Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thời Tiết Giao Mùa, Cá Chết Hàng Loạt

Thời Tiết Giao Mùa, Cá Chết Hàng Loạt
Publish date: Saturday. August 2nd, 2014

Những ngày qua, hàng loạt ngư dân trong tỉnh An Giang lao đao vì thời tiết giao mùa, cá chết hàng loạt. Cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa và làm hạn chế thiệt hại… Song, tình trạng cá chết do nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa dừng lại.

Ông Trần Tấn Lộc (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là một ngư dân lành nghề, nuôi cá bè trên 30 năm. Vụ nuôi 2014, ông Lộc nuôi 7 bè cá, gồm cá điêu hồng và chim trắng.

Từ khi nước trên sông chuyển màu từ trong sang đục (nước đổ) thì cá điêu hồng trong bè ông bắt đầu chết. “Từ khi nước đổ, cá chết lai rai vì môi trường nước bị thay đổi đột ngột. Ba ngày gần đây, cá chết rất nhiều, phần lớn là cá điêu hồng.

Bè của tôi tỷ lệ cá chết lên đến 50%. Thấy cá chết quá nóng lòng, tôi đã dùng nhiều loại thuốc thú y thủy sản khác nhau để điều trị, như: Beta Glucan, Vitalec, các loại Vitamin… nhưng tình hình chưa được cải thiện” – ông Lộc, nói. Gia đình ông Lộc là một trong hàng chục ngàn ngư dân trong và ngoài tỉnh có cá bị chết trong thời điểm giao mùa này.

“Cá thì sống dưới nước nên môi trường nước rất quan trọng. Khi môi trường nước bị thay đổi đột ngột, cá rất dễ bị tress và sốc nước, từ đó bỏ ăn và lâm bệnh. Những hộ nuôi cá bè, vào mùa này phải gánh chịu rủi ro rất cao vì hiện nay nguồn nước từ thượng nguồn đổ về bị ô nhiễm rất dữ dội. Nước chảy mạnh nên cá tấp ở đầu bè, lo bơi lội mà bỏ ăn” – ông Trần Quốc Vụ (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), cho biết.

Ngoài cá điêu hồng, các đối tượng nuôi khác như các mè vinh, cá he và đặc biệt là cá tra cũng chết rất nhiều. “Cá chết do vi khuẩn gây ra, nước đục nên các loại ký sinh trùng rất nhiều, từ đó chúng tấn công và làm cá bị bệnh.

Các bệnh thường gặp là đốm trắng ở gan, thận (ngư dân hay gọi là bệnh gan thận mủ), bệnh xuất huyết, phù đầu, đốm đỏ; các bệnh do ký sinh trùng gây ra, như: Sán lá mang, trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán dây, giun tròn, giun đầu móc…”- ông Trần Hoàng Hùng, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản An Giang, cho biết.

“Ngoài nguyên nhân do môi trường nước bị thay đổi đột ngột, một nguyên khác mà chúng ta dễ nhìn thấy trên đối tượng cá tra, đó là giá cá tra thịt bị rớt xuống thấp, cá giống cũng mất giá nên các chủ trại nuôi cá giống lơ là trong việc chăm sóc cá, không cho cá ăn đủ các chất dinh dưỡng, từ đó con giống không được khỏe, vì vậy, khi gặp môi trường khắc nghiệt cá dễ bị chết” – ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nói.

Cá chết hàng loạt đã gây thiệt hại lớn cho ngư dân, đặc biệt là cá đang ở giai đoạn nuôi từ cá giống lên cá thịt. “Thời điểm giao mùa này, những hộ chưa có kinh nghiệm nuôi, thả cá giống có kích thước nhỏ, cá dễ bị chết hơn hộ thả con giống loại lớn. Cá nhỏ sức đề kháng yếu nên dễ sinh bệnh và chết.

Cá lớn, sức đề kháng cao nên ít chết hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm này nên hạn chế thả giống; nếu có thả nên thả con giống cá tra loại 10 con/kg sẽ ít bị thiệt hại hơn” – ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, nói. “Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, mỗi năm có 2 thời điểm mà nông dân nuôi cá cần lưu ý là, thời điểm nước đổ và nước rút.

Nước đổ, trong nước mang theo rất nhiều mầm bệnh từ thượng nguồn về, từ đó chúng tấn công các đối tượng nuôi và dịch bệnh lây lan cũng rất nhanh. Nước rút, nước trên đồng mang theo nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu nên cũng làm cho cá dễ bị bệnh và chết.

Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, nông dân nuôi cá cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa là chính, tổ chức nuôi theo quy trình đã được khuyến cáo nhằm hạn chế thiệt hại gây ra” – ông Trần Hoàng Hùng, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản An Giang, khuyến cáo.

“Hiện nay, đa phần người nuôi đưa nước trực tiếp từ sông vào hầm hoặc từ hầm ra sông mà không qua hệ thống lắng lọc theo quy trình được khuyến cáo.

Đây là một trong những điều kiện để dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng, vì vậy, để hạn chế cá bị dịch bệnh như hiện nay, một trong những giải pháp căn cơ để phát triển ngành Thủy sản mang tính bền vững là phải quản lý được nguồn nước.

Ngư dân cần thực hành nuôi theo quy trình được khuyến cáo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trong thời gian tới”- ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản AFA, nói.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn

Từ năm 2009, nông dân 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên 6 ha đất giồng cát. Cây măng tây rất phù hợp với vùng đất trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước (như vùng đất giồng vành đai xanh thành phố). Sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm

Friday. June 22nd, 2012
Heo, Gà Đều Giảm Giá Heo, Gà Đều Giảm Giá

Gần một tuần nay, giá heo hơi, gà thịt tại Đồng Nai liên tục giảm giá. Hiện giá heo hơi bán tại các trang trại chỉ còn 40 ngàn đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được giá 37 - 38 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi có heo bán ra phải chịu thua lỗ từ 500 - 700 ngàn đồng/tạ. Theo các chủ trang trại, giá heo hơi giảm sâu, đầu ra rất khó khăn vì người tiêu dùng vẫn còn ngại chất cấm tạo nạc chưa dám sử dụng nhiều thịt heo như trước. Ngoài giá heo hơi giảm, giá gà thịt bán tại các trại cũng giảm 3 - 4 ngàn đồng/kg. Giá gà thịt như hiện nay, chỉ những hộ chăn nuôi tốt tỷ lệ hao hụt đàn thấp mới có lời.

Wednesday. May 16th, 2012
Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng

Phương Trang, một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Nông Lâm TP HCM muốn học tiếp chuyên ngành về nấm, nhưng sau 3 tháng “tầm sư”, Trang lắc đầu: "VN không có trường nào đào tạo ngành nấm!".

Friday. February 24th, 2012
Ngư Dân Trúng Đậm Cá Nục Gai Ngư Dân Trúng Đậm Cá Nục Gai

Liên tục một tuần qua, ngư dân đánh bắt gần bờ khu vực Bắc miền Trung trúng đậm cá nục gai. Mỗi phương tiện sau một đêm ra khơi đánh bắt được 5 - 8 tạ các loại thủy hải sản, chủ yếu là cá nục gai.

Friday. June 1st, 2012
Trồng Thành Công Cây Khoai Tây Hà Lan Trên Ruộng Đồng Trung Du Trồng Thành Công Cây Khoai Tây Hà Lan Trên Ruộng Đồng Trung Du

Khoai tây là loại cây hoa màu được trồng phổ biến ở ruộng đất đồng bằng Bắc bộ. Và đây cũng là loại cây liên tục được thay đổi giống để phù hợp với từng loại đất và cho thu hoạch cao. Xác định được đặc điểm đó, vừa qua, trạm khuyến nông phối hợp với Hội nông dân huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã hướng dẫn nông dân đưa vào trồng thử nghiệm trên đồng đất trung du loại khoai tây Hà Lan. Kết quả đã cho thu hoạch củ cao.

Wednesday. May 16th, 2012