Thông Tin Về Sữa Ế Tại Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội Đã Bước Đầu Thu Mua Ổn Định

Như tin báo Kinh tế & Đô thị đã đưa, tình trạng sữa tươi sản xuất ra không tiêu thụ hết tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa phương khác đã khiến cho người chăn nuôi lo lắng. Ngày 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã có buổi làm việc với các hộ sản xuất và DN để tìm hướng tháo gỡ. Đến nay, tình hình thu mua sữa đã bước đầu đi vào ổn định.
Tại xã Phù Đổng thời điểm này, người chăn nuôi bò sữa đã yên tâm hơn trong phát triển sản xuất vì lượng sữa làm ra được tiêu thụ hết. Ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng chia sẻ, trước đây cứ khoảng 2 - 3 ngày, gia đình ông lại bị DN thu mua "cắt" trả lại 7 - 8kg sữa.
Nhưng từ sau buổi làm việc giữa các bên, phía Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) đã thu mua hết toàn bộ số sữa của gia đình khoảng hơn 50kg mỗi ngày. "Dù giá thu mua chỉ 12.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn mức giá của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhưng chúng tôi cũng rất phấn khởi vì vất vả nhiều công sức lắm mới làm ra được một cân sữa" - ông Thảo chia sẻ.
Theo HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng, ngay sau khi HTX và Sở NN&PTNT có ý kiến, Công ty IDP đã lên kế hoạch tiêu thụ hết lượng sữa làm ra cho bà con nông dân.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hữu Hòa - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng khẳng định, không có tình trạng nông dân đổ bỏ sữa ra đường như một số tờ báo đã nêu. Ông Hòa cho biết thêm, dạo trước, khi Công ty IDP không thu mua hết sữa, các hộ chăn nuôi thường mang lượng sữa dư thừa này nhờ anh em, họ hàng tiêu thụ giúp và sử dụng trong gia đình.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã không còn xảy ra. Việc thu mua hết sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi thể hiện thiện chí của phía Công ty IDP chia sẻ khó khăn cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều nông dân Phù Đổng là hiện nay mức giá thu mua của IDP thấp hơn so với các DN sữa khác. Hơn nữa, tiền trả cho người chăn nuôi cũng chậm khoảng gần 2 tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hòa chia sẻ, người chăn nuôi rất cần vốn để đầu tư thức ăn cho bò sữa, trong khi nguồn vốn của HTX chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. "Nếu Công ty chỉ chậm trả tiền trong thời gian 5 - 7 ngày còn có thể chấp nhận được, nhưng nợ gần 2 tháng là quá lâu" - ông Hòa bày tỏ.
Thêm một khó khăn khác cho người chăn nuôi là đầu ra của những con bò mới bắt đầu giai đoạn cho khai thác hiện nay. Bởi phía Công ty IDP chỉ thu mua lượng sữa của những con bò cho khai thác từ giai đoạn trước. Do vậy, nhiều nông dân kiến nghị, ngành NN&PTNT cùng với DN sữa tiếp tục có hướng tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa, đảm bảo chăn nuôi ổn định, bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Ngay tại thị xã Bắc Kạn, những mô hình nuôi lợn lai rừng theo hình thức bán hoang dã đã được thực hiện hiệu quả. Nông hộ bỏ vốn đầu tư không quá lớn; công chăm sóc ít mà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nuôi lợn bán hoang dã đang hứa hẹn trở thành hướng làm kinh tế hiệu quả cao.

Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.