Thịt Ngoại Đè Chăn Nuôi Nội
Trong khi ngành chăn nuôi trong nước kiệt quệ, người chăn nuôi thua lỗ nặng nề thì thịt nhập khẩu lại chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Lượng thịt nhập tăng mạnh
Chị B.T (ngụ ở Q.7, TP.HCM) than phiền, gần đây các siêu thị gần nhà hầu như không bán thịt bò truyền thống nữa mà chỉ có thịt bò Úc. “Thịt bò Úc nhìn đẹp, ngọt và mềm, tuy nhiên giá hơi cao, chỉ thích hợp cho người có thu nhập khá. Người thu nhập thấp như tôi ít có khả năng mua.
Nhưng điều lạ là gần đây siêu thị không bán bò VN nữa mà chỉ thấy bán bò Úc” - chị B.T nói. Quả thực, theo ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị Lotte, Co.opmart, Big C... thịt bò Úc chiếm lĩnh hầu hết các quầy thịt tươi sống.
Điều này thể hiện rõ nhất qua số liệu của Hội Chăn nuôi VN. Cụ thể, nhập khẩu thịt heo trong 6 tháng đầu năm hơn 3.000 tấn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong những tháng đầu năm, VN đã nhập 1.431 con heo sống, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó nhập khẩu từ Mỹ chiếm 66,4%, Canada chiếm 31,9%, và Đài Loan chiếm 1,7%. Nhập khẩu thịt gà cũng tăng khá mạnh với 43.000 tấn, trong khi cả năm 2013 nhập khẩu 78.000 tấn. Dự báo thịt gà nhập khẩu có thể chiếm đến 6 - 7% tổng lượng thịt trong nước. Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, nhận định: “Thịt trâu bò từ đầu năm đến nay tăng đột biến.
Lượng bò sống được cấp phép nhập khẩu về VN đến ngày 31.5 đã trên 72.000 con, chiếm 13,2% tổng số con bò sống mà Úc bán ra. Nhiều khả năng năm nay VN sẽ phải nhập đến 150.000 con bò từ Úc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với con số này, VN đứng thứ 2 trong số những nước nhập bò sống từ nước này”.
Từ đầu năm đến nay, ngoài bò sống từ Úc, VN còn nhập khẩu số lượng lớn thịt bò đông lạnh, trong đó thịt trâu bò không xương là 301 tấn, thịt trâu bò có xương là 14.532 tấn.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay VN cũng nhập khẩu trâu sống từ Úc qua đường chính ngạch để phục vụ cho việc giết mổ, bán thịt trên thị trường nội địa. Theo các nguồn tin từ Úc, số lượng trâu sống mà các doanh nghiệp VN muốn nhập khẩu từ nước này lên tới 60.000 con một năm, tức là bình quân 5.000 con một tháng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cho biết, sở dĩ trâu bò sống nhập từ Úc về VN đạt số lượng lớn, là do mức thuế khá thấp so với nhập khẩu thịt đông lạnh (10% trong các năm 2012 - 2013 và giảm xuống 7% từ 2014). Phụ phẩm trâu, bò tươi hay ướp lạnh cũng chịu mức thuế tương tự.
Do đó, mặc dù phải tốn phí vận chuyển và quy trình giết mổ phức tạp, nhưng giá thịt bò Úc nhập trực tiếp về giết mổ vẫn cạnh tranh hơn hẳn so với bò nội địa.
Khá lặng lẽ nhưng lượng thịt trâu Ấn Độ cũng đang được nhập vào VN với số lượng tương đối lớn. Thịt trâu thường được mua bán qua mạng với mức giá chỉ từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá thịt trâu chỉ có 83.000 đồng/kg.
Chăn nuôi lỗ hàng tỉ USD
Việc thịt nhập khẩu liên tiếp gia tăng trong nhiều năm nay đã góp phần đẩy ngành chăn nuôi trong nước vào cảnh thua lỗ. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi VN, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỉ đồng.
Từ thời điểm tháng 7.2013, chăn nuôi heo đã ngăn được đà thua lỗ và bắt đầu có lãi, nhưng chăn nuôi gà vẫn giữ nguyên mức lỗ. Thời điểm đầu tháng 4.2014, chăn nuôi gà vẫn đang bị lỗ khoảng 15%, trứng lỗ 31%.
Nếu trang trại, hộ chăn nuôi phải mua 100% con giống, thức ăn thì mức lỗ còn cao hơn. Từ tháng 5 - 6.2014, giá thịt gà trong nước nhích lên do người chăn nuôi bỏ chuồng trại, ngưng sản xuất nhưng bước sang tháng 7, giá thịt gà lại rớt xuống thấp.
Theo phản ảnh của nhiều hộ nuôi gà ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, khu vực chiếm 2/3 sản lượng gà công nghiệp của cả nước, giá gà lông tại các trang trại giao dịch hiện chỉ còn 26.500 đồng/kg. So với trước đó một tuần, giá gà giảm tới 10.000 đồng.
Chứng kiến sự tụt giảm quá nhanh, ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà công nghiệp ở H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai, than thở: “Một tuần trở lại đây, ngày nào gà cũng giảm 1.000 đồng/kg, người chăn nuôi như đang ngồi trên đống lửa”.
Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp đang lao dốc không phanh là do ồ ạt tăng đàn và lượng thịt nhập khẩu về tăng đột biến, chỉ trong hai tháng 5 và 6 có đến gần 10.000 tấn thịt gà đông lạnh tham gia thị trường trong khi sức mua vẫn rất yếu.
Ông Nguyễn Văn Hạt - Giám đốc ngành heo thuộc Công ty chăn nuôi C.P, cho biết: “Nguồn thịt nhập khẩu gia tăng nên ngành chăn nuôi trong nước đang chịu áp lực rất lớn. Nếu không có chính sách nhập khẩu hợp lý thì người chăn nuôi không thể gượng dậy được”.
Không thể cạnh tranh ?
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, đối với thịt bò thì chúng ta không thể cạnh tranh được vì không có diện tích trồng cỏ. Trước đây chúng ta thường tiêu thụ bò từ Thái Lan, Lào, Campuchia, còn hiện nay dần thay thế bởi bò Úc là do xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Đối với thịt gà và thịt heo thì lượng thịt nhập khẩu tăng lên mỗi năm trong khi tình hình tiêu thụ nội địa đang giảm sút, nếu cung cầu không cân đối thì sẽ xảy ra rớt giá.
Có thể bạn quan tâm
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.
Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70 - 80% chi phí đầu tư. Do đó việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu dưỡng chất các loại heo ở giai đoạn khác nhau để cho sức sản xuất tối đa vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cao nhất luôn là trăn trở của các nhà chăn nuôi. Gia đình ông Phùng Văn Bộ, ở ấp Tà Hách, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không ngoại lệ.
Ngày 5.8, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long tổ chức trao tặng bò giống cho hộ nghèo.
Từ lâu, nhãn Sông Mã đã là một sản vật có thương hiệu trên thị trường, từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế miền núi, những người dân Hưng Yên đã mang giống nhãn lồng lên trồng tại mảnh đất này.
Với diện tích vườn cây ăn trái trên 25.348ha, Đồng Tháp sở hữu một vùng nguyên liệu lớn với nhiều loại trái cây đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, do chưa phát triển đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, chế biến... nên phần lớn trái cây của Đồng Tháp chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa tạo được giá trị kinh tế cao.