Thu lãi gần 400 triệu đồng nhờ luân vụ lúa và sen lấy ngó
Tại đây, bà con mới vào khai hoang lập nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện sản xuất vùng ngập lũ, nhiễm phèn nặng nhiều khó khăn, xây dựng những mô hình làm ăn mang tính bền vững và hiệu quả.
Trồng lúa năng suất cao kết hợp trồng sen lấy ngó là cách làm sáng tạo nhiều năm nay của ông Huỳnh Văn Phong, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Tân Phước hôm nay. Ông Phong hưởng ứng chủ trương khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới từ khi chương trình tiến công Đồng Tháp Mười được đẩy mạnh từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông vào nhận khoán 2,5 ha đất ở ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa, Tân Phước. Nhận thấy thời cơ từ hệ thống kênh mương được Nhà nước tổ chức thi công đang phát huy hiệu quả dẫn ngọt, rửa phèn, cải tạo đất, ông khai hoang đưa 2,5 ha đất vào trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ.
Ông Phong cho biết, Thạnh Hòa là vùng đất mới khai hoang, còn nhiễm phèn nên để sản xuất thành công và mang lại hiệu quả kinh tế, nông dân cần phải chú ý các khâu làm đất kỹ lưỡng, chọn các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao nhưng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Bên cạnh đó, quan tâm học tập và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhằm tạo tiền đề cho các vụ mùa bội thu. Đó cũng là nguyên nhân giúp nhiều năm nay, ông đều giành thắng lợi trên lĩnh vực thâm canh lúa. Với 2,5 ha đất nhà, mỗi năm ông đạt sản lượng 52,5 tấn lúa, bán với giá trung bình 4.300 đ/kg, ông thu được trên 225 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 90 triệu đồng.
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, người nông dân chăm làm, chịu khó còn hợp đồng thuê thêm 12,5 ha đất ruộng của Trại giam Phước Hòa (Bộ Công an) để trồng luân canh lúa và sen lấy ngó. Ông Phong chia sẻ: "Cây sen vốn là cây bản địa Đồng Tháp Mười, nhiều nơi như ở tỉnh Đồng Tháp nông dân đưa vào thâm canh rất thành công. Đất đai Tân Phước có đủ điều kiện thuận lợi để thâm canh nên tôi quyết tâm áp dụng mô hình luân canh 1 vụ lúa năng suất cao kết hợp trồng sen lấy ngó". Cụ thể, trong vụ Đông xuân, thời tiết thuận lợi ông trồng lúa năng suất cao, năng suất lúa đạt bình quân 80 tạ/ha, sản lượng 100 tấn, bán 4.300 đ/kg bình quân, gia đình ông thu được 430 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 170 triệu đồng. Thu hoạch lúa Đông xuân xong, ông chuyển sang trồng sen.
Ông Phong cho biết, sen trồng chỉ sau 2 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi ngày đạt sản lượng 200 kg, giá bán bình quân 9.000 đ/kg ngó, bán thu được 1,8 triệu đồng/ngày, thời gian thu hoạch gần 6 tháng mới kết thúc, ông thu được 180 triệu đồng, lãi ròng 130 triệu đồng. Tính ra, hiệu quả sản xuất trong năm gia đình ông Phong thu lãi gần 400 triệu đồng trên tổng diện tích 15 ha vừa đất nhà lẫn đất thuê mướn.
Ông Phong chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thành công từ mô hình lúa và trồng sen lấy ngó như sau: Về trồng lúa phải chú ý áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh theo khoa học, đặc biệt là "1 phải 5 giảm", sử dụng phân và vật tư nông nghiệp theo nguyên tắc "4 đúng"... Đối với cây sen, tuy dễ trồng, đầu ra thuận lợi, sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, nhưng muốn đạt năng suất, sản lượng ngó sen cao cần phải quan tâm các khâu làm đất sao cho tơi xốp, bón phân đúng thời điểm và cũng theo nguyên tắc "4 đúng"... Ngoài ngó sen, gương sen cũng mang lại nguồn kinh tế phụ đáng kể.
Theo lãnh đạo huyện Tân Phước, trồng lúa năng suất cao kết hợp trồng sen lấy ngó là mô hình mới, phù hợp với đặc thù vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười mà ông Phong đi tiên phong áp dụng tại Tân Phước. Qua đó, góp phần đa dạng hóa những mô hình sản xuất hiệu quả, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, giúp Tân Phước ngày càng đi lên giàu đẹp.
Qua thực tế, toàn huyện đã thành lập được các nhóm liên kết sản xuất trổng luân canh lúa màu ở Tân Hòa Thành, luân canh lúa sen ở Thạnh Hòa, trồng khoai mỡ kết hợp ớt ở Tân Hòa Đông, nuôi cá lóc ở Tân Hòa Tây, trồng khoai mỡ kết hợp đậu phộng ở Thạnh Mỹ. Tương lai, với tiềm năng, điều kiện và kinh nghiệm sản xuất của mình, ông Huỳnh Văn Phong là điển hình nông dân giỏi vừa là hạt nhân nòng cốt để Tân Phước nhân rộng mô hình lúa - sen ở Đồng Tháp Mười.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ màu, nhiều nông dân tại xã Phú Ninh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã chọn cây bắp lai trồng trên đất lúa cho lợi nhuận khá.
Bình Đại (Bến Tre) đang cố gắng khôi phục diện tích trồng cây ca cao bị chết do biến đổi khí hậu và triển khai nhiều giải pháp mở rộng diện tích, trong đó chú trọng việc sử dụng các loại giống có triển vọng như: TD3, TD5, TD7, TD8, TĐ, TD10, TD11.
Từ đầu năm đến nay, nhiều vườn đu đủ của nông dân xã Đá Bạc (huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu) đã bị nhiễm bệnh “khảm vàng” với tốc độ lây lan nhanh, làm năng suất thu hoạch giảm mạnh.
Những tháng đầu năm diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm trắng ở Bình Thuận gần 2.400 lượt ha. Nhờ tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nên đến cuối tháng 5 giảm còn 44 ha. Tuy vậy vào tháng 6 do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao nên bệnh đốm trắng trên cây thanh long có chiều hướng phát triển, diện tích bị nhiễm thêm 94 ha, nâng tổng số nhiễm bệnh đến nay trên cây thanh long toàn tỉnh là 144 ha.
Nông dân Lê Văn Chơn (31 tuổi) ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) cho biết, tận dụng ao nuôi cá tra bỏ trống (khoảng 5.000m2), ông chuyển sang mô hình nuôi trứng nước.