Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Lúa Trên Cát Trắng

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Lúa Trên Cát Trắng
Ngày đăng: 10/06/2013

Những ngày vừa qua, bà con nông dân xã Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tiến hành thu hoạch lúa đông xuân. Niềm vui được mùa lúa như tiếp thêm động lực cho người dân vùng ven biển quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả giữa cái nắng như thiêu đốt của mùa hè.

Từ thử nghiệm...

Một ngày cuối tháng 5, có dịp đi qua địa bàn xã Gio Hải, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những vùng đất cát bạc màu trở thành những cánh đồng lúa vàng rực, trĩu hạt. Theo người dân ở đây cho biết, từ bao đời nay người dân vùng cát ven biển của Quảng Trị nói chung và xã Gio Hải nói riêng chỉ quen với việc đánh bắt thủy sản, trồng các loại hoa màu như khoai, sắn... chứ chưa bao giờ biết trồng lúa. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây cây lúa đã trở thành cây chủ lực, đem lại năng suất cao, cho thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây lúa.

Theo ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn 5 xã Gio Hải, một vài năm trước chỉ có ít hộ gia đình trồng lúa mang tính chất thử nghiệm, sau một vài vụ cho năng suất cao nên bây giờ hầu hết gia đình nào trong thôn cũng trồng lúa. Người trồng nhiều cũng lên đến vài héc ta, người ít nhất cũng được vài sào.

Được bà con giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Võ khi đã gần 10 giờ trưa, nhưng anh vẫn chưa đi làm về, vì thế chúng tôi phải ra đồng tìm. Theo chân một người dân ở đây cùng ra đồng thì anh Võ đang còn chất lúa lên xe kéo về nhà. Vừa đi, anh vừa cho biết, anh là người có diện tích trồng lúa nhiều nhất ở thôn 5. Thu hoạch xong vụ đông xuân này gia đình anh cũng được gần chục tấn lúa. Nhờ cây lúa mà cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng.

Anh Võ được xem là người đầu tiên ở địa phương đem cây lúa về trồng thử nghiệm trên cát. Anh Võ cho biết: “Ban đầu mới đem lúa gieo trên cát ai thấy cũng ngại ngần vì họ nghĩ rằng, với vùng đất cát bạc màu, nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng như ở Gio Hải, thì chỉ trồng được khoai, sắn chứ làm sao mà trồng được lúa. Mặc dù rất khó khăn và còn thiếu kinh nghiệm nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được.

Những năm đầu do phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giống lúa không phù hợp, tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và đã rút ra những bài học về việc gieo lúa trên cát, đến nay mọi công đoạn tôi đã quen thuộc. Đối với vùng đất cát bạc màu như ở Gio Hải thì trồng giống lúa Khang Dân là phù hợp nhất vì ít sâu bệnh, chịu hạn tốt mà năng suất rất cao. Ngoài ra, khu vực gần biển thì trồng giống lúa Hương Thơm để chịu mặn; những vùng đất cát ở khu vực xa biển, cao hơn thì trồng giống lúa QT 6 để chịu hạn”.

Từ việc thử nghiệm, giờ đây cây lúa trồng được trên cát, cho năng suất không thua kém các vùng thâm canh cây lúa ở đồng bằng. Niềm ao ước của người dân vùng ven biển Quảng Trị nói chung, Gio Hải nói riêng đã trở thành hiện thực, góp phần làm cho đời sống người dân ngày càng no đủ, ổn định.

... đến làm giàu

Về Gio Hải những ngày này đi đến đâu cũng thấy rơm rạ chất đầy đường, trên khuôn mặt của người dân ai cũng hiện lên niềm phấn khởi và một không khí khẩn trương, hối hả. Hiện tại toàn xã Gio Hải có 6 thôn thì thôn 5 được xem là “vựa lúa” của xã.

Ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn 5 xã Gio Hải cho biết: “Chưa khi nào người trồng lúa ở vùng cát trắng Gio Hải được mùa như năm nay. Do thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây lúa phát triển nhanh, được mùa chưa từng có. Vụ này gia đình tôi thu hoạch được gần hai tấn, chỉ để ăn một tấn, số còn lại đem bán lấy tiền đầu tư cho con cái ăn học. Đây là vụ đông xuân mà năng suất cây lúa ở vùng cát trắng này được mùa nhất, đạt trên 40 tạ/ha. Nếu so với các vùng chuyên sản xuất lúa như Gio Quang, Gio Mai..., đất đai màu mỡ thì chưa bằng, nhưng đối với vùng đất cát bạc màu, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng như ở Gio Hải thì quả là kỳ tích”.

Giữa cái nóng như thiêu của mùa hè, mặc dù vất vả, nhưng bà con vẫn không giấu được niềm vui khi lúa được mùa. Anh Nguyễn Ninh ở thôn 5, vừa nói vừa nở nụ cười rạng rỡ: “Tôi trồng lúa gần 5 năm, nhưng chưa năm nào lúa đất cát lại được mùa như năm nay. Gặt xong một vụ đông xuân năm nay nhà tôi cũng thu được khoảng 3 tấn”. Không giấu được niềm vui, anh Trần Văn Đông, ở thôn 5 khoe: “Nhà tôi mùa này làm hơn 2 ha lúa, với giá lúa hiện tại từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí phân bón, cày ruộng... cuối vụ thu lãi cũng được gần 30 triệu đồng, cao gấp hai đến ba lần trồng các loại hoa màu khác. Nhờ lúa mà gia đình tôi có cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.

Ông Phong chia sẻ, từ ngày cây lúa trồng được trên cát trắng có hiệu quả cao, nhiều vùng đất bị bỏ hoang được bà con đưa vào trồng lúa. Từ khi cây lúa trở thành cây chủ lực trên vùng cát, bà con đã không còn phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy sản, đời sống ngày càng được nâng cao. Việc cây lúa trồng được trên cát vùng ven biển hiện nay là một mô hình có hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cần nhân rộng và có chính sách khuyến khích người nông dân sản xuất...

Ông Phan Hữu Đông, Chủ tịch Hội nông dân xã Gio Hải cho biết: “Diện tích lúa trồng trên cát hiện nay khoảng 40 ha, trong đó thôn 5 chiếm gần 35 ha. Từ ngày đem cây lúa về trồng cho năng suất cao đã trở thành cây làm giàu cho bà con, đời sống ngày càng ổn định, trong đó có hộ giàu lên như gia đình anh Nguyễn Văn Võ, Lê Văn Huy, Trần Văn Đông... Tuy nhiên, việc bà con trồng lúa vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân về cách sử dụng các giống lúa, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu... Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của lúa”.

Có thể nói từ ngày trồng lúa, thu được “hạt vàng” trên cát, cái đói, cái khổ đã không còn, đời sống của bà con đã giảm bớt được những khó khăn, không còn phụ thuộc vào nghề biển như những năm về trước, nhất là khi giáp hạt nhiều gia đình còn thừa lúa đem bán. Đây là một mô hình cần được nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết ngành xuất khẩu hạt điều đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng và thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu vì sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc.

24/05/2014
Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang

Vĩnh Long có hơn 10.000ha khoai lang, nhưng hiện vẫn chưa có vùng sản xuất giống cung ứng tại chỗ. Gần 90% nông dân phải mua dây giống từ nơi khác hoặc trao đổi để trồng, dẫn đến tình trạng nhiều giống khoai bị thoái hóa, sinh trưởng kém, sâu bệnh tăng và năng suất giảm.

07/05/2014
“Đóng Mác” Cá Tra Mừng Và Lo “Đóng Mác” Cá Tra Mừng Và Lo

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 36 (hiệu lực từ ngày 20/6/2014) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đang thu hút sự quan tâm của nhiều thương nhân, doanh nghiệp, người dân...

24/05/2014
Nông Dân Đua Tài Nuôi Bò Lai Nông Dân Đua Tài Nuôi Bò Lai

Hội thi vừa được Hội ND tỉnh tổ chức tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh. Mỗi chi hội lựa chọn 5 cặp bò mẹ và bê lai từ 10 tháng tuổi trở xuống tham gia hội thi.

24/05/2014
Các Tổ Hợp Tác Cung Cấp Hơn 2.000 Tấn Lúa Giống Mỗi Năm Các Tổ Hợp Tác Cung Cấp Hơn 2.000 Tấn Lúa Giống Mỗi Năm

Việc các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia sản xuất lúa giống đã khắc phục phần nào tình trạng nhập lúa giống từ các tỉnh lân cận, giúp nông dân từng bước sử dụng lúa giống cấp xác nhận trong sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo và tăng năng suất cho nông dân.

07/05/2014