Thời Tiết Nóng Đẩy Giá Chanh Tăng Cao

Mấy ngày gần đây, chanh tươi được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 16.000 - 18.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá thu mua hiện nay, lợi nhuận từ trồng chanh là khá cao, nên nhà vườn rất phấn khởi.
Ông Trần Văn Hùng, nông dân có 5.000m2 trồng chanh bông tím ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, những năm gần đây giá chanh thường ổn định ở mức cao, nên trồng chanh mang lại thu nhập khá.
Năm nay, chanh đạt năng suất khá cao, ít dịch bệnh, cộng với giá chanh nằm ở mức cao nên vườn chanh vừa đem lại cho ông Hùng lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. "Cách đây 3 ngày, tôi đã bán cho thương lái tại vườn được gần 6 tấn chanh với giá 16.000 đồng/kg, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng" - ông Hùng nói.
Bà Hồng, thương lái thu mua chanh ở chợ An Hữu, huyện Cái Bè chia sẻ, giá chanh tăng từng ngày trong những ngày qua là do thời tiết nắng gay gắt, chanh thời điểm này cũng ít cho trái hơn, trong khi nhu cầu chanh tươi để phục vụ giải khát tăng cao.
Theo tính toán của nhiều nông dân trồng chanh ở Tiền Giang, chanh thường đạt năng suất khoảng 10-15 tấn/ha. Với giá chanh hiện nay, sau khi trừ tất cả các chi phí, nhà vườn nào thu hoạch chanh trong thời điểm này có thể đạt lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, chanh là một trong những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao ở các xã đầu nguồn của huyện, với lợi thế là không kén đất, có thể trồng xen hoặc tận dụng những diện tích đất khó trồng được các loại cây ăn trái khác.
Đồng thời, nhờ nông dân quan tâm tuyển chọn những giống chanh mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chủ động mùa vụ bán được giá, nên chanh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hiện nay, diện tích trồng chanh của địa phương này lên tới gần 1.000 ha, lớn nhất tỉnh, tập trung ở các xã Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông và An Cư. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định cho cây chanh theo hướng sản xuất chất lượng, bền vững và tạo uy tín trong người tiêu dùng, huyện Cái Bè đã thành lập HTX chuyên canh trồng chanh ở xã Tân Thanh với diện tích gần 200 ha.
Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 ha chanh trồng rải rác khắp các huyện trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Sản lượng chanh cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 20.000 - 30.000 tấn trái.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với sản lượng hàng năm khoảng 12 nghìn tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, thị trường tiêu thụ ngao Trung Quốc đột ngột sụt giảm, giá ngao xuống thấp khiến cho người nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phước Sơn, nhiều hộ dân đã cải tạo đất vườn đồi để trồng các giống cây ăn quả mới dẫn nhập cho hiệu quả kinh tế cao.

4 năm qua, mô hình trồng ngò gai ở xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao góp phần xóa đói giảm nghèo và đang được nhân rộng. Toàn xã có trên 400 hộ dân SX 27 ha ngò gai. Bình quân 1.000 m2 ngò gai thu lãi từ 40 - 50 triệu đ/năm.

Có thể nói tình hình nuôi trồng thủy sản năm nay ổn định và không phát sinh dịch bệnh, tuy nhiên sản lượng giảm so với năm 2013 vì phần lớn bà con thả giống chậm so với lịch thời vụ, thời tiết xấu, cùng với chất lượng giống không đảm bảo nên tỷ lệ hao hụt cao.

Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản.