Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi
Nhiều năm trở lại đây các mô hình thâm canh, xen canh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trong đó, mô hình trồng mì xen quế, mì xen keo đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Minh Long (Quảng Ngãi).
Đi dọc theo con đường dẫn về xã Long Môn vào những ngày cuối tháng 3, hai bên sườn đồi đồng bào Hrê đang tập trung thu hoạch mì, keo và quế được trồng xen canh với nhau. Đang lúi húi vác từng bó quế vừa mới lột vỏ để kịp cân cho thương lái, ông Đinh Văn La ở thôn Làng Trê, xã Long Môn hồ hởi nói: "Thu hoạch lứa mì xong rồi, giờ đến lúc thu hoạch quế. Trồng mì xen quế đem lại thu nhập cao hơn là chỉ trồng riêng mỗi cây quế. Vì cây quế sau gần 10 năm mới cho thu hoạch nên nếu chỉ trồng mỗi cây quế không thì phí đất và lâu có tiền lắm. Đợt này, tính thu nhập cả mì, cả quế, tôi cũng kiếm được hơn trăm triệu đồng đấy".
Nhờ chăm chỉ làm ăn và luôn tìm tòi những cách làm kinh tế mới đã giúp gia đình ông có cuộc sống đủ đầy hơn, con cái được ăn học đàng hoàng. Hiện con gái lớn ông La đang là sinh viên Trường đại học Y dược Hà Nội, còn đứa con trai thì đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Ông La bảo: "Đời mình bám núi bám rừng khổ rồi nên phải để cho con cái nó học kiếm cái chữ. Có như thế sau này nó mới không còn khổ như mình nữa".
Còn ông Đinh Tiên ở thôn Làng Trê phấn khởi nói: "Cây mì trồng theo cây keo, cây quế có thu nhập lắm. Quế, keo, mì gì bữa nay bán cũng được giá hết. Hiện nay 1kg vỏ quế tươi bán được 8.000 đồng, lại bán được cả cành, vỏ và thân quế. Thân cây quế được thu mua với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/cây. Như vậy, tính trung bình một cây quế cũng kiếm được từ 300.000 đến 500.000 đồng chứ không ít đâu. Đó là chưa kể thu nhập thêm lứa mì cũng được khá tiền. Chỉ cần có đất trong tay lại biết chịu khó làm ăn là mình không thể đói được".
Mặc dù hiện nay không phải bất cứ cánh rừng nào ở Minh Long cũng đều thực hiện mô hình trồng mì xen keo hoặc mì xen quế. Tuy nhiên, những hộ đã trồng đều cho hiệu quả kinh tế cao. Điều này cho thấy, người dân vùng cao cũng đã tìm ra được những cách làm kinh tế mới để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Long Môn cho biết: Mô hình trồng mì xen keo, mì xen quế lâu nay đồng bào mình đã áp dụng và thực sự đem lại nguồn thu khá cho người dân. Bởi cây keo và cây quế là hai loại cây có thời gian thu hoạch lâu. Do đó nếu trồng xen canh cây mì sẽ cho thêm một khoản thu nhập mà không sợ ảnh hưởng đến cây trồng chính. Ngoài ra, cây mì và cây keo là hai loại cây lâu nay có giá tương đối ổn định nên bà con có thể an tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, nông dân huyện Phú Tân đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua kiểm tra thực tế tại các hộ dân nuôi cá sấu ở tỉnh Cà Mau cho thấy, đa số những hộ nuôi quy mô nhỏ, chuồng trại đều không bảo đảm an toàn. Phần lớn diện tích chỉ từ 8 - 12m2 nhưng số lượng nuôi từ 10-20 con cá sấu, mật độ như quá dầy, hạn chế sự phát triển của cá.
Vào cuối những năm 1950, ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) đã được cho phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản (E324) chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự phân hủy của một số vitamin, ngăn chặn sự phân hóa các chất béo và các hợp chất liên quan, đồng thời ngăn peroxide hình thành trong các loại thức ăn chăn nuôi
Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.
Công ty WWF chi nhánh TP.Cần Thơ phối hợp với UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa tổ chức lớp tập huấn nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững cho hơn 60 nông dân của hợp tác xã Quyết Thắng, tổ hợp tác Thuận Thành và tổ hợp tác Phát Tài ở xã Ngọc Tố.