Thỏ lai hốt bạc

Các thành viên của trung tâm tại trại thỏ Như Ý
Cách đây 5-6 năm, hồi mới gây dựng trại thỏ Như Ý, anh Cương nuôi cả thỏ nội và thỏ nhập ngoại có nguồn gốc từ New Zealand.
Lúc cao điểm tổng đàn 1.200 con và nuôi lấy thịt là chủ yếu.
Sau một thời gian, anh phát hiện ra mỗi loại thỏ đều có ưu thế riêng.
Thỏ nội, chất lượng cao, kháng bệnh tốt song năng suất thấp.
Ngược lại, thỏ nhập ngoại năng suất cao, nhưng chất lượng thịt không bằng thỏ nội và hay nhiễm bệnh.
Anh nghĩ, lai tạo 2 loại thỏ này, lứa F1, dứt khoát sẽ hội đủ các ưu thế.
Thế là, anh chọn những con đực nhập ngoại to khỏe cho phối giống với thỏ nái nội.
Quả nhiên, khi những đàn thỏ đời F1 trưởng thành, không chỉ năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, mà chất lượng thịt hơn hẳn.
Và Trung tâm Thỏ giống miền Trung ra đời từ đó.
Đến nay, ngoài trại thỏ Như Ý, anh Cương đã kết nối và xây dựng thêm 3 cơ sở ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nói đúng hơn, 4 trại này đều đồng tâm hiệp lực để xây dựng Trung tâm Thỏ giống miền Trung, chuyên cung cấp con giống tốt cho nhu cầu nuôi ngày càng cao.
Thời điểm hiện tại tổng đàn thỏ ở 4 cơ sở khoảng 3.000 con, mỗi tháng cung cấp cho khách hàng gần 500 con thỏ giống đời F1 và hơn 1 tấn thỏ thit.
Về khâu tiêu thụ, anh Cương lạc quan bảo, trước đây nuôi ít nhưng tiêu thụ rất khó.
Còn nay, nuôi quy mô lớn thế mà có khi không đủ cung cấp cho khách hàng.
Chả là, các nhà hàng tiêu thụ loài vật này, họ cần đầu vào ổn định.
Nuôi quy mô nhỏ, khó đáp ứng được yêu cầu.
Hiện tại, ngoài thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam, trung tâm đang mở rộng ra TT - Huế, Quảng Trị...
Anh Trịnh Văn Thanh, phụ trách cơ sở tại thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh(Hòa Vang) cho biết: Là loài vật mắn đẻ, dễ nuôi, chuồng trại khá đơn sơ, thức ăn chủ yếu là lá cây, nuôi thỏ đã và đang là hoạt động kinh tế “hái ra tiền”.
Mỗi lứa “ở cữ”, thỏ mẹ cho ra đời 5-8 thỏ con.
Thỏ mẹ sinh sản 6-7 lứa/ năm.
Từ khi lọt lòng đến khi thỏ làm mẹ chỉ 4 tháng.
Với thỏ thịt, 2 tháng kể từ khi sinh là xuất chuồng, trọng lượng hơn 2 kg/ con.
Với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg thỏ thịt; 150 nghìn đồng/kg thỏ giống, nuôi tổng đàn khoảng 1.000 con, mỗi năm thu 600-700 triệu đồng, không khó. Điều quan trọng nhất trong nuôi thỏ là phòng ngừa dịch bệnh.
Thỏ rất dễ bị bệnh tụ huyết, chết hàng loạt...
Trung tâm Thỏ giống miền Trung là điểm đến tin cậy của nông dân nhiều địa phương trong khu vực.
Mỗi khi chuyển giao con giống, trung tâm cử người đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng trại...
Thường thì, sau khi thỏ đã phát triển ổn định trung tâm mới thanh toán hết.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tùng ở xã Tam Anh, huyện Núi Thành (Quảng Nam) rất phấn khởi khi đàn thỏ lấy giống từ trung tâm về nuôi phát triển rất ổn định.
Đến nay, cơ sở đã nhân được tổng đàn 600 con.
Anh Tùng cho biết, nuôi thỏ lai yên tâm hơn nuôi loại nhập ngoại.
Tuy trọng lượng ít hơn thỏ ngoại, song bù lại khả năng kháng bệnh cao và thịt thơm ngon hơn.
Nói về kinh nghiệm nuôi thỏ, anh Nguyễn Văn Cương, bật mí: "Để thỏ chóng lớn, đẻ nhiều, ngoài thức ăn thô, thỏ rất cần thức ăn tinh với khẩu phần hợp lý.
Lâu nay, trung tâm đang sử dụng thức ăn tinh, loại chế biến sẵn hiệu Guyomarch, do Viện Chăn nuôi cung cấp.
Từ ngày sử dụng loại thức ăn này, thỏ phát triển ổn định, ít bệnh tật.
Hiện tại, ngoài cung cấp con giống, trung tâm cũng cung cấp thức ăn tinh cho các cơ sở".
Related news

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cộng với nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ nên thời gian qua, nghề nuôi cá bớp trong lồng bè ở đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Từ đầu năm đến nay, toàn xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) trồng mới 5,78ha thanh long, nâng tổng số diện tích thanh long toàn xã lên hơn 928ha. Thời điểm này, bệnh đốm nâu trên cây thanh long xuất hiện trở lại nên bà con đang tích cực phòng trừ. Mới đây, trên địa bàn xã đã thực hiện 50 điểm xử lý bệnh đốm nâu ủ bằng chế phẩm BIO-ADB và 20 điểm xử lý bằng vôi.

Hợp tác xã (HTX) Tôm Nhị Mỹ (Đồng Tháp) có 52 thành viên, bước đầu HTX huy động vốn điều lệ được trên 100 triệu đồng, hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm, dịch vụ cung cấp con giống và dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc thú y.

Tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khiến một số diện tích nuôi tôm vụ 2 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

“Trong tương lai, Lào Cai sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất cá đặc sản khi nhu cầu tăng mạnh từ lĩnh vực du lịch phát triển” - đó là nhận định của ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh.