Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế
Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.
Theo chân anh Ka-tơ Vân, ở thôn Đầu Suối B, xã Phước Chiến, chúng tôi lên thăm cánh rừng neem của gia đình và nghe kể về cuộc sống của những người dân Raglai trong thôn từ khi tham gia trồng mới rừng theo Dự án 661. Chỉ tay về hướng một ngọn đồi, anh Vân cho biết, trước đây, quả đồi này nhà mình chỉ trồng bắp, dựa vào nước trời và một năm thu hoạch 1 lần.
Từ năm 2008, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và mỗi tháng cấp 70 kg gạo… Cuộc sống của cả nhà đã ổn định, không còn chịu cảnh đói giáp hạt nữa và yên tâm chăm sóc rừng. Anh Ka-tơ Vân là một trong 264 hộ dân trên địa bàn xã Phước Chiến tham gia trồng mới 300 ha rừng neem…
Chia tay những cánh rừng neem, chúng tôi đến thăm mô hình “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi” của gia đình ông Chamaléa Tượng, thôn Đầu Suối A. Hai vợ chồng ông Tượng, cô con gái đầu và đứa cháu ngoại đều đang làm cỏ, chăm sóc những gốc mít nghệ cao sản được trồng từ cuối năm 2011. Xen giữa những gốc mít là những hàng thơm đã bắt đầu cho quả bói.
Ông Tượng cho biết, gia đình ông là 1 trong 3 hộ đầu tiên của xã tham gia Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi” của huyện Thuận Bắc. Nhờ được hỗ trợ về cây giống, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên diện tích đất dốc bạc màu trước đây của gia đình nay đã trở thành vườn cây xanh tốt hứa hẹn những mùa bội thu.
Ngoài mít nghệ và thơm, gia đình ông còn có trên 200 gốc chuối và 30 gốc điều được Nhà nước hỗ trợ giống, trồng từ năm 2008, nay đã cho thu hoạch, ước tính khoảng 30 triệu đồng/năm. Gia đình ông tham gia trồng 1,5 ha rừng neem và có 3 sào ruộng tham gia mô hình sản xuất lúa chịu hạn với năng suất vụ đông-xuân vừa qua là 5,5 tạ/sào đã đem lại cuộc sông ấm no cho gia đình.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn trái trên đất dốc của các hộ dân thí điểm, đến nay xã Phước Chiến đã có hàng trăm hộ dân tham gia. Năm 2012, Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân xã Phước Chiến 10.800 cây mít nghệ, 2 ha thơm giống và 3 ha chuối sứ theo Đề án. Xã Phước Chiến có 5 thôn, với tổng số dân trên 4.000 người. Đồng chí Chamaléa Quyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cuộc sống của nhân dân Phước Chiến những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc.
Đường liên thôn, liên xã được bê-tông, trường lớp, trạm y tế được xây dựng khang trang. Các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống trước mắt cho người dân mà còn mở ra những triển vọng phát triển lâu dài, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của bà con, chủ động trong sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đúng vào ngày chúng tôi về Phước Chiến, đoàn kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn về Phổ cập Giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi của UBND huyện Thuận Bắc cũng đến làm việc với xã và kết luận: Phước Chiến đạt tiêu chuẩn. Đây cũng là một dấu ấn ghi nhận cuộc sống đang đổi thay trên quê hương Phước Chiến.
Có thể bạn quan tâm
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ thả nuôi 9.615ha tôm các loại, trong đó diện tích nuôi tôm sú 6.814ha; diện tích nuôi tôm chân trắng 2.801ha. Phấn đấu đạt sản lượng 9.638 tấn. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh đã thu hoạch xong tôm nuôi vụ thu - đông và đã cơ bản thả tôm giống nuôi vụ xuân - hè.
Hiện nay, việc nuôi xen canh sò huyết và cua trong vuông tôm được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Trần Thới và Đông Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro nhưng mang tính bền vững, rất phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân.
Chiều 31-5, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này vừa tổ chức thả 24 kg tôm hùm sỏi tự nhiên trở lại biển.
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch nhằm tăng cường quản lý các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa hướng dẫn, động viên ngư dân tiếp tục hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đồng thời không xâm phạm vùng biển nước khác, tránh bị bắt giữ, xử lý gây thiệt hại đến tài sản, đời sống của ngư dân và ảnh hưởng tới công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện nuôi cá tra theo quy trình VietGAP là cơ sở để chứng minh chất lượng cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận đã khiến cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi thủy sản vẫn đang phân vân.