Thỏ lai hốt bạc
Các thành viên của trung tâm tại trại thỏ Như Ý
Cách đây 5-6 năm, hồi mới gây dựng trại thỏ Như Ý, anh Cương nuôi cả thỏ nội và thỏ nhập ngoại có nguồn gốc từ New Zealand.
Lúc cao điểm tổng đàn 1.200 con và nuôi lấy thịt là chủ yếu.
Sau một thời gian, anh phát hiện ra mỗi loại thỏ đều có ưu thế riêng.
Thỏ nội, chất lượng cao, kháng bệnh tốt song năng suất thấp.
Ngược lại, thỏ nhập ngoại năng suất cao, nhưng chất lượng thịt không bằng thỏ nội và hay nhiễm bệnh.
Anh nghĩ, lai tạo 2 loại thỏ này, lứa F1, dứt khoát sẽ hội đủ các ưu thế.
Thế là, anh chọn những con đực nhập ngoại to khỏe cho phối giống với thỏ nái nội.
Quả nhiên, khi những đàn thỏ đời F1 trưởng thành, không chỉ năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, mà chất lượng thịt hơn hẳn.
Và Trung tâm Thỏ giống miền Trung ra đời từ đó.
Đến nay, ngoài trại thỏ Như Ý, anh Cương đã kết nối và xây dựng thêm 3 cơ sở ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nói đúng hơn, 4 trại này đều đồng tâm hiệp lực để xây dựng Trung tâm Thỏ giống miền Trung, chuyên cung cấp con giống tốt cho nhu cầu nuôi ngày càng cao.
Thời điểm hiện tại tổng đàn thỏ ở 4 cơ sở khoảng 3.000 con, mỗi tháng cung cấp cho khách hàng gần 500 con thỏ giống đời F1 và hơn 1 tấn thỏ thit.
Về khâu tiêu thụ, anh Cương lạc quan bảo, trước đây nuôi ít nhưng tiêu thụ rất khó.
Còn nay, nuôi quy mô lớn thế mà có khi không đủ cung cấp cho khách hàng.
Chả là, các nhà hàng tiêu thụ loài vật này, họ cần đầu vào ổn định.
Nuôi quy mô nhỏ, khó đáp ứng được yêu cầu.
Hiện tại, ngoài thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam, trung tâm đang mở rộng ra TT - Huế, Quảng Trị...
Anh Trịnh Văn Thanh, phụ trách cơ sở tại thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh(Hòa Vang) cho biết: Là loài vật mắn đẻ, dễ nuôi, chuồng trại khá đơn sơ, thức ăn chủ yếu là lá cây, nuôi thỏ đã và đang là hoạt động kinh tế “hái ra tiền”.
Mỗi lứa “ở cữ”, thỏ mẹ cho ra đời 5-8 thỏ con.
Thỏ mẹ sinh sản 6-7 lứa/ năm.
Từ khi lọt lòng đến khi thỏ làm mẹ chỉ 4 tháng.
Với thỏ thịt, 2 tháng kể từ khi sinh là xuất chuồng, trọng lượng hơn 2 kg/ con.
Với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg thỏ thịt; 150 nghìn đồng/kg thỏ giống, nuôi tổng đàn khoảng 1.000 con, mỗi năm thu 600-700 triệu đồng, không khó. Điều quan trọng nhất trong nuôi thỏ là phòng ngừa dịch bệnh.
Thỏ rất dễ bị bệnh tụ huyết, chết hàng loạt...
Trung tâm Thỏ giống miền Trung là điểm đến tin cậy của nông dân nhiều địa phương trong khu vực.
Mỗi khi chuyển giao con giống, trung tâm cử người đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng trại...
Thường thì, sau khi thỏ đã phát triển ổn định trung tâm mới thanh toán hết.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tùng ở xã Tam Anh, huyện Núi Thành (Quảng Nam) rất phấn khởi khi đàn thỏ lấy giống từ trung tâm về nuôi phát triển rất ổn định.
Đến nay, cơ sở đã nhân được tổng đàn 600 con.
Anh Tùng cho biết, nuôi thỏ lai yên tâm hơn nuôi loại nhập ngoại.
Tuy trọng lượng ít hơn thỏ ngoại, song bù lại khả năng kháng bệnh cao và thịt thơm ngon hơn.
Nói về kinh nghiệm nuôi thỏ, anh Nguyễn Văn Cương, bật mí: "Để thỏ chóng lớn, đẻ nhiều, ngoài thức ăn thô, thỏ rất cần thức ăn tinh với khẩu phần hợp lý.
Lâu nay, trung tâm đang sử dụng thức ăn tinh, loại chế biến sẵn hiệu Guyomarch, do Viện Chăn nuôi cung cấp.
Từ ngày sử dụng loại thức ăn này, thỏ phát triển ổn định, ít bệnh tật.
Hiện tại, ngoài cung cấp con giống, trung tâm cũng cung cấp thức ăn tinh cho các cơ sở".
Có thể bạn quan tâm
Khoai lang là loài cây dễ trồng, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Sản phẩm khoai lang sản xuất ra không chỉ sử dụng cho tiêu dùng như một loại rau sạch, làm lương thực và làm quà mà còn thân thiện với môi trường và sức khoẻ của con người. Ngoài ra, khoai lang còn là nguyên liệu phục vụ cho công nghệ chế biến công nghiệp hiện nay như: chips, miến...
Vào thời điểm này, tại xã Việt Tiến huyện Việt Yên phần lớn bà con nông dân đã thu hoạch xong cà chua bi vụ đông để bước vào vụ mới nhưng còn một số hộ vẫn giữ lại cây cà chua bi để tận dụng thu hoạch nốt lứa quả cuối cùng. Bởi họ nhận thấy rằng thu được vài tạ quả lúc cuối vụ có giá trị kinh tế bằng cả một vụ lúa.
Trên một cánh đồng, nông dân cấy cùng một loại giống lúa, cùng một thời điểm và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm hợp lý, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị trên 1ha đất canh tác – đó chính là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng với quy mô 50 ha. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trong tỉnh nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là cuộc vận động đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Là thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các cấp Hội Nông dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.