Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ hè thu

Tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ hè thu
Ngày đăng: 15/07/2015

Tuy nhiên, sau một thời gian nắng hạn kéo dài, hiện nay tình hình thời tiết được cải thiện, nhiệt độ giảm, trời có mưa nhiều nơi là điều kiện tốt để nông dân đẩy mạnh chăm sóc các loại cây trồng nhằm thúc đẩy cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Hiện toàn tỉnh có hơn 3.000 ha đất trồng lúa phải bỏ hoang và hơn 2.500 ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng các loại cây hoa màu. Cây đậu xanh được chọn là cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn trên hầu hết những chân ruộng cao. Tranh thủ thời tiết dịu mát, có mưa rào, nông dân trong tỉnh đã tích cực bám đồng để chăm sóc các loại cây trồng.

Ông Hoàng Văn Lộc, ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi chuyển đổi một số đất trồng lúa không được cung cấp nước sang trồng cây đậu xanh. Đầu vụ cây đậu xanh phát triển không tốt lắm nhưng thời gian gần đây, trời thỉnh thoảng có mưa và nắng ít gay gắt hơn nên cây đậu bắt đầu phục hồi. Gia đình tôi chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên các loại cây trồng phát triển khá tốt, có khả năng cho năng suất cao”.

Xã Trung Hải, Gio Linh là địa bàn cuối nguồn nước thủy lợi Kinh Môn nên diện tích được công ty thủy nông cấp nước để gieo cấy lúa cho vụ hè thu chỉ đạt 50%, số diện tích còn lại người dân hoặc bỏ hoang, hoặc gieo lúa chờ mưa, hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu. Nhờ các trận mưa rào trong thời gian gần đây, các loại cây trồng trên diện tích không được cấp nước của xã Trung Hải được hồi xanh, phát triển nhanh chóng, nhất là các diện tích lúa đã tăng khả năng đẻ nhánh và làm cho cây càng thêm cứng cáp. Các HTX tích cực triển khai các dịch vụ bơm tưới nước mưa từ các đầm, mương cho đồng ruộng với chi phí 50.000 đồng/sào, đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.

Còn đối với vùng núi, nông dân các địa phương cũng tích cực bám đồng để chăm sóc các loại cây trồng sau mưa. Sau khi nhiều diện tích đất sản xuất bị khô hạn không thể xuống giống, huyện Đakrông đã tập trung chỉ đạo các vùng ít khô hạn hơn, nhất là các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Mò Ó... thu hoạch ngô, lạc sớm để kịp thời triển khai sản xuất vụ hè thu. Đến nay, hơn 2 tháng xuống giống, gần 400 ha đậu xanh ở Ba Lòng đã phát triển tốt, nhất là trong 1 tháng trở lại đây trên địa bàn huyện thường có mưa rào đã cải thiện đáng kể tình hình khô hạn và giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, nhiều diện tích đậu xanh ở Ba Lòng đã bắt đầu cho quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực xuống tận cơ sở, động viên nông dân tăng cường chăm sóc các loại cây trồng nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trên diện tích đã gieo trồng.

Ông Hồ Văn Đang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông cho biết: Hiện nay, thời tiết đã được cải thiện đáng kể có lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Huyện và các xã đã tích cực xuống cơ sở để chỉ đạo sản xuất. Cứ theo tình hình hiện tại thì nhiều loại cây trồng vụ hè thu năm nay được mùa, nhất là số diện tích hoa màu được chuyển đổi từ đất trồng lúa. Các loại đậu đến nay phát triển tốt, cho nhiều trái, dự tính mỗi héc ta đậu có thể cho thu hoạch được hơn 2 tấn. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi hơn cũng đồng thời với việc các loại sâu bệnh có điều kiện để phát sinh và phát triển gây hại cho các loại cây trồng. Vì vậy, nông dân cần tập trung chú ý đến công tác phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo vụ mùa sản xuất được thắng lợi.

Trước những chuyển biến có lợi của thời tiết, các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân tăng cường chăm sóc và phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng. Có khả năng vụ hè thu năm nay, cây đậu xanh được mùa. Hiện tại sản phẩm đậu xanh trên thị trường bán khá được giá, khoảng 25.000- 30.000 đồng/kg, thì nông dân có được một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 2 tháng nữa mới kết thúc vụ hè thu và sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn ở phía trước. Vì vậy, ngành Nông nghiệp- PTNT sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, chỉ đạo sản xuất phù hợp, động viên nông dân tích cực bám đồng, sản xuất, chủ động ứng phó trước diễn biến của thời tiết, đảm bảo tiếp tục có được một vụ mùa thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long Gặp Khó Khi Vào Vụ Nuôi Tôm Mới Nông Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long Gặp Khó Khi Vào Vụ Nuôi Tôm Mới

Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới.

06/03/2013
Thương Lái Mỹ Đức Bán Ớt Khô Thu Lợi Nhuận Cao Ở An Giang Thương Lái Mỹ Đức Bán Ớt Khô Thu Lợi Nhuận Cao Ở An Giang

Thời tiết nắng liên tục thuận lợi cho thương lái ở xã Mỹ Đức (An Giang) trong việc phơi ớt khô bán sang Campuchia. Chị Nguyễn Ngọc Hiền, một thương lái có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề phơi ớt khô, cho biết: Gia đình chị đang phơi khoảng 15 tấn ớt. Ớt tươi được mua với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg và phơi trong 7 ngày nắng là có thể bán cho các thương lái với giá dao động từ 56.000 - 60.000 đồng/kg. Ước tính bình quân mỗi ký ớt khô thu lãi từ 1.500 - 2.000 đồng. Một tấn ớt khô thương lái thu lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng.

06/03/2013
Ương Nuôi Cá Bống Tượng Trong Ao Đất Ở Hậu Giang Ương Nuôi Cá Bống Tượng Trong Ao Đất Ở Hậu Giang

Cá bống tượng đang là một trong những loài thủy sản được người dân trong tỉnh Hậu Giang chuộng nuôi, vì giá bán trên thị trường cao hơn nhiều so với các loài khác. Tuy nhiên, lợi nhuận mà người nuôi thu được từ cá bống tượng hiện tại vẫn chưa cao, do những hạn chế về con giống.

07/03/2013
Giá Mì Đang Ủng Hộ Nông Dân Ở Cam Lâm (Khánh Hòa) Giá Mì Đang Ủng Hộ Nông Dân Ở Cam Lâm (Khánh Hòa)

Năm nay, tuy năng suất mì thấp hơn so với năm ngoái nhưng giá thu mua tăng nên nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vẫn có lãi.

07/03/2013
Ðể Bảo Hiểm Thủy Sản Phát Huy Hiệu Quả Ðể Bảo Hiểm Thủy Sản Phát Huy Hiệu Quả

Sau một thời gian triển khai quyết liệt, bảo hiểm (BH) cho cây lúa và vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà diễn ra khá thành công thì BH cho thủy sản lại đứng trước nhiều thách thức lớn. Ở các địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôm, cá chết hàng loạt, người nuôi trồng đặt hy vọng nhiều vào việc đền bù nhanh chóng... lại xuất hiện thông tin có sự lợi dụng chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) để trục lợi từ phía người nuôi. Từ đó, quá trình bồi thường bị kéo dài và điều này đã trở thành lực cản trong quá trình triển khai chủ trương này trên diện rộng.

08/03/2013