Thu Gom Ốc Bươu Vàng, Nhất Cử Lưỡng Tiện

Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên ốc ít dần.
Vào mùa nước nổi, ở miền Tây nông dân nghèo không đất, nếu không chài lưới cá, tôm thì ra đồng cào bắt OBV (ốc bươu vàng). Nghề “làm chơi, ăn thiệt” nhưng năm nay gặp con nước kém, dân cào ốc cũng kém nguồn thu.
Nước kém, ốc ít
Hỏi chuyện bắt OBV, anh Bảy Hào, nông dân ở kênh Tư Ký, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) nói như đổ cho ông trời: “Không hiểu tại sao tới con nước rằm tháng 9 âm lịch nhưng nước lên đồng chỉ lấp xấp. So với con nước vào lúc này năm ngoái còn thấp hơn 3 tấc (30 cm), chống xuồng vô chưa được thì làm sao bắt ốc?”.
Sau mùa gặt lúa vừa rảnh tay, dân chờ nước lên kiếm thêm thu nhập. “Mấy mùa nước trước, mỗi đêm hai vợ chồng anh Sáu trong xóm đẩy cào OBV thu 100 kg, ốc nguyên con lớn nhỏ bán đổ đồng 800đ/kg, kiếm được 150-200 ngàn đồng/ngày.
Năm nay coi bộ nhà anh Sáu “đói meo”, không có nước, cá ít, ốc cũng chẳng kiếm được. Anh Sáu chờ hoài sốt ruột mà không thấy nước lên nên chạy qua Rạch Giá (Kiên Giang) tìm việc làm thuê cho người bà con. Bây giờ OBV có giá bán trên 1.000đ/kg và khỏi cần chở đi xa, mỗi sáng có sẵn mối lái tới cân tại bến…”, Bảy Hào nói.
Về Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Ngọc, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, vào mùa nước nổi đêm nào ông cũng chống xuồng đi bắt OBV, sau đó về đổ ốc vào nồi luộc và nhể ra, phần thịt ốc bán cho thương lái.
Nhưng có người trong xóm ông Ngọc vì có thời gian và phương tiện, họ chở đến chợ huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bán cho mấy nhà vựa, giá 1 kg cao hơn vài ngàn đồng.
Cùng một huyện, anh Hà Minh ở ấp 5, xã Hòa An, kể: Cho dù mỗi vụ lúa nông dân rải thuốc trên ruộng diệt trừ OBV. Khổ nỗi khó tận diệt, OBV dạt xuống kênh, mương. Mỗi năm tới mùa nước nổi OBV lại sinh sôi nhanh vô kể.
Trên những cánh đồng ngập nước mênh mông phía sau nhà, anh bắt ốc để làm mồi nuôi cá lóc trong vèo. Một mùa nước OBV bắt được dư thừa làm mồi nuôi 2.000 con cá lóc trong vèo. Thu nhập từ nuôi cá lóc có lãi vài triệu đồng không khó.
Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ: “Trước đây nông dân bắt OBV chủ yếu làm mồi nuôi cá. Sau khi thị trường có nhu cầu, OBV có giá tăng lên giúp nông dân nghèo có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nông dân cần hiểu rằng, OBV là loài vật phá hại ruộng lúa, do đó không vì cái lợi trước mắt mà nuôi dưỡng loài vật này”.
Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên OBV ít dần. Mùa nước năm nay có lẽ nước lên không nhiều, OBV càng có giá tăng cao, ốc thịt sau khi luộc nhể ra bán 15.000-17.000đ/kg. Mỗi đêm cũng kiếm được trên 150.000đ.
Ốc bươu vàng đi đâu?
OBV gây hại mùa màng, dù nhiều năm qua bằng nhiều cách nông dân diệt trừ vẫn chưa hết. Gần đây khi nhiều người nhận ra việc bắt OBV làm mồi nuôi cá, nuôi vịt, ba ba…vào mùa nước nổi là có lợi và cũng là một cách mưu sinh, tăng thêm thu nhập. Dần dần OBV trở nên hút hàng, bán được giá cao và dù có nhiều bao nhiêu cũng có thương lái mua hết?
Nông dân cào ốc chỉ biết bán cho thương lái là hết. Thương lái bán ốc cho ai là chuyện của họ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, một số thương lái đặt hàng OBV chỉ mua phần thịt ốc cắt mặt sau khi luộc nhể ra, bỏ phần ruột ốc và họ nói là bán qua Trung Quốc.
Anh Huỳnh Minh Khánh, một thương lái chuyên thu mua và vận chuyển OBV ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho hay, hiện nay mỗi ngày cơ sở của anh thu mua 2-3 tấn ốc đã qua sơ chế, còn ngày nhiều có trên 4-5 tấn.
Sau đó anh chuyển về Rạch Giá (Kiên Giang) bán cho mối lái đường xa, vận chuyển theo xe đông lạnh đi các tỉnh phía Bắc, nghe nói là để xuất sang Trung Quốc. Hiện nay có nhiều cơ sở cũng giống anh cung cấp OBV qua sơ chế và tập kết hàng về Kiên Giang để bán theo cách này...
Thu gom OBV như hiện nay quả là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có ích cho nghề nuôi thủy sản vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhà nông, vừa diệt trừ nó bảo vệ mùa màng. Ở các tỉnh có vùng ngập lụt sâu như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang…, vào mùa nước xưa nay thường giăng câu, lưới cá, nay có thêm nghề “săn” OBV.
Các cán bộ nông nghiệp huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thừa nhận, nông dân bắt OBV với cách làm thủ công nhưng đã gián tiếp giúp giảm chi phí thuốc BVTV phòng trừ loài dịch hại cho vụ lúa ĐX.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có 5 loại hình cà phê bền vững gồm: 4C, UTZ Certified, RFA và Fairtrade. Tuy nhiên với cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C (canh tác dựa trên những tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội) được xem là loại hình phổ biến nhất do yêu cầu kỹ thuật ở mức cơ bản dễ tiếp cận đối với người dân.

Năm 2014, Vĩnh Châu có 6.205 ha trồng hành tím, sản lượng đạt 110.126 tấn. Mặc dù cán bộ nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm hành tím, nhất là bón phân cân đối, khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng và thời gian bảo quản, nhưng vẫn còn một số nông dân canh tác theo tập quán cũ muốn tăng trọng lượng, bón thừa phân urê.

Ông Trần Thanh Phương, ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh là một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng ở huyện Phước Long. Với diện tích 1,1 ha đất nông nghiệp, trước đây chỉ độc canh cây lúa, ông nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa thì kinh tế gia đình khó được cải thiện.

Theo ông George Chamberlain, Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAA), các trại nuôi tôm ở châu Á mặc dù đã được trang bị kỹ thuật và nhận được các tư vấn về kiểm soát Hội chứng chết sớm (EMS) song vẫn còn rất nhiều việc cần phải thực hiện.

Dự thảo với mục tiêu tổng quát là đảm bảo phát huy lợi thế tự nhiên của vùng ĐBSCL để phát triển ngành hàng cá tra, quản lý toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng hiệu quả và bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, diện tích cá tra của vùng ĐBSCL là 5.270ha, sản lượng 1,2 triệu tấn và nhu cầu giống cá tra khoảng 1,9 tỉ con.