Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời
Ở Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông Tư Nghĩa là đơn vị đầu tiên đã cộng tác với Trạm thủy nông số 3 và một nông dân có kinh nghiệm nuôi vịt triển khai thực hiện mô hình nuôi vịt trời thương phẩm tại Đập Quánh, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) từ tháng 3.2016 với quy mô 700 con.
Vịt được nuôi theo phương pháp úm nuôi vịt con từ nhỏ, với trọng lượng 250 gram/con. Trong giai đoạn úm vịt có tiêm phòng vắc xin viêm gan và dịch tả vịt. Từ 1 đến 5 ngày tuổi sử dụng thức ăn cám gà con và để trợ sức cho vịt, chủ hộ nuôi có hòa Vitamin C và men tiêu hóa sống vào nước cho vịt uống. Sau giai đoạn úm, từ tuần thứ 4 đến lúc bán thịt, vịt được thả ra sông để có thể tự tìm thức ăn tự nhiên như tôm, tép, cá, cua và các loại rau xanh quanh hồ như cỏ, bèo cùng với thức ăn chính là cám tổng hợp. Khi vịt được 35 ngày tuổi thì tiêm phòng vắc xin H5N1.
Giai đoạn này, vịt khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển nhanh. Sau 71 ngày nuôi trọng lượng bình quân đạt 1,15 kg/con. Trong đó, con lớn nhất nặng 1,4kg và con nhỏ nhất nặng 0,9 kg. Qua hai giai đoạn chăm sóc, nuôi dưỡng, tổng chi phí thức ăn và thuốc thú y của một con vịt trong suốt quá trình nuôi khoảng 85.000 đồng.
Hiện nay, trên thị trường việc tiêu thụ vịt trời được người mua tính theo đơn vị con, không tính theo trọng lượng như những con vật khác. Với mức giá bình quân 150.000 đồng/con (hiện tại giá bán lẻ 180.000 đồng/con và bán sỉ dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/con) thì tổng doanh thu đàn vịt đạt khoảng 84,6 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lãi hơn 20 triệu đồng.
Ngày 24.6 vừa qua, Trạm Khuyến nông Tư Nghĩa đã tổng kết mô hình với nhận định: Vịt trời là đối tượng vật nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm, nhưng với các đặc tính hoang dã, sức sống cao nên đàn vịt vẫn phát triển tốt. Bước đầu mô hình đã đưa được con vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Với thu nhập trên 400 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành triệu phú nhờ nuôi ếch, gà giống.
Vụ tôm nuôi (vụ 1/2016), do hạn, mặn nên tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước tình hình đó, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chuyến khảo sát thực tế tại huyện Hồng Dân để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong sản xuất.
Ai đi ngang qua xã Sơn Dung (Sơn Tây, Quảng Ngãi) trên cung đường Đông Trường Sơn vào thời điểm này cũng ngạc nhiên và trầm trồ vườn rau xanh mướt của ông Võ Hồng Thơ.