Thu nhập khá từ nuôi gà đá
Ông Trần Văn Truyển ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), cho biết: “Tôi đến với việc nuôi gà đá một cách tình cờ. Tôi mê chơi gà đá từ thời thanh niên, lúc nào trong nhà cũng nuôi vài con gà để chơi. Nhiều người đến chơi thấy gà đá hay nên mua lại, từ đó tôi nảy ra ý định gầy giống để bán. Ban đầu, tôi chỉ nuôi hơn chục con, thấy thị trường tiêu thụ mạnh nên tôi tăng dần đàn.
Tôi tuyển chọn vài con gà mái giống to khỏe và một số con gà trống loại hay để phối làm giống. Khi gà nở những con cồ thì nuôi để đá, còn nở gà mái thì nuôi lớn lấy thịt”. Hiện nay, trại gà đá của gia đình ông Truyển lúc nào cũng có hơn 400 con; trong đó có 15 con gà mái giống. Bình quân mỗi tháng ông thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Hộ ông Trần Văn Tịnh ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), cũng là một gia đình phát triển mạnh nghề nuôi gà đá. Ông Tịnh cho hay, trước đây, vợ chồng ông làm trang trại nuôi gà công nghiệp, nhưng nhiều năm liền thất bát vì giá cả không ổn định và dịch bệnh. Nhận thấy mô hình nuôi gà đá hiệu quả, thu nhập khá, từ năm 2013, ông chuyển sang nuôi gà loại này. Từ vài con ban đầu, dần dần đàn gà của ông tăng lên hàng chục con.
Đến nay, trại gà đá nhà ông có hơn 200 con, với 8 gà mái giống. Bình quân mỗi năm, ông bán hơn 100 con gà, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Tịnh, để đào tạo được một con gà chiến, điều đầu tiên là người nuôi phải biết chọn giống. Gà sau khi ấp nở sẽ được tuyển chọn với các điều kiện khắt khe.
Cụ thể như phải là gà trống, dáng cao, khỏe với thế đứng hình giọt nước; có cần thẳng, dài, to; vai đơm, mắt trắng dã… Sau đó, gà sẽ được nuôi với chế độ ăn chủ yếu bằng lúa ngâm, đúng cữ và đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển. Khi gà bắt đầu gáy, người nuôi phải tách riêng để dưỡng, tránh để gà hăng chọi nhau… Thời gian nuôi một con gà từ khi ấp, nở đến khi xuất chuồng khoảng 8 tháng, gà sẽ đạt trọng lượng khoảng 3,4kg.
Theo ông Lê Xuân Lưu ở thôn Phú Diễn Trong, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), với hơn 15 năm nuôi gà đá, đàn gà của gia đình ông chưa bị dịch bệnh. Còn về thị trường tiêu thụ thì rất “rộng cửa” vì thương lái tìm đến tận nhà để thu mua, giá cả lại cao hơn hẳn so với gà công nghiệp và gà thả vườn. Bình quân mỗi con gà đá xuất chuồng bán với giá trên dưới 1 triệu đồng. Đây là loại gà bán xô cho thương lái mua đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Còn những con gà chiến, đã đá thắng được nhiều độ thì có giá cao gấp mười lần đến vài chục lần.
Ông Lưu thổ lộ: Nhờ có giống gà hay và bí quyết “đào tạo” riêng nên tôi thường xuyên bán được gà giá cao. Từ hồi nuôi gà đến nay, tôi đã bán được hơn trăm con gà với giá hơn 10 triệu đồng/con và bán được 10 con gà với giá 40 triệu đồng/con. Do hiệu quả kinh tế cao nên tại một số địa phương nhiều hộ gia đình đã chuyển sang nuôi gà đá. Theo ông Mai Văn Hải, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Đồng, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Đồng có hơn 50 hộ nuôi gà đá, với tổng đàn khoảng 5.000 con. Nhờ vậy, nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết nghề nuôi gà đá đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, với quy mô nuôi nhỏ lẻ, hình thức gia trại là chủ yếu. Do vậy, người dân nên chú ý tiêm phòng vắc xin và vệ sinh môi trường, đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trong khu dân cư.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn lại năm qua, với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 63.669 tấn, vượt 11,7% kế hoạch và tăng 13,9% so với năm trước, có thể lạc quan trước sức phát triển mới về năng lực tàu cá tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở cơ cấu hải sản đánh bắt với 80% sản lượng là cá cơm, cá nục và hầu như chưa có sự chuyển dịch đáng kể nào về thuyền nghề, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước tương lai nghề cá tỉnh nhà.
Ông Trần Phương là tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Từ trồng lúa và nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.
Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.
Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.