Sản xuất nông nghiệp đã hạ nhiệt

Thoát cảnh hạn hán…
Cứ đến vụ hè thu, người dân các xã Phổ Cường, Phổ Thuận, Phổ Khánh... (Đức Phổ) lại lo mất mùa hoặc phải bỏ ruộng hoang vì thiếu nước tưới. Vậy nên bước vào vụ hè thu năm nay, nông dân có diện tích gieo sạ lúa thuộc diện “nguy cơ khát” chấp nhận đánh cược với… trời! Vì thời điểm trước và đang chuẩn bị xuống giống, nắng nóng bắt đầu tăng và phổ biến trên diện rộng. Đặc biệt là đợt nắng 32 ngày liên tục (từ ngày 9.5 – 10.6) được xem là gay gắt và kéo dài nhất trong lịch sử số liệu quan trắc.
Thời điểm ấy, không chỉ Đức Phổ mà ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh gấp rút triển khai các phương án chống hạn. Bởi nói như Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân: “Vụ hè thu năm 2013, hàng chục nghìn hộ dân đắng lòng nhìn gần 800ha ruộng trơ trọi vì nắng nóng. Thế nên ngay từ đầu vụ này, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo mọi phương tiện, lực lượng để sẵn sàng bơm nước cứu hạn cho lúa”.
Tuy nhiên, những lo lắng ấy dường như được vơi dần theo những trận mưa. Cụ thể, hiện giờ dung tích nước các hồ chứa lớn ở Đức Phổ như Liệt Sơn, Núi Ngang, Sở Hầu... đều đạt mức từ 40 – 60%. Điều này có nghĩa, toàn bộ diện tích lúa của huyện cơ bản được đảm bảo nước tưới từ nay đến cuối vụ. Còn tại Mộ Đức, hơn 2.400ha lúa, rau màu có nguy cơ hạn cũng vừa được giải tỏa bằng những cơn mưa “vàng” vừa qua. “Nếu nắng nóng kéo dài thêm một tuần nữa chúng tôi sẽ phải sử dụng máy bơm nước dự phòng để bơm tưới cho diện tích bị khô hạn ở các địa phương trên. Cũng may trời đã mưa”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh chia sẻ.
Cùng với Đức Phổ, Mộ Đức thì hiện giờ nhiều diện tích lúa, rau màu trong tỉnh cũng được dự đoán đã thoát cảnh hạn hán vì sau những trận mưa vừa qua, mực nước tại các hồ chứa được bổ sung đáng kể. Hơn nữa, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn thì dung tích nước của hồ chứa nước Nước Trong hiện đạt hơn 10 triệu m3 (cao hơn mực nước chết 1,8m), còn Nhà máy thủy điện Đăkđrinh cũng đã lùi thời gian sửa chữa các tổ máy từ ngày 20.7 sang 15.8 nhằm kéo dài thời gian xả nước, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp và chống hạn cho người dân vùng hạ du.
…nhưng vẫn không chủ quan
Dù đã thoát khỏi cảnh hạn hán nhưng chính quyền và người dân ở các địa phương vẫn không hề chủ quan. Bởi nói như Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân thì “nắng hạn vẫn diễn biến phức tạp nên dù dung tích các hồ chứa đang đảm bảo, chúng tôi vẫn thực hiện sử dụng nước tiết kiệm”. Sự lo xa này không phải không có cơ sở khi mà toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương này phụ thuộc vào nước từ các hồ chứa. Đã thế hiện giờ, vì gần hồ đầu kênh nên đội quản lý thủy nông một số xã như Phổ Phong, Phổ Hòa, Phổ Ninh, thị trấn Đức Phổ... chủ quan, hoạt động cầm chừng thiếu hiệu quả dẫn đến tình trạng nước chảy tự do. Điều này khiến các diện tích ở xa kênh gặp khó khăn trong việc dẫn thủy tưới tiêu, thậm chí thiếu nước.
Thế nên ông Nguyễn Dũng, xã Phổ Cường mới than rằng: “Đầu kênh nước dồi dào nên xài nửa bỏ nửa, còn ở cuối kênh thì bà con phải mót từng giọt”. Khắc phục tình trạng trên, “ngành nông nghiệp huyện Đức Phổ yêu cầu đội quản lý thủy nông các địa phương tăng cường công tác kiểm tra dẫn thủy, tránh tình trạng bỏ nước chảy tràn lan khiến nơi thừa chỗ thiếu”, ông Lê Thanh Tân khẳng định.
Đối với “vựa lúa” Mộ Đức, cùng với việc thường xuyên nạo vét kênh mương thì 6 trạm bơm lớn luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Điều này theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Nhân là: “Chúng tôi nỗ lực, quyết tâm không để có bất kỳ diện tích lúa, rau màu nào bị mất mùa, thất thu vì hạn”.
Cùng với sự thận trọng của các địa phương trong việc phòng hạn thì, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi, nắm chắc mực nước Thạch Nham cũng như các hồ chứa do đơn vị quản lý để có những dự báo kịp thời, giúp nông dân trong tỉnh chủ động ứng phó với hạn hán nhằm đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất hè thu.
Có thể bạn quan tâm

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch kinh doanh trong những tháng cuối năm 2014, trong đó đầu tư vào nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar vẫn là trọng tâm.

Dịch vụ này ra đời từ ý tưởng cơn sốt game "nông trại vui vẻ" trên các mạng xã hội. Ông Nguyễn Minh Nhân, Trưởng phòng Kinh doanh công ty TNHH thương mại Vuông Tròn, nơi cung cấp dịch vụ này cho biết đây là gói sản phẩm “đồng hành cùng nhà nông”.

Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…

Chủ yếu hỗ trợ cho bà con trong vùng Dự án nuôi cá trên ruộng lúa thí điểm theo tổ hợp tác 33ha tại các xã Mỹ Phước (Mang Thít), Hiếu Nhơn, Hiếu Thành (Vũng Liêm), vốn đầu tư 400 triệu đồng. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ cá giống, 30% chi phí thức ăn và được trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.