Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá từ nuôi gà an toàn sinh học

Khá từ nuôi gà an toàn sinh học
Tác giả: Ngân Hà
Ngày đăng: 05/07/2016

Thực hiện đúng kỹ thuật nuôi

Vài năm gần đây, trong khi nhiều hộ nuôi gà của tỉnh điêu đứng vì đến ngày xuất chuồng lại phải phụ thuộc thương lái từ nơi khác đến thu mua thì trang trại nuôi gà thả vườn của gia đình anh Phú vẫn duy trì đầu ra ổn định, tạo uy tín với những khách hàng khó tính trên địa bàn thị xã Phước Long và các huyện lân cận.

Giống gà Bình Định của gia đình anh Phú nuôi theo hướng an toàn sinh học nên thịt dai, thơm và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng

Gia đình anh đã mượn 3ha rẫy điều ngay dưới chân núi Bà Rá làm trang trại nuôi gà thả vườn. Anh Phú cho biết, nơi đây có địa hình thuận lợi, nhiều cỏ cây, gần suối và xa khu dân cư nên cách ly được các mầm bệnh.

Đã từng thử nghiệm nuôi gà dưới tán cao su nhưng anh Phú cho rằng, tỷ lệ gà sống và đạt trọng lượng không bằng nuôi dưới tán điều. Anh chọn giống gà Bình Định để phát triển kinh tế vì giống này kháng bệnh tốt, dễ nuôi. Gà Bình Định là giống thuần chủng, phù hợp với mọi điều kiện, khí hậu ở Bình Phước, thịt dai, thơm và ngọt nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Hiện đã vào mùa mưa nên lứa này anh chỉ thả 3.000 con, bằng một nửa so với những tháng cận tết. Anh cho biết thêm: Nuôi gà phải chú ý thời tiết và nắm bắt thị trường tiêu thụ.

Nuôi số lượng nhiều, đúng thời điểm, thời tiết thuận lợi, gà ít bệnh, phát triển nhanh thì “hốt bạc”. Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng so với nuôi truyền thống (nuôi thả hoang), gà được thả tự do trong không gian rộng.

Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính, gà còn tự tìm kiếm thức ăn như cỏ, côn trùng trong tự nhiên... để bổ sung dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là các hộ nuôi không thể tự ấp con giống mà phải đến công ty cung ứng giống tại các tỉnh Bình Dương hoặc Bình Định mua.

Anh Phú chia sẻ kinh nghiệm: Khâu chọn gà con rất quan trọng vì quyết định đến chất lượng tổng đàn. Gà con phải đồng đều, nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập... Tùy thời tiết mà người nuôi phải thức đêm để tăng, giảm nhiệt độ cho phù hợp. Với gà con 10 ngày đầu luôn giữ nhiệt độ trong chuồng ở 350C và 10 ngày sau là 330C.

Chuồng nuôi phải được phủ bạt che gió xung quanh, 15 - 30 phút cho gà ăn một lần. Khi gà trưởng thành sau 20 ngày sẽ thả vườn để chân chắc khỏe và đề kháng tốt các bệnh thông thường. Đồng thời, phải phân loại gà thành nhiều chuồng theo từng giai đoạn phát triển để bổ sung thức ăn phù hợp. Dưới nền chuồng rải lớp trấu để hạn chế mùi hôi, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ.

Cùng với việc vệ sinh chuồng trại 2 lần/tuần thì phòng bệnh bằng vắc-xin là yếu tố quyết định để chống dịch bệnh trên đàn gà. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho đàn gà khi thời tiết thay đổi. “Nhờ chăm sóc tỉ mỉ, thực hiện phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin mà 3 năm nuôi gà chưa năm nào gia đình bị thua lỗ do dịch bệnh” - anh Phú khẳng định.

Thu lãi hơn 100 triệu đồng/lứa

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, vệ sinh, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh nên lứa nào gà ở trại của anh Phú cũng lớn nhanh và ít dịch bệnh. Đặc biệt, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon, bán được giá cao. Bình quân, tỷ lệ sống đạt từ 95% trở lên, cân nặng 1,8 - 2,5 kg/con gà.

“Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 3 lứa gà thịt. Phần lớn gà được các chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã thu mua với giá từ 70 - 85 ngàn đồng/kg. Những tháng gần tết, giá lên đến 100 - 110 ngàn đồng/kg. Với giá như hiện nay thì mỗi con gà Bình Định anh thu lãi 30 - 40 ngàn đồng. Hiện với đàn gà 3.000 con, trong đó một nửa đang vào thời điểm xuất bán, trừ chi phí, mỗi lứa gà gia đình tôi lãi hơn 100 triệu đồng” - anh Phú nhẩm tính.

Để rút ngắn thời gian, anh nuôi theo kiểu “gối đầu”. Khi lứa gà trước được 3 tháng, anh tiếp tục đặt mua gà giống về thả vào chuồng úm. Với cách làm này, cứ cách 3 tháng gia đình anh lại xuất bán gà thịt một lần. “Thời điểm cận tết Nguyên đán, gà hút hàng, giá sẽ tăng cao. Năm nào cũng vậy, tôi canh đợt tết để xuất chuồng vừa bán được giá cao vừa tăng thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình và tái đầu tư cho lứa tiếp theo” - anh Phú chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Trầm trồ vườn rau sạch xanh mướt trên núi Trầm trồ vườn rau sạch xanh mướt trên núi

Ai đi ngang qua xã Sơn Dung (Sơn Tây, Quảng Ngãi) trên cung đường Đông Trường Sơn vào thời điểm này cũng ngạc nhiên và trầm trồ vườn rau xanh mướt của ông Võ Hồng Thơ.

04/07/2016
Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời

Vịt trời trong tự nhiên là một trong các loại động vật hoang dã, thịt thơm ngon, ngọt, mềm hơn các loại vịt thông thường và đặc biệt là không có mùi tanh. Do vậy, những món ăn chế biến từ vịt trời đều mang hương vị độc đáo hơn vịt thường. Từ đó, vịt trời đã được thuần hóa, đưa vào sản xuất đại trà trong các trang trại và nông hộ ở một số tỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người.

04/07/2016
Tây Sơn (Bình Định) triển khai mô hình nuôi thâm canh bò thịt Tây Sơn (Bình Định) triển khai mô hình nuôi thâm canh bò thịt

Trạm Khuyến nông Tây Sơn (Bình Định) vừa triển khai mô hình (MH) “Nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở giai đoạn bê con” tại hộ ông Hồ Xuân Dũng ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh với quy mô 5 con bê lai F1 thuộc giống bò BBB - giống bò siêu thịt của Bỉ.

05/07/2016