Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Nuôi Chồn
Từ việc nuôi 13 con chồn mướp (cầy vòi hương) bố mẹ, mỗi năm, anh Đặng Văn Tú Nhi, ở ấp Long An 1, thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ cung ứng cho thị trường từ 35-40 con chồn giống đem lại nguồn lợi nhuận trên 60 triệu đồng.
Cách nay hơn 4 năm, phong trào nuôi nhím trên địa bàn tỉnh phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đầu ra của loài vật nuôi này rất bấp bênh. Trong khi đó, chồn mướp là vật nuôi mới lạ, cho giá trị kinh tế cao mà số lượng hộ nuôi không nhiều. Vì thế, anh Nhi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng thông qua các kênh thông tin đại chúng.
Anh Nhi cho biết: “Sau khi đi tham quan tận mắt mô hình của người dân trong huyện và thấy được hiệu quả của loài vật nuôi này nên tôi quyết định mua về 6 con chồn bố mẹ, với nguồn vốn ban đầu gần 20 triệu đồng. Thời điểm đó, mỗi ký chồn bố mẹ có giá 950.000 đồng”.
Sau hơn 12 tháng, đàn chồn đã tăng lên 16 con. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên đàn chồn bị hao hụt. Chị Lê Thị Diễm Thơ (vợ anh Nhi) kể: “Thời gian đó, kinh tế gia đình còn khó khăn và thiếu kinh nghiệm, thấy bà con bán vịt, gà chết với giá rẻ nên mua về cho chồn ăn. Qua đợt đó, đàn chồn chỉ còn lại 4 con”.
Không chịu đầu hàng, vợ chồng anh Nhi quyết tâm học hỏi kinh nghiệm thông qua internet và mô hình thực tế. Từ đó, đàn chồn phát triển và số lượng chồn nuôi tăng lên 13 con (10 con cái, 3 đực). Theo anh Nhi, nuôi chồn khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí.
Khi chồn sinh sản, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, còn chồn giống, thương phẩm chỉ cần 1 lần vào buổi tối. Thức ăn chủ yếu là chuối chín, cá, chuột, đầu gà. Tuy nhiên, đối với đầu gà phải được nấu chín trước khi cho ăn để chồn không bị nhiễm bệnh.
Nói về việc nuôi chồn sinh sản, anh Nhi chia sẻ: “Loài động vật này rất phù hợp với việc nuôi nhốt. Vì thế, mỗi chiếc lồng nuôi tốt nhất có chiều dài 1m, rộng 80cm, cao 60cm, chi phí từ 300.000-500.000 đồng/lồng. Chồn sau 12-14 tháng nuôi bắt đầu cho sinh sản, nhưng để đẻ tốt nhất là trọng lượng đạt từ 2,5-4 kg/con. Cho nên phải cân đối độ đạm ở mức phù hợp thông qua việc điều chỉnh lượng thức ăn”.
Chuồng nuôi chồn tốt nhất được xây có độ dốc để thoát nước tiểu và dễ dàng vệ sinh. Đối với chuồng gỗ thì đóng khoảng cách thưa để cho chồn thải phân. Chồn rất dễ nuôi, tuy nhiên cũng thường mắc bệnh tiêu chảy. Để tránh loại bệnh này thì không nên cho ăn các loại cá, chuột, gà, vịt chết và nhiều mỡ.
Để chồn cho sinh sản đều, chuồng nuôi phải được xây dựng gần nhà. Vì khi chồn lên giống (con cái) sẽ phát ra tiếng kêu nên cần phát hiện và cho chồn đực vào giao phối. Theo chị Thơ, chồn cái và đực được nuôi riêng biệt, chỉ khi giao phối mới ghép đôi lại. Vì nếu nuôi chung thì chồn dễ tấn công dẫn đến hao hụt.
Chồn từ khi phối giống đến sinh sản khoảng 60-65 ngày. Chồn bố mẹ mỗi năm cho sinh sản 2-3 đợt (tùy theo thời gian tách đàn), mỗi đợt từ 2-4 con. Sau 1 tháng 20 ngày sống chung với chồn mẹ, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn với thời gian 10 ngày thì xuất bán. Theo tính toán, mỗi ngày chồn ăn từ 3-4 trái chuối, giặm thêm cá, chuột thì chi phí đầu tư trên dưới 2.000 đồng/con.
Mỗi năm, với việc nuôi 13 chồn bố mẹ, anh Nhi xuất bán từ 35-40 con chồn giống 2 tháng tuổi (trọng lượng từ 600-700 gram/con) cho các hộ nuôi ở Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang với mức giá 2 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi trên 60 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, cho biết: Toàn huyện có 72 sổ đăng ký nuôi động vật hoang dã với 8.883 cá thể, chủ yếu là ba ba, cua đinh, trăn và cầy vòi hương. Việc nuôi cầy vòi hương được các ngành quan tâm, giúp đỡ, cả về con giống và giấy tờ.
Tuy nhiên, cũng quản lý chặt chẽ việc tăng đàn, giảm đàn. Vì hiệu quả kinh tế của loài vật nuôi này rất cao. Mặc dù, chồn thương phẩm có giá bán từ 1-1,2 triệu đồng/kg, nhưng do các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ nên chủ yếu là bán giống.
Do loài vật nuôi này không tốn nhiều công chăm sóc nên thời gian còn lại anh Nhi làm thêm nghề bán đồ nhựa ở chợ và thu nhập thêm từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Thành công với mô hình nuôi chồn đã đưa kinh tế và cuộc sống gia đình thoát cảnh nghèo.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1832EB/Thu_nhap_cao_tu_mo_hinh_nuoi_chon.aspx
Có thể bạn quan tâm
Bưởi năm roi xuất xứ từ Vĩnh Long nổi tiếng là giống bưởi có vị ngọt, chua thanh, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của nhiều thị trường, nhất là khách châu Âu. Bưởi năm roi còn đặc biệt ở chỗ là không hạt. Tuy nhiên, ưu điểm này bị thách thức bởi hệ thống canh tác chưa phù hợp.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Kạn, trên trà lúa mùa sớm bệnh đạo ôn lá đang gây hại mạnh trên các giống lúa như giống lúa nếp, C70, Syn 6, BTE1. Tại huyện Ngân Sơn hiện nay 1,2 ha lúa đang nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh phổ biến 1-2%, cá biệt 10%. Người dân đã chủ động phun thuốc, tuy nhiên thời tiết mưa nắng xen kẽ nên hiệu quả phun trừ thấp.
Định hướng chung của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đồng thời, sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng.
Khoảng gần tháng nay, tại các chợ bán lẻ ở TP.Cao Lãnh hầu như vắng bóng trái cây TQ. Thay vào đó, trái cây Việt Nam như chôm chôm, măng cụt, thanh long... tràn ngập chợ, giá mềm. Tại một số chợ như Cao lãnh, Sa Đéc, các loại trái cây bị người tiêu dùng “điểm” vào danh sách xuất xứ TQ như táo, lê, nho... hầu như chỉ một, hai nơi bán. Ở một số sạp, mặc dù người bán chủ động thông tin cần thiết nhưng cũng vắng người mua.
Xuất phát từ một xã nghèo, thuần nông, khó khăn có thể nói vào bậc nhất trong 11 xã được chọn xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện giao thông hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ dân tộc Khmer nhiều… đã gây nhiều trở ngại cho xã.