Thu hoạch lúa Thu đông vất vả vì mưa dầm
Nhiều diện tích lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh bị ngập, đổ ngã trong nước, gây khó khăn trong việc thu hoạch của người dân.
Khó thu hoạch lúa
Chỉ sau một thời gian ngắn, những hộ có lúa Thu đông thu hoạch sớm gặp được điều kiện cắt lúa thuận lợi và giá bán có lợi nhuận cao.
Thế nhưng, kể từ giữa tháng 9 đến nay, tình hình thu hoạch lúa của người dân gặp vô vàn khó khăn khi liên tục xuất hiện những trận mưa dầm kéo dài, từ ruộng khô ráo trở thành ruộng ngập đầy nước, nhiều nơi lúa bị đổ ngã, máy gặt đập không thể thu hoạch được nên bà con phải chuyển sang cắt tay với chi phí “đội” lên gấp 3-4 lần.
Anh Nguyễn Hùng Cường, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin:
“Sau nhiều trận mưa dầm kéo dài cả ngày lẫn đêm, toàn bộ diện tích lúa khu vực này đã bị ngập lên tới cổ bông, nhiều mảnh ruộng, trong đó có gia đình tôi, lúa bị đổ ngã nên không thể cắt máy mà chuyển sang thu hoạch bằng tay với giá thuê công cắt lên đến 450.000-500.000 đồng/công.
Nếu tính cả tiền cắt, trâu kéo, máy suốt,… thì mỗi công lên đến gần 800.000 đồng, nhưng kiếm được nhân công không phải dễ; trong khi tiền thuê máy thu hoạch chỉ mất tầm 300.000 đồng/công”.
Đó là tình cảnh khó khăn của những hộ cắt lúa bằng tay, riêng những hộ may mắn thu hoạch bằng máy thì cũng gặp không ít trở ngại.
Ông Nguyễn Văn Út, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Máy gặt đập liên hợp vừa xuống ruộng gặt được vài luống thì trời đổ mưa, máy phải đậu nghỉ, có khi nghỉ 2, 3 ngày liền.
Do vậy, tôi chỉ có 5 công đất nhưng phải mất 3 ngày mới gặt xong diện tích”.
Từ chỗ gặp khó trong thu hoạch dẫn đến lúa bị ùn ứ đã khiến cho nhiều hộ nằm “chờ tài” phía sau vô cùng lo lắng vì lúa đã đến ngày thu hoạch nhưng không biết đến bao giờ máy mới vào cắt, càng để lâu thì lúa càng bị đổ ngã, khi đó phải chuyển sang cắt tay thì bị nhiều thiệt hại.
“Với những hộ dân đang thu hoạch lúa, bà con còn có cái kể khổ nhưng với những hộ không được thu hoạch khi lúa đã đến ngày cắt thì như đang đứng trên đống lửa”, ông Lê Hoàng Hết, ở cùng khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết.
Theo ông Hết, ví dụ một chủ máy cắt lãnh 10 hộ, khi gặp trời mưa nên một hộ bị trễ ngày cắt 2-3 ngày thì đến người thứ 10 thì cánh đồng lúa chẳng còn gì để gặt.
“Với những ruộng lúa bị trễ 2-3 ngày thì chưa thiệt hại nhiều nhưng những diện tích bị trễ hơn 1 tuần thì chắc chắn sẽ gặp nhiều thất thoát.
Nguyên nhân của việc trễ này là do mưa, diện tích ùn ứ và đến khi trời nắng máy gặt được thì máy bị lầy dẫn đến hư hỏng…
Với những lý do như vậy, làm sao mình trách chủ máy được”, ông Hết nói thêm.
Trước lý do này, chúng tôi đặt vấn đề sao không gọi máy cắt khác thì nhiều bà con cho rằng, có hai lý do không gọi được máy gặt khác:
Thứ nhất là vì hiện nay máy gặt kiêm luôn “cò lúa” cho thương lái nên bà con kêu máy gặt nào thì có thương lái đến thu mua luôn.
Vì vậy, bà con gọi máy khác, không có thương lái mua lúa còn khổ hơn. Lý do thứ hai là mỗi cánh đồng chỉ có vài máy gặt vào hoạt động, do vậy khi gặp mưa dầm như mấy ngày qua thì cánh đồng nào cũng bị ùn ứ.
Do đó, bà con có gọi máy gặt từ đồng khác đến, các chủ máy không thể qua vì họ cũng đang bị bà con “bao vây”, xếp hàng chờ gặt.
Giá bán liên tục giảm
Bên cạnh gặp khó khăn trong việc thu hoạch, hiện bà con còn chịu cảnh bị thương lái liên tục hạ giá thu mua do lúa bị ướt, ngả màu. Nếu vào thời điểm đầu vụ (khoảng đầu tháng 9), thương lái mua lúa tươi cắt máy dao động từ 4.200-4.700 đồng/kg (tùy giống).
Còn hiện tại, thương lái thu mua lúa tươi (hạt dài) cắt máy chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kg, giống IR 50404 ở mức 3.800-3.900 đồng/kg; riêng lúa cắt tay dao động ở mức 3.100-3.200 đồng/kg, có nơi chỉ còn 2.800 đồng/kg nhưng không dễ bán được lúa vì có rất ít thương lái thu mua, từ đó, gây nhiều khó khăn cho nông dân.
Ông Huỳnh Thanh Nhiên, hộ vừa cắt xong hơn 1ha lúa (giống OM 5451), ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Do trời mưa, lúa đổ ngã không thể cắt máy nên chuyển sang thu hoạch bằng tay. Khi lúa suốt xong, thương lái đến ngã giá chỉ 2.800 đồng/kg, với mức giá này thì lỗ nặng”.
So với các địa phương khác thì hiện nông dân xã Vĩnh Viễn A đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hoạch và tiêu thụ lúa.
Bởi toàn xã còn khoảng 200ha lúa chưa thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của mưa dầm trong thời gian qua nên các máy cắt ở đây đã chuyển đi nơi khác, bà con còn biết chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công cắt lúa bằng tay.
Lúa suốt ra không có người mua hoặc mua với giá “bèo”, trong khi lò sấy có cũng như không vì không hoạt động, chính vì vậy, nông dân nơi đây đành đem lúa về phơi trong điều kiện mưa dầm đầy khổ sở.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực tỉnh, cho rằng:
“Trước tình hình thời tiết mưa dầm như hiện nay, ở những khu vực có đê bao và trạm bơm tập trung, bà con có thể chủ động liên kết bơm thoát nước nhằm hạn chế lúa lên mộng;
Nnhững diện tích lúa bị sập loang lổ, nông dân có thể bó lại thành chùm dựng đứng để máy cắt có thể thu hoạch;
Đồng thời, tranh thủ tối đa khi thời tiết thuận lợi thì tiến hành thu hoạch lúa nhằm hạn chế thất thoát về năng suất và phẩm chất hạt gạo...”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 20.000ha lúa Thu đông, trong tổng số 48.000ha diện tích xuống giống.
Do ảnh hưởng của mưa dầm trong nhiều ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận ban đầu có khoảng 600ha lúa trong giai đoạn thu hoạch bị ngập, đổ ngã, gây ảnh hưởng từ 5-10%, tập trung ở hầu hết các địa phương có diện tích trồng lúa.
Có thể bạn quan tâm
Dù cao su vào chu kỳ khai thác nhưng giá xuống quá thấp, tiền bán mủ không đủ chi phí, người trồng cao su tại huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) phải chặt bỏ. Ân hận vì chạy theo phong trào trồng cao su một cách tự phát thì đã muộn…
Sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đến nay, ở Cà Mau, một số nông dân nắm bắt kịp thời kỹ thuật nuôi tôm đã trở thành tỷ phú. Nhưng vẫn còn hàng ngàn gia đình lao đao, nợ nần, khốn khó... Nguyên nhân do đâu?
Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang vừa đến huyện Châu Phú và An Phú khảo sát tình hình nông dân đăng ký nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ở Trung Quốc, nhu cầu nuôi cá lồng ngoài khơi chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay vì mật độ tập trung quá lớn của các lồng nuôi truyền thống ở các khu vực ven biển.
Trước khi thả giống tiến hành tháo nước cải tạo ruộng, dùng vôi bột rắc khắp đáy ruộng để diệt ký sinh trùng và mầm bệnh. Lấy nước vào ruộng qua lưới lọc và dùng phân gây màu, khi nước có màu xanh nõn chuối mới tiến hành thả going.