nuôi, đồng thời có biện pháp đầu tư hạ tầng, ao nuôi hợp lý... Việc được phép nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá là cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức trong công tác quản lý môi trường. Các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định của các cơ quan chức năng mới tránh được nguy cơ ô nhiễm vùng nuôi và dịch bệnh. Các cơ sở nuôi tôm chân trắng phải nằm trong vùng quy hoạch, được đăng ký với chính quyền địa phương; có cam kết bảo vệ môi trường và được đánh giá đủ điều kiện nuôi tôm của cơ quan chức năng. Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đẩy đủ các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất.
Theo cơ quan chức năng, người dân phải đảm bảo tuân thủ khung lịch thời vụ thả nuôi, chất lượng giống, cách cho ăn... Trước khi thả giống phải cải tạo ao hồ, xử lý mầm bệnh, cải thiện chất lượng đáy ao. Nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi cần được xử lý môi trường trong sạch, đảm bảo chất lượng. Trước khi thu hoạch phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất…
Theo quy định của ngành thủy sản, đối với hồ nuôi tôm phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000m2 được xây dựng từ năm 2010 trở đi và 2.000m2 xây dựng trước năm 2010. Độ sâu từ mặt bờ đến đáy ao tối thiểu 2m, mực nước ao nuôi duy trì thấp nhất 1,4m. Đáy ao được xây dựng có độ dốc nghiêng về phía cống thoát nước từ 8 - 100. Cơ sở nuôi, ao nuôi phải có cống cấp thoát nước riêng biệt, cống cấp nước phải có lưới chắn lọc và hệ thống xử lý nước, chất thải. Ao chứa (ao lắng) chiếm từ 15 - 20% tổng diện tích mặt nước vùng nuôi...
Có thể bạn quan tâm
Các tổ hợp lúa lai F1 thế hệ mới tích hợp nhiều gene quý có tiềm năng cho năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có chất lượng cao hơn và có hương thơm… Đây chính là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam.
Báo cáo của UBND huyện Điện Biên Đông cho thấy, tính đến đầu tháng 10, các chỉ số về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện đều đạt khá; đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là cơ sở để chúng ta tin việc thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 42% vào cuối năm 2014 sẽ thành hiện thực.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức 83 lớp tập huấn, hội thảo phổ biến quy trình KHKT cho người dân, như: quy trình gieo cấy lúa bằng công cụ sạ hàng; gieo trồng các giống ngô, đậu tương chất lượng cao; nuôi lợn an toàn sinh học, gà thịt... cho trên 2.500 lượt người tham gia.
Qua kết quả sơ kết triển khai thực hiện Nghị định 41, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2010-2013 đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn.
Ông Ngọc Anh, ở Vạn Thành cho biết, bệnh mốc sương đã làm cho hơn 4.000 m2 hoa hồng của gia đình bị quăn lá, thối nụ, gây hư hỏng tới 90% nụ hoa, số ít hoa còn lại thu hoạch được nhưng chất lượng không tốt. Với diện tích đất này, tháng có lễ 20-10 năm ngoái gia đình ông có doanh thu lên đến 150 triệu đồng, năm nay được chưa tới 30 triệu đồng.