Thời cơ gạo Thủ đô
Tiếng là dân Thủ đô nhưng trước đây một phần không nhỏ người Hà Nội vẫn chỉ quen ăn loại gạo khô cứng Khang Dân, Q5 mà dân quê quen gọi là “gạo bình dân”.
Gạo chất lượng cao, thơm ngon và an toàn còn rất ít.
Tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2010 mới chỉ chiếm khoảng 10 - 12% diện tích với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, bộ giống còn nghèo nàn.
Xuất phát từ nền tảng khiêm tốn ấy, năm 2011 Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xắn tay vào thực hiện “Chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015”.
Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Sở NN-PTNT Hà Nội, sự phối hợp của các Sở, ban ngành, địa phương, đơn vị đã làm nên nhiều chuyện cho hạt gạo Thủ đô.
Điều đầu tiên, chương trình đã phá vỡ bức “thành trì” rất kiên cố đó là tập quán SX lúa truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, cá thể hộ để chuyển sang SX có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Chương trình đã xây dựng được 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao tiêu biểu tại 86 HTX của 14 huyện ngoại thành Hà Nội, với quy mô 27.891 ha và 166.239 lượt hộ nông dân tham gia.
Đã có nhiều mô hình phát triển SX hiệu quả cao được các địa phương quan tâm nghiên cứu, nhân rộng như mô hình SX giống lúa nếp đặc sản, nếp cái hoa vàng tại xã Tân Hưng, Thanh Oai (150 ha), xã Bắc Phú, Sóc Sơn (100 ha), xã Liên Hà, Đông Anh (100 ha), xã Tam Hưng, Thanh Oai (150 ha) có mức thu nhập tăng hơn so với lúa thường từ 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ.
Hình thành vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao: Vùng phía Bắc diện tích 35.000 - 40.000 ha, tỷ lệ lúa chất lượng cao khoảng 30 - 35%.
Vùng phía Nam diện tích 40.000 - 45.000 ha, tỷ lệ lúa chất lượng cao khoảng 40 - 45%.
Đặc biệt trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể Gạo chất lượng cao HPDC: Gạo Bồ Nâu - Thanh Văn, Gạo thơm Bối Khê - Tam Hưng, Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn & Thanh Oai.
Thứ nữa là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
Nếu như tỷ lệ giống chất lượng cao của Hà Nội năm 2010 chỉ chiếm 10,4% thì nay đã lên 32,5%.
Một số huyện như Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn… chiếm 40% cơ cấu giống lúa của địa phương.
Tuy nhiên do chưa có tiêu chí lúa, gạo chất lượng cao nên có thể tỷ lệ lúa chất lượng cao trong thực tiễn còn cao hơn.
Việc quy vùng lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn là tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí SX và tăng hiệu quả kinh tế.
Mục tiêu phát triển của chương trình thời gian tới là: Gạo có thương hiệu gạo Hà Nội, giá bán 1.000 USD/tấn.
Đa dạng cơ cấu gạo chất lượng cao 50 - 70% diện tích.
Xây dựng cánh đồng mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới.
SX, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng liên kết.
Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư SX, tiêu thụ...
Mô hình SX lúa hàng hóa chất lượng cao gắn với cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất là 100%, mạ khay máy cấy cấy đạt trên 20% và thu hoạch là gần 60% diện tích.
Điển hình như HTXNN Phú Thắng - xã Đại Thắng (mạ khay máy cấy), HTXNN Thanh Văn - Thanh Oai, Liên Hà - Đông Anh (máy gặt đập liên hợp).
Việc ứng dụng cơ giới hoá vào SX nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phun thuốc BVTV…, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hiệu quả kinh tế, mỗi ha lúa chất lượng cao bình quân có lợi nhuận cao hơn 8,9 triệu đồng so với SX lúa thường, nguyên nhân do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, chất lượng đồng thời giảm chi phí SX như giảm lượng giống, phân bón, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới...
Làm một bài toán đơn giản, lợi nhuận 8,9 triệu đồng/ha/vụ x 190.592 ha (diện tích phát triển 5 năm) = 1.695,734 tỷ đồng.
Vậy 1.395 tỷ đồng/435 tỷ đồng (kinh phí thực hiện 5 năm) tương đương 1 đồng đầu tư sinh lãi 4 đồng.
Chương trình còn tạo dựng được mối liên kết doanh nghiệp, khoa học, nông dân để hình thành nên chuỗi giá trị SX hàng hóa nông sản chất lượng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao có một số tồn tại, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng trong chế biến gạo chất lượng cao chưa có (phơi sấy, kho, chế biến, đóng gói…), chính sách chưa đủ mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia chương trình.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ sở chưa quyết liệt nhất là quy hoạch mô hình SX lúa hàng hóa một số điểm còn chưa tập trung, chọn giống, chăm sóc, bón phân cân đối; quy trình SX chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến một số mô hình hiệu quả chưa cao.
Chất lượng lúa gạo chưa đồng đều, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Hà Nội đã triển khai nhưng chưa vào hệ thống và ổn định nên giá trị gia tăng chưa bền vững.
Tiêu thụ lúa gạo chất lượng hiện nay chủ yếu là tự do chiếm 90% sản lượng lúa gạo chất lượng cao, hợp tác xã 10%.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, tại cảng cá lạch Quèn xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An), hàng trăm phương tiện khai thác thủy, hải sản công suất lớn của ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa đã cập cảng trong niềm vui được mùa cá đốm.
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh tràn lan đã gây thiệt hại lớn đối với người nuôi tôm trong tỉnh Khánh Hòa. Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng nước, môi trường ao nuôi chưa được quản lý tốt.
Nhận thấy giải pháp tối ưu để phát triển bền vững sản xuất cá tra nhằm đảm bảo lợi ích cho cả người nuôi và nhà chế biến là xây dựng mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp (DN) và các thành phần cung ứng dịch vụ trong chuỗi sản xuất.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) vừa tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi cá thâm canh trên diện tích hơn 20 ha tại các xã Đông Lỗ, Hợp Thịnh, Thái Sơn (Hiệp Hòa).
Tình hình thời tiết trong thời gian qua tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với việc tiếp tục giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ đã khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển.