Sôi Động Thị Trường Lúa Giống
Mặc dù còn gần một tháng nữa mới bước vào cao điểm xuống giống vụ lúa Đông xuân 2014-2015, thế nhưng, hiện thị trường lúa giống trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây đã khá sôi động.
Khoảng một tuần lễ nay, tại nhiều điểm bán lúa giống trên địa bàn tỉnh luôn tấp nập người dân từ nhiều nơi đến mua lúa giống. Ông Lê Hoàng Em, chủ điểm bán lúa giống ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: “So với mọi năm thì năm nay bà con đến mua lúa giống sớm hơn.
Có lẽ do sợ không mua được giống lúa như ý muốn và lo giá tăng cao vào lúc cao điểm, nên nhiều nông dân đã tranh thủ đi khảo sát giá và tìm mua lúa giống ngay từ đầu tháng 9 (âm lịch) cho đến nay”.
Hiện nay, tuy thị trường lúa giống khá nhộn nhịp, nhưng nhìn chung, tình hình giá bán không có nhiều biến động so với năm trước. Cụ thể, giống Jasmine 85 ở mức 13.500 đồng/kg, IR 50404 11.000 đồng/kg, các giống còn lại khoảng 11.500 đồng/kg. Mặc dù, giá lúa giống hiện chưa biến động nhiều, nhưng chưa hẳn là ổn định. Bởi, khi vào cao điểm xuống giống, nguồn cung ít (nhất là các giống chủ lực) thì chuyện một số cơ sở sẽ tăng giá bán là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều nông dân đang đổ xô tìm mua lúa giống trong lúc này.
Thực tế trong vụ lúa Đông xuân năm trước, nhiều điểm bán lúa giống (trong đó có cơ sở của ông Hoàng Em) thiếu nguồn giống cung ứng cho bà con. Rút kinh nghiệm, năm nay, ông Hoàng Em liên kết với Công ty TNHH giống vật tư nông nghiệp Hậu Giang (tại huyện Long Mỹ) đem về trên 100 tấn lúa giống xác nhận, tăng 20 tấn so với cùng kỳ, bao gồm: OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900, IR 50404,…
“Tuy số lượng lúa giống tại cơ sở của tôi có tăng, nhưng chưa hẳn đủ cung ứng cho bà con. Bởi, vụ Đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm nên nông dân rất quan tâm đầu tư, nhất là vấn đề lúa giống. Bên cạnh đó, suy nghĩ của bà con về sử dụng nguồn giống chất lượng thay cho lúa hàng hóa dùng làm lúa giống gần đây không còn nhiều, từ đó sức mua lúa giống xác nhận đã và đang tăng mạnh” - ông Hoàng Em cho biết thêm.
Qua khảo sát, hiện đa số nông dân tìm mua các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt,... Theo đó, 2 loại giống lúa đang bán chạy nhất hiện nay trên địa bàn huyện Vị Thủy và Long Mỹ là OM 5451 và OM 4900.
Hiện nay, không chỉ các điểm kinh doanh lúa giống của các công ty mà các hợp tác xã (HTX) nhân giống trên địa bàn tỉnh cũng khá sôi động khi thị trường lúa giống vào mùa.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX nhân giống ở ấp 4, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, cho hay: “Có lẽ do nước lũ năm nay nhỏ nên bà con đã chuẩn bị xuống giống vụ Đông xuân sớm hơn mọi năm. Hiện, nông dân trong và ngoài huyện đã tìm đến HTX mua lúa giống khá nhiều trong những ngày qua, trong đó bán chạy nhất là giống OM 5451 và đây cũng là nguồn giống chủ lực hiện nay của HTX”.
Bên cạnh công tác chuẩn bị lúa giống thì việc áp dụng các giải pháp đầu vụ cũng được nông dân chuẩn bị khá khẩn trương. Theo đó, sau khi thu hoạch xong lúa Thu đông, bà con đã xới đất để diệt mầm bệnh chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa tiếp theo. Ông Mai Văn Phúc, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Đây là việc làm rất quan trọng, bởi xới vùi không chỉ diệt được mầm bệnh mà còn khống chế cỏ dại. Nhất là năm nay lũ nhỏ nên công tác vệ sinh đồng ruộng được nông dân chúng tôi hết sức quan tâm”.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể, thông tin: Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 78.000ha, tương đương cùng kỳ. Theo đó, có 3 đợt xuống giống, đợt 1 từ ngày 27-11 đến ngày 3-12-2014 (nhằm ngày 6 đến 12-10 âm lịch); đợt 2 từ ngày 26-12-2014 đến 1-1-2015 (nhằm ngày 5 đến 11-11 âm lịch); đợt 3 từ ngày 24-1 đến 30-1-2015 (nhằm ngày 5 đến 12-12 âm lịch).
Để vụ lúa Đông xuân năm nay đạt thắng lợi, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch trong việc chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn giống chất lượng. Qua điều tra của các ngành chức năng ở các địa phương, hiện lượng lúa giống còn trong dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác vẫn đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu về giống cho người dân.
Ngoài công tác chuẩn bị tốt về giống, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị các bộ phận có liên quan của ngành ở từng địa phương cần hướng dẫn bà con làm tốt việc vệ sinh đồng ruộng, xới, trục nhận hết rơm rạ để diệt các mầm bệnh và tránh lúa bị nhiễm độc hữu cơ do nông dân đa phần thu hoạch bằng cơ giới hóa. Song song đó, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, đẩy mạnh ứng dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” theo hướng cải tiến, “1 phải, 5 giảm”, nhất là quan tâm nhân rộng mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất và quản lý sâu bệnh để giảm giá thành. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chọn sạ các giống lúa tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt né rầy…
Theo lý giải của nông dân, sở dĩ trong vụ lúa Đông xuân ở những năm gần đây, bà con thường chuộng sạ giống OM 5451 là bởi đây là giống lúa dễ làm; phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất của tỉnh; nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư ít mà năng suất lại cao, đặc biệt dễ xuất khẩu nên được thương lái tìm mua khá nhiều…
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1830B8/Soi_dong_thi_truong_lua_giong.aspx
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, từ tháng Sáu đến nay, xuất khẩu thủy sản liên tục tang, từ mức xuất khẩu 38 triệu USD trong tháng Sáu đã tăng lên 49 triệu USD trong tháng Chín vừa qua.
Một số người đang tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc đợi giá xuống thấp. Trong khi chuỗi nhà hàng lớn có thể bỏ các món liên quan đến tôm hùm thì các nhà hàng nhỏ tìm kiếm các cách “sáng tạo” từ loài này.
Theo khảo sát, 75,1% người tiêu dùng ăn hải sản không vì thích mà do giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, các sản phẩm thủy sản nên nhấn mạnh đến chức năng dinh dưỡng. Angels Segura, phụ trách lĩnh vực thủy sản của AECOC, khuyến khích tập trung vào sự hấp dẫn và dễ nấu của các sản phẩm thủy sản.
Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, theo khảo sát, sau thu hoạch tôm nuôi hầu hết sản phẩm đều bán qua thương lái thu gom. Sau đó thương lái mới bán lại cho doanh nghiệp với giá cao hơn để hưởng chênh lệch giá.
Với lợi thế về diện tích mặt nước rộng, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Đắk Lắk đã có những bước phát triển khá mạnh theo hướng công nghiệp. Điều này đã tạo ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu phát triển ồ ạt….