Thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm từ mô hình sản xuất lươn giống
Cũng như nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười, ngoài nguồn thu nhập chính từ sản xuất lúa, gia đình anh Nữa tăng gia sản xuất với mô hình nuôi ếch thương phẩm.
Tuy nhiên, những năm gần đây khi có khá nhiều người thực hiện mô hình này thì việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá ếch thịt thường xuyên lên xuống bấp bênh.
Xuất phát từ thực tế đó, anh Nữa quyết tâm tìm cho mình mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đầu năm 2012, việc ươm lươn giống ở huyện Tháp Mười hầu như chưa có hộ nông dân nào thực hiện.
Vì thế, thị trường cung cấp lươn giống cho người dân nơi đây rất hạn chế.
Nắm bắt xu hướng của thị trường, anh Nữa lặn lội qua một số trại nuôi lươn giống có tiếng ở An Giang tìm mua giống bố mẹ và học hỏi kỹ thuật sản xuất lươn giống.
Mô hình nuôi lươn sinh sản đem lại doanh thu hơn nửa tỷ đồng/năm cho gia đình anh Nữa.
Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu không suôn sẻ khi thuần hóa và cho lươn sinh sản theo ý muốn.
Thời gian đầu do chưa nắm vững quy trình nuôi nên tỷ lệ hao hụt rất cao.
Sau nhiều lần lỗ vốn nặng nề, bạn bè khuyên anh nên chuyển sang sản xuất ếch giống, nhằm giảm bớt tỷ lệ rủi ro, anh Nữa không nản lòng, “Những năm đầu thất bại nhưng tôi vẫn lạc quan về coi như mình bỏ công sức, tiền bạc ra để học nghề.
Không chỉ vì một chút khó khăn bước đầu mà nản chí được”, anh Nữa nói.
Sau nhiều lần thất bại, dần dần anh Nữa nắm bắt được kỹ thuật nhân giống nhân tạo và chăm sóc lươn giống.
Anh chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất trong việc ươm lươn giống là nguồn nước phải sạch.
Mỗi khi bơm nước từ sông vào hồ chứa anh dùng chất khử trùng BKC, sau đó cho vào hồ ươm lươn.
Bên cạnh đó, yếu tố ánh sáng, thức ăn cũng góp vai trò quan trọng trong việc ươm lươn giống.
Cứ mỗi hồ anh thả khoảng 20 con giống với tỷ lệ 1:3 (1 con đực 3 con cái), sau một tháng lươn cái sẽ sinh nở.
Giống bố mẹ ban đầu được anh mua từ trang trại ở các vùng khác.
Hiện tại, anh đã thành công trong việc nuôi lươn giống bố mẹ để sử dụng hoặc bán cho những hộ dân có nhu cầu.
Chất lượng ươm giống bố mẹ tại trang trại của anh Nữa được thị trường đánh giá cao, tỷ lệ kích cỡ giống khá đồng đều, tỷ lệ hao hụt khi nuôi rất thấp.
Hiện nay, trại ươm lươn giống của anh Nữa là địa chỉ tin cậy của bà con trong vùng và nhiều địa bàn lân cận.
Giá lươn giống hiện dao động từ 3.500 – 5.000 đồng/con, tùy kích cỡ.
Không chỉ ươm lươn giống, trang trại của anh còn ươm các loại con giống khác như ba ba, ếch...
với tổng diện tích 3500m2.
Trong đó có hơn 50 hồ ươm, riêng số lượng hồ để ươm lươn là khoảng 15 hồ.
Theo anh, mỗi tháng trang trại ươm giống mang lại cho anh hơn 50 triệu đồng vào mùa thuận và trên 100 triệu đồng/tháng vào mùa nghịch (chủ yếu từ việc nuôi lươn).
Thấy được lợi nhuận cao từ việc ươm lươn giống, anh dự tính đầu năm 2016 sẽ sử dụng hết số lượng hồ hiện có để đầu tư vào con lươn.
Ngoài ra, trong năm tới anh sẽ tiến hành nuôi lươn thịt để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: “Trang trại ươm lươn giống của anh Nữa là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao của địa phương.
Kể từ khi anh bắt đầu công việc này ngành chức năng cũng tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật.
Thành công có được chủ yếu từ bản tính ham học hỏi của anh Nữa, vì thế khi biết tin anh đang có ý định mở rộng diện tích nuôi, ngành sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ”.
Từ thành tích sáng tạo trong làm kinh tế, vừa qua anh Nguyễn Văn Nữa được tỉnh tặng danh hiệu Nhà sáng tạo tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Phát huy sự năng động của tuổi trẻ, anh Nguyễn Xuân Liêm (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã thành công trong việc trồng bưởi da xanh.
Trái cây của vùng ĐBSCL tuy có năng suất, sản lượng đạt cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đạt yêu cầu.
Có những đơn đặt hàng ở thị trường Dubai lên tới 2.000 tấn nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng vài chục tấn.
Ngày 30-10, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp phát triển cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông”.
Sở Khoa học và Công nghệ vừa tiến hành nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng”.