Thoát nghèo, làm giàu từ cây cam
Những năm qua, tuy còn nhiều khó khăn, nhất là về đường giao thông, nhưng người dân Vạn Yên luôn cố gắng khai thác thế mạnh của địa phương để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng khu kinh tế, cùng với công tác tuyên truyền, chỉ đạo của xã, người dân Vạn Yên đã biết nắm bắt cơ hội, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển trang trại cho hiệu quả kinh tế cao…
Thành công nhất là việc trồng cây cam ở xã. Vạn Yên hiện có hơn 200 hộ trồng cam, tổng diện tích 75ha, trong đó 12ha đã cho thu hoạch, 63ha trồng mới. Sản lượng cam năm 2014 của Vạn Yên là 360 tấn quả, gấp gần 3 lần so với năm 2013 và hơn 7 lần so với năm 2012. Để có được thành công này là do Vạn Yên đã thấy được hướng đi đúng của việc phát triển cây cam trên địa bàn. Từ năm 2013, Phòng NN&PTNT huyện và xã Vạn Yên đã phối hợp với Viện Rau quả Hà Nội triển khai Dự án “Trồng cam bản địa theo hướng VietGAP tại xã Vạn Yên giai đoạn 2013 - 2015”.
Dự án trồng 35 - 40ha với 3 giống cam bản địa là cam giấy, cam đường, cam sành tại các thôn 10-10, Cái Bầu, Đài Mỏ, Đài Làng. Huyện, xã đã mở nhiều lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cam, các lớp dạy nghề trồng cam theo hướng VietGAP. Người dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, dụng cụ chăm sóc cây, 50% kinh phí phân bón cho năm đầu tiên. Đến nay diện tích trồng cam trên địa bàn xã đã tăng gần gấp đôi so với kế hoạch Dự án, cam được trồng ở tất cả các thôn trong xã, riêng từ đầu năm đến nay đã có thêm 19 hộ tham gia trồng mới 16,2ha cam.
Chúng tôi đến thăm khu gia trại của ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trại Vạn Yên, người được coi là trồng cam giỏi nhất xã. HTX của ông hiện có 14 xã viên, trồng 30ha cam. Trước đây, ông Hậu trồng chủ yếu nhãn, vải, chỉ một ít cam, nhưng sau đó nhận thấy cây cam rất phù hợp với thổ nhưỡng của xã, nên ông chuyển sang chuyên trồng cam. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 30 tấn quả cam, doanh thu khoảng 800 triệu đồng. Gia trại của ông Hậu là một rừng cam. Ông bảo: Hiện ông đã yên tâm với nghề trồng cam.
Trước đây trồng cây cam rất phập phù, hễ nghe thấy đài báo bão là giật bắn người. Bí quyết của ông là trồng nhiều loại cam địa phương (cam đường, cam sành, cam giấy) cùng các giống cam khác, như V2, Đường Canh, Vinh, xã Đoài. Các loại cam này chín vào các thời điểm khác nhau, giúp người trồng có nhiều thời gian thu hoạch hơn, bán được nhiều hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, vì không phải thu hoạch một lúc rồi bán dồn, bán ép, không được giá. Trước đây người dân xã chỉ trồng mỗi giống cam địa phương, ngon nhưng dễ rụng, lại chỉ thu hoạch được vào dịp giáp Tết, và có thể mất trắng nếu gặp bão.
Ông Hậu không chỉ truyền kinh nghiệm cho xã viên của mình mà cho cả bà con trong xã, do vậy bà con đều yên tâm với nghề trồng cam. Bây giờ, trừ các tháng từ 7 đến 9, còn các tháng khác trong năm, các hộ trồng cam ở xã đều có cam thu hoạch. Vài năm nữa khi tất cả diện tích cam của Vạn Yên cho thu hoạch, sản lượng có thể lên đến hơn 2.000 tấn/năm. Với việc tính toán tốt về cách trồng và thời điểm thu hoạch, người dân Vạn Yên có thể yên tâm về tiêu thụ.
Bên cạnh trồng cam, Vạn Yên còn có nhiều mô hình sản xuất khác khá hiệu quả như: Trồng keo, nuôi ong, trồng nấm, trồng ba kích… Tuy Vạn Yên là xã miền núi khó khăn của huyện, người dân tộc thiểu số chiếm 25%, nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo ở xã chỉ còn 8,2%, số lao động có việc làm thường xuyên chiếm đến 98,8%. Xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu về đích cuối năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi đưa vào hoạt động, “Trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Agriteck Japan” sẽ cho thu hoạch khoảng 135.000 quả mỗi năm. Bên cạnh, đơn vị này còn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chế biến các loại thịt, trứng, sữa bò với quy mô từ 1 - 2 tấn mỗi năm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR, nhà máy đặt tại xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, BDSTAR đang tiến hành khảo nghiệm các giống mì mới với tiềm năng năng suất từ 30-50 tấn/ha để cung ứng hom giống miễn phí cho nông dân sản xuất…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ vụ nuôi năm 2015 trong nửa tháng đầu năm nay đã thả nuôi 762 ha, tập trung tại huyện Trần Đề, Long Phú và Cù Lao Dung. Tiến độ thả nuôi chậm, bằng 26% so với cùng kỳ do huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu chưa thả nuôi. Thiệt hại tôm nước lợ 26 ha ở huyện Trần Đề và Long Phú, bằng 3,4% diện tích thả.
Tham dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị thuộc sở các tỉnh/thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, III và các cơ quan báo đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi cua trong hồ đất ở xã Hòa Tâm trúng vụ cua nuôi “mót” (tăng vụ). Chị Nguyễn Thị Sang, nuôi cua ở xã Hòa Tâm cho biết, người nuôi cua đang thu hoạch rộ vụ nuôi “mót”. Mỗi hồ rộng 6 sào (3.000m2), thu hoạch từ 1 đến 1,2 tạ cua với giá bán từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg, thu nhập bình quân 9 triệu đồng.