Thu Hút FDI Vào Nông Nghiệp Khó Vì Đâu?

Việt Nam đã thu hút được hơn 243 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 3,39 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng vốn đăng ký.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) - cho biết: Nếu như cách đây 15 năm, vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư FDI thì 3 năm trở lại đây, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng vốn đầu tư. Mặc dù, trong chính sách thu hút FDI, đây được coi là lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư.
9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 1.152 dự án FDI mới, và 417 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 11,18 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ thu hút được 14 dự án mới và 8 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 68,45 triệu USD, chiếm hơn 0,5% tổng vốn đầu tư.
Không chỉ khó thu hút vốn, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đa phần là các dự án có quy mô nhỏ, trung bình khoảng 6,6 triệu USD. Trong khi vốn trung bình của một dự án FDI là khoảng 14,7 triệu USD.
Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng- Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT): Nguyên nhân khiến lĩnh vực nông nghiệp khó thu hút được FDI do lĩnh vực này vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro do bất lợi của dịch bệnh, thời tiết, thiên tai. Sản phẩm nông nghiệp lại có tỷ suất lợi nhuận thấp, hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản còn nhiều bất cập do chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, chưa phát huy được vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp chưa thuận lợi, hoạt động nông nghiệp manh mún, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến lĩnh vực này khó thu hút FDI.
Bộ KH&ĐT cho biết, sắp tới sẽ đưa ra một loạt các giải pháp nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, sẽ mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp khi bị tổn thất do thiên tai, rủi ro về biến động giá thị trường nông sản.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, ngoài các ưu đãi trên, cần coi việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư là biện pháp tốt để xây dựng hình ảnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.

Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.

Vụ mùa năm 2014, huyện Hạ Hòa gieo cấy gần 3.500ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm hơn 48%, lúa chất lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã cho thu hoạch với năng suất ước 54 tạ/ha. Một số cây màu vụ mùa như: Ngô năng suất ước 42 tạ/ha; lạc năng suất ước 16,5 tạ/ha; đậu, đỗ các loại 19,9ha.

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ khoảng ngày 15-9 trở đi. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, TP Việt Trì...

Đây được xem như một bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ với những hỗ trợ tích cực trong chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.