Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dâu Da Đất
Sở hữu hơn 40 cây dâu da đất với năng suất từ 1 tạ đến 3 tạ/cây, gia đình ông Nguyễn Hòa My (ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê) đã chọn đúng cây trồng, hợp thổ nhưỡng để thoát nghèo “khỏe” với thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì vườn dâu da đất của gia đình ông Nguyễn Hòa My hiện là vườn duy nhất được duy trì và phát triển có quy mô trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một loại trái cây rừng có vị chua, ngọt được người dân mang về trồng và cải tạo để giảm độ chua, tăng độ ngọt.
Dẫn chúng tôi đi thăm những cây dâu da đặc kín quả chín mọng từ gốc lên đến ngọn, ông Hòa My kể: 10 cây dâu da đầu tiên trong vườn nhà được bố ông mang cây con từ rừng và phát hiện ra loại trái cây này từ năm 1962. Sau 10 năm, 10 cây dâu da cho quả đều và đạt năng suất từ 1 tạ đến 3 tạ/cây, bán được ra thị trường và cho thu nhập lai rai.
Những năm tiếp theo, khi đến mùa quả chín, ông nhân giống trồng kín mảnh vườn có diện tích hơn 2 sào đất. Với kỹ thuật trồng cây cách cây 5-6 mét, vườn nhà ông vừa đủ cho 42 cây dâu da phát triển. Từ ngày vườn dâu da đất cho thu hoạch, kinh tế của gia đình ông mới đi vào ổn định và thoát được nghèo.
Vì có nguồn gốc là cây rừng nên dâu da không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần bón phân một lần vào tháng 10 Âm lịch sau khi đã kết thúc mùa thu hoạch là đủ đảm bảo cho cây phát triển và cho quả vào mùa sau.
Theo kinh nghiệm của ông Hòa My thì cây dâu da đất cũng không cần phải thay thế trồng mới vì cây càng lâu năm thì cho quả càng nhiều. “Những cây dâu da đầu tiên trong vườn nhà tôi đã hơn 50 tuổi nhưng cây nào cây nấy rất sai quả, cành vươn cao đến đâu thì quả vươn cao đến đấy mà chất lượng quả cũng không hề bị giảm sút”-ông Hòa My cho biết.
Nói thêm về những kinh nghiệm trồng dâu da đất cho năng suất cao, ông Hòa My vui vẻ chia sẻ: “Dâu da thích hợp với một lớp đất màu chừng 20 phân phía trên, còn phía dưới là đất sét. Trồng dâu da đất, muốn cải tạo giảm bớt độ chua và tăng độ ngọt cho quả thì sau khi cây bén rễ phải làm bồn và rắc vào mỗi cây một ký vôi.
Cây thường ra hoa vào tháng Giêng và bắt đầu cho thu hoạch vào tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch. Trong quá trình cây ra hoa, kết trái không cần phải phun các loại thuốc sâu hay kích thích. Ngoài ra, còn có thể trồng xen canh một số loại cây như gừng, nghệ dưới tán cây dâu da để tạo thêm nguồn thu nhập”.
Hiện nay với giá ổn định 15.000 đồng/kg tại vườn, gia đình ông cung cấp dâu da chín cho rất nhiều chợ và sạp bán trái cây trên địa bàn thị xã An Khê, huyện Kbang, Đak Pơ, Mang Yang và cả TP. Pleiku. Đến nay, đã có khá nhiều người và đoàn công tác biết đến vườn dâu của gia đình ông nên khi có dịp, họ ghé vào tham quan và tự tay chọn hái những chùm trái chín mọng mang về làm quà và để dành ăn dần.
Chị Hà Thùy (nhà ở thị xã An Khê) hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh nhưng khi có dịp về nhà vào mùa dâu da chín, chị đều tranh thủ chạy vào vườn nhà ông Hòa My để mua mang vào làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp.
Chị cho biết: “Tôi được ăn dâu da nhà ông My từ ngày còn bé nên đâm ra nghiền vị chua chua, ngọt ngọt của nó. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng rất thích nên mỗi lần về, họ đều hỏi thăm có phải mùa dâu da rừng chín không để gửi mua”.
Cũng theo chị Thùy, quả dâu da ngoài ăn những múi chín mọng nước thì vỏ chấm muối ớt ăn cũng rất ngon. Quả dâu da non còn được dùng để nấu canh chua với vị chua thanh có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Có thể bạn quan tâm
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.
Mô hình đã tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, được đông đảo bà con nông dân đánh giá cao và đã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mô hình còn giải quyết việc làm, đem lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển cá nước ngọt theo quy trình VietGAP.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, bình quân giá bắp nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 6.500 đồng/ki lô gam, thì đến hết tháng 11-2014 giảm xuống còn 6.300 đồng/ki lô gam. Tương tự, giá khô dầu đậu nành nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 14.490 đồng/ki lô gam, thì đến tháng 11 giảm xuống còn 12.600 đồng/ki lô gam và giá mì cũng từ mức 5.250 đồng/ki lô gam, giảm xuống còn 5.040 đồng/ki lô gam.
Theo ước tính trị giá đàn trâu của gia đình ông hiện nay khoảng 700 - 800 triệu đồng. Ông Bân cho biết: Phát triên chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi trâu hiện nay hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các con khác. Trong một năm, một con trâu cái đẻ ra một con nghé chỉ cần chăm sóc một tuổi bán rẻ cũng được trên 15 triệu đồng, tính ra người nông dân có thể mua được khoảng 3 tấn thóc.
Ngay sau khi tiến hành tiêu hủy đàn chim cút, Cơ quan Thú y vùng 4 đã thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý xác gia cầm bị chết tại trại chăn nuôi của hộ ông Phạm Hoàng Điệp. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A/H5N1, A/H5N6 lây sang người.