Thời Tiết Giao Mùa, Cá Chết Hàng Loạt
Những ngày qua, hàng loạt ngư dân trong tỉnh An Giang lao đao vì thời tiết giao mùa, cá chết hàng loạt. Cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa và làm hạn chế thiệt hại… Song, tình trạng cá chết do nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa dừng lại.
Ông Trần Tấn Lộc (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là một ngư dân lành nghề, nuôi cá bè trên 30 năm. Vụ nuôi 2014, ông Lộc nuôi 7 bè cá, gồm cá điêu hồng và chim trắng.
Từ khi nước trên sông chuyển màu từ trong sang đục (nước đổ) thì cá điêu hồng trong bè ông bắt đầu chết. “Từ khi nước đổ, cá chết lai rai vì môi trường nước bị thay đổi đột ngột. Ba ngày gần đây, cá chết rất nhiều, phần lớn là cá điêu hồng.
Bè của tôi tỷ lệ cá chết lên đến 50%. Thấy cá chết quá nóng lòng, tôi đã dùng nhiều loại thuốc thú y thủy sản khác nhau để điều trị, như: Beta Glucan, Vitalec, các loại Vitamin… nhưng tình hình chưa được cải thiện” – ông Lộc, nói. Gia đình ông Lộc là một trong hàng chục ngàn ngư dân trong và ngoài tỉnh có cá bị chết trong thời điểm giao mùa này.
“Cá thì sống dưới nước nên môi trường nước rất quan trọng. Khi môi trường nước bị thay đổi đột ngột, cá rất dễ bị tress và sốc nước, từ đó bỏ ăn và lâm bệnh. Những hộ nuôi cá bè, vào mùa này phải gánh chịu rủi ro rất cao vì hiện nay nguồn nước từ thượng nguồn đổ về bị ô nhiễm rất dữ dội. Nước chảy mạnh nên cá tấp ở đầu bè, lo bơi lội mà bỏ ăn” – ông Trần Quốc Vụ (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), cho biết.
Ngoài cá điêu hồng, các đối tượng nuôi khác như các mè vinh, cá he và đặc biệt là cá tra cũng chết rất nhiều. “Cá chết do vi khuẩn gây ra, nước đục nên các loại ký sinh trùng rất nhiều, từ đó chúng tấn công và làm cá bị bệnh.
Các bệnh thường gặp là đốm trắng ở gan, thận (ngư dân hay gọi là bệnh gan thận mủ), bệnh xuất huyết, phù đầu, đốm đỏ; các bệnh do ký sinh trùng gây ra, như: Sán lá mang, trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán dây, giun tròn, giun đầu móc…”- ông Trần Hoàng Hùng, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản An Giang, cho biết.
“Ngoài nguyên nhân do môi trường nước bị thay đổi đột ngột, một nguyên khác mà chúng ta dễ nhìn thấy trên đối tượng cá tra, đó là giá cá tra thịt bị rớt xuống thấp, cá giống cũng mất giá nên các chủ trại nuôi cá giống lơ là trong việc chăm sóc cá, không cho cá ăn đủ các chất dinh dưỡng, từ đó con giống không được khỏe, vì vậy, khi gặp môi trường khắc nghiệt cá dễ bị chết” – ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nói.
Cá chết hàng loạt đã gây thiệt hại lớn cho ngư dân, đặc biệt là cá đang ở giai đoạn nuôi từ cá giống lên cá thịt. “Thời điểm giao mùa này, những hộ chưa có kinh nghiệm nuôi, thả cá giống có kích thước nhỏ, cá dễ bị chết hơn hộ thả con giống loại lớn. Cá nhỏ sức đề kháng yếu nên dễ sinh bệnh và chết.
Cá lớn, sức đề kháng cao nên ít chết hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm này nên hạn chế thả giống; nếu có thả nên thả con giống cá tra loại 10 con/kg sẽ ít bị thiệt hại hơn” – ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, nói. “Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, mỗi năm có 2 thời điểm mà nông dân nuôi cá cần lưu ý là, thời điểm nước đổ và nước rút.
Nước đổ, trong nước mang theo rất nhiều mầm bệnh từ thượng nguồn về, từ đó chúng tấn công các đối tượng nuôi và dịch bệnh lây lan cũng rất nhanh. Nước rút, nước trên đồng mang theo nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu nên cũng làm cho cá dễ bị bệnh và chết.
Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, nông dân nuôi cá cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa là chính, tổ chức nuôi theo quy trình đã được khuyến cáo nhằm hạn chế thiệt hại gây ra” – ông Trần Hoàng Hùng, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản An Giang, khuyến cáo.
“Hiện nay, đa phần người nuôi đưa nước trực tiếp từ sông vào hầm hoặc từ hầm ra sông mà không qua hệ thống lắng lọc theo quy trình được khuyến cáo.
Đây là một trong những điều kiện để dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng, vì vậy, để hạn chế cá bị dịch bệnh như hiện nay, một trong những giải pháp căn cơ để phát triển ngành Thủy sản mang tính bền vững là phải quản lý được nguồn nước.
Ngư dân cần thực hành nuôi theo quy trình được khuyến cáo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trong thời gian tới”- ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản AFA, nói.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 4 giờ sáng 28-12, anh Nguyễn Văn Lưu (ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) phát hiện mùi hôi thối nồng nặc nên chạy ra xem thì phát hiện trong bửng rất nhiều cá đã nổi đầu thở ngáp, một số đã chết nổi trắng bửng.
Toàn huyện Phú Tân có 493 trạm biến áp, do quá trình phát triển nuôi tôm công nghiệp nhanh chóng của người dân, trước đây đã có tới 165 trạm quá tải. Thực hiện Dự án nâng cấp hệ thống điện góp phần phục vụ nuôi tôm công nghiệp, đơn vị đã triển khai nâng cấp trên 100 trạm biến áp và cơ bản hoàn thành trong 2 tháng nay.
Theo nhiều ngư dân ở các xã An Hòa, An Hải và An Chấn, trong những ngày qua, biển động và sóng lớn kéo dài, đã tạo điều kiện cho tôm hùm giống xuất hiện khá dày ở các ngư trường gần bờ. Nhờ vậy, bình quân mỗi phương tiện với 2 đến 3 lao động tham gia khai thác tôm hùm giống mỗi đêm có thể đánh bắt được 50 đến 70 con tôm hùm giống. Nhiều phương tiện trúng luồng đã đánh bắt được hơn 150 con tôm hùm giống/đêm.
Trong đợt đầu tiên, TP. Nha Trang có 5 chủ tàu được duyệt vay hơn 138,6 tỷ đồng để đóng mới 8 tàu, nâng cấp 2 tàu. Trong 8 tàu đóng mới, Công ty TNHH Lê Trứ (gọi tắt là Công ty Lê Trứ, phường Vĩnh Phước) được phê duyệt 6 tàu đều là vỏ sắt, gồm 4 tàu dịch vụ thủy sản có công suất 829CV, 2 tàu lưới vây có công suất 1.200CV. Tổng nhu cầu vốn vay của Công ty đến hơn 115,5 tỷ đồng.
Trong các loại cá nước ngọt, cá trắm đen được xếp là một trong những loại cá quý nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều địa phương đã chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp như một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.