Thiếu Liên Kết Trong Tiêu Thụ Trái Cây Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cũng như thông lệ hàng năm, vào thời điểm này mặt hàng trái cây tại ĐBSCL lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, đầu ra bấp bênh.
Chính vì vậy, bài toán thiếu liên kết trong tiêu thụ trái cây tồn tại nhiều năm trong vùng lại được đặt ra một cách cấp thiết.
Hơn ba năm nay, 22ha trồng chôm chôm với sản lượng 600 tấn/năm của Tổ hợp tác xã Phú Phụng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tuy sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà vườn không như mong muốn. Lý do là doanh nghiệp chỉ thu mua 20% sản lượng, tương đương 120 tấn, 480 tấn chôm chôm còn lại bà con phải bán thấp hơn giá thị trường từ 2.000-3.000đồng/kg.
Ông Trần Hoàng Sở - Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Phú Phụng - Chợ Lách - Bến Tre nói: "Tổ hợp tác chúng tôi liên kết với doanh nghiệp Chánh Thu để mua chôm chôm. Nhưng công ty mua không hết hàng khiến bà con không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP nữa".
Mặc dù sản lượng trái cây của ÐBSCL rất dồi dào nhưng hầu hết là hàng "sô", còn hàng đạt chất lượng xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 10% diện tích đạt tiêu chuẩn Global GAP. Hơn 97% trái cây bán qua thương lái, trung gian làm phát sinh nhiều chi phí nên nông dân cũng bị giảm mất thu nhập. Một điểm yếu nữa là việc bảo quản trái cây sau thu hoạch còn lạc hậu khiến tỷ lệ hư hỏng cao từ 25- 30%, cộng thêm thiếu cơ sở chế biến.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - Bến Tre nói: “Chúng tôi rất trăn trở khi không bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân. Do đó chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước cần đầu tư khoa học kỹ thuật thêm cho nhà vườn. Quan trọng hơn nữa là xây dựng nhà máy chế biến trái cây để chế biến những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ vai trò của Nhà nước là quan trọng nhất. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung sản xuất mà không nghiên cứu thị trường. Chúng ta phải chỉ ra cái gì thế giới cần, cái gì trong nước cần, giống nào người tiêu dùng thích".
Thời gian qua, nhà vườn ĐBSCL đã quan tâm phát triển mô hình sản xuất trái cây theo hướng Global GAP cũng như liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên để mặt hàng trái cây phát triển bền vững, ổn định thì bao nhiêu vẫn chưa đủ.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là từng bước xây dựng chiến lược thị trường, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư ngành công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng những loại trái cây đặc sản từ đó khẳng định thế mạnh cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, có rất nhiều hội nghị bàn giải pháp “cứu” ngành công nghiệp cá tra, tuy nhiên đến nay mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Và thực tế buồn là giá cá tra vẫn tiếp tục lao dốc, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Anh Trần Văn Thái, nông dân sản xuất giỏi ấp Thành Nhì, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công (GC - Tiền Giang), hiện nay là xã viên HTX chăn nuôi thủy sản GC, nhờ mô hình nuôi gà ta, gia đình anh đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau một thời gian dài lao đao vì dịch cúm gia cầm năm 2003.
Những tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hơn 237.000 tấn, đạt gần 55% so với kế hoạch, tăng hơn 8,3% so với cùng kỳ.
Ngày 23/7, Lực lượng của Cục Cảnh sát biển Việt Nam đi trên hai biên đội Tàu CSB 2005 và CSB 2008 đã khởi hành từ Hải Phòng ra Bạch Long Vĩ để chuẩn bị thực hiện chuyến tuần tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 8.
Ngày 22-7, UBND tỉnh ký Quyết định 1722/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo - Tiền Giang).