Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Thỏ Và Dế
Anh Phạm Hồng Hải (phường Phước Long, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa được Hội nông dân tỉnh Khánh Hòa tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 – 2014, với mô hình nuôi thỏ và nuôi dế anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương của mình.
Do không có vốn làm kinh tế, đầu năm 2002 anh phải vay vốn của Hội nông dân phường Phước Long với số tiền 10 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi thỏ. Sau khi vay vốn anh xây dựng chuồng nuôi cho thỏ (bằng cách đóng thành khung với diện tích dài 2m, ngang 1,2m và chia ra làm 8 ngăn nhỏ, bên trên che mái tôn) và liên hệ với một số hộ nuôi thỏ ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để mua giống.
Ban đầu, anh thả khoảng 10 cặp, khoảng 2 tháng sau, đàn thỏ của anh phát triển mạnh, số lượng tăng lên gấp đôi. Từ thành công bước đầu, anh quyết định mở rộng diện tích tổng cộng hơn 100m2 để xây dựng trang trại. Đến nay, đàn thỏ trong chuồng của anh luôn duy trì từ 100 - 130 con, anh bán chủ yếu cho các nhà hàng, khách sạn, với giá giao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg, ước trừ các khoản chi phí, gia đình anh lãi trên 90 triệu đồng/năm.
Theo cách làm của anh Hải, cứ 1 tháng anh thả trên 50 con cho giao phối và số còn lại cho nghỉ để tháng sau tiếp tục giao phối, trung bình mỗi con thỏ giống sinh sản từ 3 - 5 thỏ con. Mỗi tháng, thỏ sinh sản một lần. Sau khoảng 30 ngày tính từ lúc được sinh ra, thỏ con được tách ra cho vào chuồng khác để chăm sóc theo chế độ riêng biệt, từ khi nuôi đến xuất chuồng khoảng 75 ngày. Trung bình mỗi tháng anh có trên 250 con thỏ con.
Thức ăn cho thỏ được tận dụng từ các lá rau mơ, cỏ, bắp sú, rau lan, rau muống. Để tăng thêm chất tinh bột cho thỏ anh cho ăn kèm với các loại cám, bắp, cám gạo.
Anh Hải cho biết, so với các động vật khác như gà, lợn, thì thỏ cho thu nhập cao gấp hai lần, kỹ thuật rất đơn giản, ít tốn công và có thời gian làm công việc khác. Để phát triển thêm giống thỏ, anh dự định năm tới anh sẽ nhân rộng quy mô đàn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập.
Ngoài nuôi thỏ, từ năm 2010 anh còn xây dựng mô hình nuôi dế cơm. Hiện dế đang phát triển rất tốt, với giá bán giao động từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, mỗi năm thu được 5 lứa, thu nhập 65 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi năm anh có thu nhập 155 triệu đồng từ mô hình nuôi thỏ và nuôi dế, đã giúp gia đình anh thoát nghèo và dần vươn lên làm giàu.
Ông Phạm Đệ - Chủ tịch Hội nông dân phường Phước Long cho biết: “Hiện mô hình nuôi thỏ và nuôi dế trên địa bàn phường đang phát triển rất tốt, Hội đang tiếp tục nhân rộng đến bà con nông dân về kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi. Riêng hộ anh Hải liên tục được Hội nông dân cấp tỉnh công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hàng năm được các cấp tặng giấy khen. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, anh Hải còn hoạt động tích cực trong hoạt động Hội nông dân của phường, hướng dẫn các nông dân khác phát triển kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
Chính nhờ chịu khó biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng động trong kinh doanh, ông Hồ Ngọc Vân trở nên khá giả khi lập nghiệp trên vùng đất mới. Với mô hình ương tôm giống, nhiều năm nay mỗi năm ông thu lãi gần 400 triệu đồng.
Nuôi cua thương phẩm đang được nhiều hộ dân trong tỉnh áp dụng nhờ lợi nhuận tương đối ổn định. Ưu điểm của mô hình này vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá. Hiện nay, ở nhiều vùng tôm như: Ninh Hà, Ninh Lộc… diện tích đìa thả nuôi rất ít.
Đồng Tháp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí. Trong 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp lựa chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành hàng cá tra đóng vai trò khá quan trọng.
Tiết kiệm nhiên liệu, tăng giá bán sản phẩm, làm cầu nối giữa đất liền và tàu khai thác thủy sản xa bờ là ưu thế của tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng, hiện nay số lượng tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa đáp ứng đủ năng lực đánh bắt.