Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu nhập ổn định nhờ nuôi gà mái đẻ

Thu nhập ổn định nhờ nuôi gà mái đẻ
Ngày đăng: 10/11/2015

Tiên Phước là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, với lợi thế có giống gà địa phương chất lượng thịt, trứng thơm ngon, cộng thêm diện tích vườn, đồi rộng.

Vì vậy mà nhiều người dân nơi đây đã phát huy lợi thế này để phát triển kinh tế và gia đình cô Sương là một trong số những hộ đó.

Cô Sương chăm sóc đàn gà của gia đình

Gia đình cô Sương có duyên với con gà từ năm 2006.

Trước đó cô có nghề bán rau kiếm sống tại chợ Tiên Kỳ.

Quầy rau của cô bán rất chạy, nhưng với nghề bán rau cuộc sống quá bấp bênh mà công việc vất vả, phải thức khuya dậy sớm.

Vì vậy, hai vợ chồng cô bỏ nghề và chuyển sang chăn nuôi gà mái đẻ.

Lúc đầu cô nuôi vài chục con gà mái đẻ trứng, nhưng do thiếu kiến thức, không có kinh nghiệm nên cô đã thất bại do đàn gà bị bệnh tiêu chảy và chết gần hết cả đàn.

Qua đó, cô rút ra kinh nghiệm rằng không phải làm gì cũng dễ, thế là cô đi tìm hiểu về cách nuôi gà.

Cô liên hệ đến Trạm Thú y huyện để xin tài liệu và xin được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cũng như phòng bệnh cho gà.

Có kiến thức, cô bắt tay vào chăn nuôi lại, lần này cô đi chọn gà giống trong xóm, những hộ nào có con giống tốt được cô mua về gầy giống.

Cô chọn được 30 mái cho đẻ trứng, gà tự ấp nở và tiếp tục chọn để nhân đàn giống tăng lên về số lượng.

Với số lượng ban đầu, cô nhân đàn và chọn lọc những mái đẹp, đẻ trứng nhiều để lại làm giống.

Qua 2 năm cô Sương có được đàn gà mái là 150 con.

Cô xác định với khả năng của mình nuôi 150 mái là phù hợp và cô luôn giữ cho đàn mái ổn định đến ngày nay.

Cô chọn hình thức nuôi gà theo bán chăn thả, ban ngày gà ra ngoài vườn để bơi chải, vườn được rào lưới xung quanh, ban đêm gà lên chuồng ngủ, có khu cho gà ăn uống riêng.

Cách nuôi gà của cô có khác biệt hơn các hộ trong xóm.

Cô cho gà ăn thức ăn sạch gồm nhiều loại thức ăn phối trộn lại với nhau.

Những nguyên liệu thức ăn cho gà như bắp, cám, bánh dầu, gạo lứt… đều do cô tự chọn và chế biến.

Cô Sương nói: “Bắp là phải mua nguyên hạt mới chất lượng, sau đó về phơi khô rồi xay thành bột cho gà ăn.

Các loại thức ăn khác như bột cám, bánh dầu, gạo nên chọn thức ăn mới, không bị ẩm mốc.

Trong khẩu phần ăn cho gà hằng ngày phải có rau xanh như rau muống, chuối cây… được rửa sạch, thái nhỏ rồi trộn vào bột”.

Ngoài ra hằng tuần cô mua cá tươi ngoài chợ về băm nhỏ và trộn vào bột cho gà ăn.

Cô cho gà ăn ngày 3 bữa, vệ sinh chuồng trại hằng ngày nên mặc dù nuôi gà nhiều năm nhưng trong chuồng gà không có mùi hôi.

Bên cạnh việc cho gà ăn thì cô cũng đặc biệt chú trọng việc phòng bệnh cho gà.

Cô sử dụng vắc-xin để phòng bệnh cho gà theo đúng lịch trình trong tài liệu mà Trạm Thú Y đã hướng dẫn.

Vì vậy đàn gà nhà cô luôn khỏe mạnh, không mắc bệnh dù xung quanh xóm có dịch.

Sản phẩm cô thu được từ chăn nuôi gà mái đẻ là trứng và gà con, trong đó trứng gà ta cô bán rất chạy.

Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và những người quen ở Sài Gòn.

Họ mua số lượng nhiều và phải đặt trước mới đủ số lượng.

Với cách cho gà ăn như trên, đàn gà nhà cô đẻ trứng nhiều, mỗi con gà đẻ trên 100 quả/năm, trứng gà nhìn thấy to hơn và ăn rất thơm, béo.

Cô nói: “Cô cho gà ăn thức ăn sạch nên gà đẻ trứng to lắm, mấy người trong xóm nuôi gà nhưng gà đẻ ít và trứng gà nhỏ chứ không to được như vậy”.

Cô bán 5000 đồng 1 quả trứng.

Bên cạnh đó cô còn có thêm thu nhập từ việc bán gà con cho người dân địa phương có nhu cầu và bán gà thịt (gà mái loại thải và gà hậu bị không được chọn làm mái).

Như vậy trừ hết chi phí cô thu được 5 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập như vậy cô có một cuộc sống đầy đủ và có tiền tiết kiệm để dưỡng già.

Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả và thiết thực, rất phù hợp với chăn nuôi nông hộ, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống cho người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Gà Nòi Lai Theo Mô Hình Sinh Học Nuôi Gà Nòi Lai Theo Mô Hình Sinh Học

Mô hình triển khai tại 2 huyện Châu Thành, An Biên và TX.Hà Tiên từ tháng 5.2014. 15 hộ nuôi thử nghiệm áp dụng phương thức nuôi trong chuồng bao lưới kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Nông dân tham gia được Trung tâm KNKN Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền giống, 30% tiền thức ăn.

09/10/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

09/10/2014
Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ Miền Núi Vẫn Khó Khăn Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ Miền Núi Vẫn Khó Khăn

Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của kinh tế hộ ở các huyện miền núi tỉnh ta. Tuy nhiên, tại các địa phương, chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

09/10/2014
Hỗ Trợ Lãi Suất Cho Khách Hàng Mua Máy Nông Nghiệp Hỗ Trợ Lãi Suất Cho Khách Hàng Mua Máy Nông Nghiệp

Ngày 7-10, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Lễ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác cho vay vốn đối với khách hàng mua máy nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

09/10/2014
Toàn Tỉnh Có 17 Nghìn Ha Cây Ăn Quả Toàn Tỉnh Có 17 Nghìn Ha Cây Ăn Quả

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích một số loại cây ăn quả kém hiệu quả trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Đơn cử như cây vải, hiện chỉ còn khoảng 4.000 ha, giảm 15-20% diện tích so với 5 năm trước. Diện tích một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như nhãn, na, chuối, táo tăng lên do thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là chuối. Riêng 9 tháng của năm nay, nông dân trong tỉnh đã trồng được 83ha chuối.

09/10/2014