Nuôi Bò Trên Đất Khó
Người dân tổ Tiểu Tây, thôn Phước Lợi, Tam Lãnh (Phú Ninh) mạnh dạn đầu tư nuôi bò theo quy mô bầy đàn, mở ra hướng phát triển kinh tế chủ lực nơi “vùng đất khó” này.
Sự yếu kém về hạ tầng là lực cản rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tiểu Tây - ngôi làng nằm trên ngọn núi Lô. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, người dân Tiểu Tây đã nhìn ra thế mạnh và biết phát huy thế mạnh từ việc trồng cỏ nuôi bò.
Năm 2014 đánh dấu chuyển biến quan trọng ở Tiểu Tây khi 27 gia đình của tổ không còn hộ nào nằm trong diện nghèo. Để thấy sự thay đổi lớn, có thể làm phép so sánh với thời điểm vài ba năm trước, khi Tiểu Tây được biết đến là vùng đất nhiều cái “không”.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng thôn Phước Lợi cho biết, nơi đồi núi này trồng lúa rất khó, chỉ sản suất được một vụ nhờ nước trời nên người dân đang tập trung vào thế mạnh trồng keo và nuôi bò.
“Trong khi trồng rừng chi phí vận chuyển rất cao vì sự cách trở của đường sá thì chăn nuôi bò xu hướng quy mô bầy đàn đang là hướng đi bền vững. Đến nay, tổng đàn bò của người dân tổ Tiểu Tây lên đến hàng trăm con, và cũng chính nhờ chăn nuôi bò mà tổ đã không còn hộ nghèo, dù hiện nay giao thông vẫn chưa thuận lợi” - ông Tâm nói.
Từ 2 con bò giống thời điểm 5 năm trước, đến nay đàn bò của nhà bà Lê Thị Lực đã lên đến 11 con, mới đây bà vay mượn mua một con bò lai sinh sản giá 23 triệu đồng, và mua 1 con trâu. “Nhà còn hai đứa con trai đang học cao đẳng ở Hội An và Đà Nẵng. Mỗi lần túng tiền là bán bò chu cấp cho chúng nó ăn học. Ở đây đồi đất rộng nên thuận lợi trong việc trồng cỏ và chăn thả tự nhiên, bò lớn nhanh, phát triển tốt” - bà Lực cho hay. Dọc triền núi Lô, xanh um một màu của cây keo và cỏ voi.
Ở Tiểu Tây, nhà ít nhất cũng nuôi chục con bò, có những hộ nuôi với số lượng 20 - 30 con như gia đình ông Phạm Văn Trung, Phạm Văn Phú… Việc chăn nuôi ở đây sẽ phát triển mạnh nếu người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay hơn nữa để mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Và khi đó chăn nuôi bò không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo, ổn định sinh kế mà còn hướng đến mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất này. “Nhà tôi nuôi bò ít nhất làng, chỉ có 8 con.
Giờ rất muốn phát triển đàn bò nhưng vốn không có, đã đi vay nhiều chỗ, nhiều nơi rồi nên không thể vay thêm được nữa” - ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi) nói. Trưởng thôn Phước Lợi - Nguyễn Văn Tâm nói thêm, có rất nhiều hộ dân tổ Tiểu Tây muốn nhân rộng đàn bò để tương xứng với diện tích đất đồi trồng cỏ, nhưng nguồn vốn đang là vấn đề lớn. Nếu cứ lấy ngắn nuôi dài thì phải mất khoảng thời gian rất lâu mới “gầy” được đàn bò như mong muốn.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201411/nuoi-bo-tren-dat-kho-557949/
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, một số loại hải sản xuất hiện dày... nên ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác được hơn 43.100 tấn thủy sản, bằng 49% kế hoạch năm, trong đó khai thác cá ngừ đại đương mắt to, vây vàng được 1.702 tấn.
Nền nhiệt xấp xỉ 40 độ C trong những ngày vừa qua ở Nghệ An đã khiến cho tôm ở các đầm nuôi tôm tại huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) chết hàng loạt; diện tích ngô ở nhiều địa phương cũng bị khô cháy...
Cá lóc đầu nhím (được lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề) đã trở thành đối tượng nuôi quen thuộc của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Với ưu điểm vượt trội như dễ nuôi, năng suất cao, thịt ngon và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, cá lóc đầu nhím cũng đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo.
Hiện nay, cua xanh đang là đối tượng được bà con nuôi rộng rãi ở các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên. Do nhu cầu nuôi tăng cao nên đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 50 cơ sở sản xuất giống cua xanh để cung cấp cho người nuôi.
Hiện đang vào mùa sinh sản của cá sấu, theo khảo sát ngày 2-6 thì giá cá sấu giống đang ở mức rất cao, khoảng 600.000 đồng/con (mới nở 2 - 3 ngày tuổi), tương đương năm 2014.