Hỗ Trợ Chi Phí Bảo Hiểm Tàu Cá Ngư Dân Yên Lòng Vươn Khơi Bám Biển
Hỗ trợ chi phí bảo hiểm thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển phát triển hoạt động nghề cá trên biển. Nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai Nghị định này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm phát triển thủy sản.
Theo Nghị định 67/CP, ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho thuyền viên và bảo hiểm thân tàu.
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh BR-VT được Trung ương phân bổ chỉ tiêu đóng mới 121 tàu cá, gồm tàu khai thác hải sản xa bờ (KTHSXB) và tàu dịch vụ hậu cần KTHSXB (tàu DVHC). Trước mắt, tỉnh có chủ trương thí điểm đóng mới từ 5-6 tàu vỏ sắt phục vụ cho KTHSXB và DVHC.
Cùng với việc được các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ, tư vấn về lập hồ sơ đăng ký đóng mới, chọn mẫu thiết kế tàu, vay vốn tín dụng... để đóng mới tàu KTHSXB và tàu DVHC, các chủ tàu sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm (BH) cho thân tàu, ngư lưới cụ và thuyền viên trên tàu.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua BH theo Thông tư số 115 là chủ tàu KTHSXB, tàu DVHC có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho các tàu KTHSXB, tàu DVHC là thành viên tổ đội, hợp tác xã KTHS và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên, cụ thể: Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua BH tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua BH thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước Trung ương và ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Dũng, chủ DNTN Hồng Dũng (khu dân cư Bến Đầm, huyện Côn Đảo), một DN được tỉnh chọn thí điểm đóng mới tàu vỏ thép phục vụ cho hoạt động DVHC nghề cá, bày tỏ: “Hoạt động nghề cá của ngư dân trên biển luôn đối mặt với những rủi ro bất ngờ, rủi ro bất khả kháng. Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho tàu cá là giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại, yên lòng tiếp tục vươn khơi bám biển nếu chẳng may gặp rủi ro trên biển”.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị triển khai chính sách BH phát triển thủy sản. Theo đó, BH phát triển thủy sản được thực hiện với mọi rủi ro, mức bồi thường cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn nhiều so với các quy định trước đây.
Cụ thể, trong BH tai nạn thuyền viên, mức trách nhiệm BH lên đến 70 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Trong khi mức phí đóng là 300 ngàn đồng/người/năm. Như vậy, mức chi trả bồi thường rủi ro gấp hơn 230 lần mức phí BH. Bộ Tài chính đã chọn ra 4 DN BH lớn để triển khai BH theo hình thức đồng BH nhằm bảo đảm việc thực hiện được thống nhất, gồm: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PVI. Ông Nguyễn An Hòa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm PJICO cho biết, PJICO sẽ triển khai BH tại các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó chính sách hỗ trợ kinh phí mua BH cho tàu cá, BH thuyền viên nhằm tạo điều kiện và khuyến khích ngư dân yên tâm ra khơi bám biển KTHSXB, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đồng thời, những con tàu KTHSXB cũng góp phần khẳng định sự hiện diện chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo. Do đó, các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương và các DN BH cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, để chính sách BH thủy sản mang đậm tính nhân văn này sớm đi vào cuộc sống.
Nguồn bài viết: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201411/ho-tro-chi-phi-bao-hiem-tau-ca-ngu-dan-yen-long-vuon-khoi-bam-bien-561283/
Có thể bạn quan tâm
Trong nhiều năm qua, thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này liên tục năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD và trở thành một trong bốn quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.
Số lượng đàn gia súc của tỉnh Yên Bái liên tục giảm qua từng năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong những nguyên nhân đó là do bãi chăn thả bị thu hẹp, nguồn thức ăn cho đàn gia súc hạn chế. Vì vậy, muốn tăng đàn, phát triển chăn nuôi, trước mắt cần khắc phục tình trạng thiếu bãi chăn thả.
Tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra: Giá tôm lại giảm mạnh khiến những nông dân nuôi tôm sắp bước vào giai đoạn thu hoạch lo lắng.
Tôm tích là loài thủy sản nước mặn đặc trưng ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau), thế nhưng mô hình nuôi tôm tích lại rất mới mẻ đối với người dân nơi đây. Anh Thái Trọng Tín, ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới là người tiên phong nuôi thử nghiệm đem lại hiệu quả cao mô hình kinh tế này.
Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã làm suy giảm mạnh nguồn lợi, hiệu quả khai thác. Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được kỳ vọng góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.