Thiệt Đơn Thiệt Kép Khi Bán Bò Bệnh
Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.
Hàng trăm con bò bị lở mồm long móng
Những ngày qua, nông dân Khánh Vĩnh đứng ngồi không yên khi hàng trăm con bò bị bệnh LMLM. Bà Cao Thị Nhiệm (thôn Giòng Cạo, xã Khánh Thành) kể: “Mới đây, không hiểu vì sao cả đàn bò 5 con của gia đình tôi lại lăn ra bệnh; ban đầu là 2 con, tiếp đến 3 con khỏe mạnh hơn cũng mắc bệnh. Thấy đàn bò bỏ ăn, nổi mụn nước ở miệng, sùi bọt mép, móng chân bị lở loét không đi được, tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền vì không biết bò bị bệnh gì. Sau khi cán bộ thú y xã, huyện đến kiểm tra mới biết bò bị bệnh LMLM. Gia đình tôi nhanh chóng cách ly điều trị. Sau gần 10 ngày chăm sóc, cả 5 con đều bớt bệnh”. 3 con bò của gia đình ông Cao Ngọc Niên cũng bị LMLM.
“Gia đình tôi chăn nuôi bò đã hơn 10 năm nay, chưa bao giờ bò bị bệnh này nên chúng tôi không biết phải xoay xở ra sao. Chỉ biết học theo những hộ xung quanh xem họ chữa trị bằng cách nào thì mình làm theo cách đó thôi. Cả gia tài mà gia đình tôi đang có là 3 con bò đang bị bệnh này, nếu chẳng may điều trị không khỏi, bò bị chết thì coi như sạt nghiệp”, ông Niên lo lắng nói.
Nhận định về tình hình bệnh LMLM của đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, ông Cao Bóng, cán bộ thú y xã Khánh Thành cho biết: “Tại Khánh Thành, đàn trâu bò chỉ có 240 con nhưng có hơn 100 hộ nuôi, trong đó có đến 53 con bị bệnh. Nguyên nhân do thời tiết trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh gần đây mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho các virus tồn lưu trong môi trường phát triển làm cho dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, tập quán chăn nuôi theo cách thả rong, ít chuồng trại; quy mô chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên rất khó trong công tác quản lý cũng như phòng, chống dịch bệnh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay bệnh LMLM trên đàn bò ở huyện Khánh Vĩnh xuất hiện đầu tiên ở xã Liên Sang. Tính đến cuối tháng 7, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có 209 con bò bị mắc bệnh. Trong đó, những địa phương có số bò bị bệnh nhiều nhất là: Khánh Thành với 53 con, Khánh Bình 46 con, Khánh Phú 44 con... Ông Trần Thành Tiến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Sau khi phát hiện đàn trâu, bò bị bệnh, ngành thú y huyện đã kịp thời phối hợp với các địa phương tiến hành cách ly, hướng dẫn bà con điều trị bệnh cho bò.
Từ đầu tháng 8 đến nay chưa ghi nhận thêm con bò nào bị LMLM. Trong tổng số 209 con bị bệnh hiện có 123 con đã điều trị khỏi, 86 con đang tiếp tục được cách ly điều trị. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã tiến hành phun 150 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các địa phương có trâu, bò bị bệnh”.
Thương lái mua bò bệnh
Trong khi người dân đứng ngồi không yên vì trâu, bò bị bệnh, lực lượng thú y thực hiện mọi cách để dịch bệnh không lây lan thì có tình trạng thương lái đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua trâu, bò bị bệnh với giá rẻ. Chỉ tay vào chuồng bò đã trống không, bà Cao Thị Dung (thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú) mếu máo: “Cả gia tài của tôi chỉ được 1 con bò nay bị bệnh phải bán đi.
Con bò đang có chữa, to béo lắm, trước đây người ta trả tôi hơn 30 triệu mà không bán. Nay nghe họ nói bò bị bệnh LMLM không chữa được, tôi sợ quá nên đành bán với giá 17,5 triệu đồng. Như thế là được giá, chứ những người bán sau chỉ được khoảng 1/3 giá bình thường”. Tương tự, gia đình ông Cao Tiến ở cùng thôn cũng vừa bán 2 con bò cỏ với giá 12 triệu đồng, tính ra ông thua thiệt hơn 15 triệu đồng.
“Bò bị LMLM điều trị được, bò của nhiều hộ trong thôn này bị bệnh cũng đã chữa khỏi, chỉ vì thiếu hiểu biết mà mình bị họ lừa mua mất bò. Chúng tôi chỉ mong biết được họ ở đâu để tìm đến chuộc lại bò về nuôi”, ông Tiến chia sẻ. Không riêng gì xã Khánh Phú mà tại các địa phương khác như: Khánh Bình, Khánh Thành... các thương lái cũng tìm đến mua bò bị bệnh với giá rẻ.
Ông Cao Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Phú cho hay: “Các thương lái mua bò thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để dọa dẫm rằng: Bò bị bệnh này không chữa được phải bán đi, vì nếu bò chết sẽ không ai mua. Ngoài ra, các thương lái này thường đi từ 2 - 3 người, vừa dọa, vừa gạ gẫm và ép giá. Với cách thức này, các thương lái đã mua được khoảng 30 con bò của người dân các thôn Sơn Thành, Yang Mương.
Giá mua bò bệnh chỉ bằng 1/3 so với giá bình thường. Những con bò khỏe mạnh, không mắc bệnh, họ cũng chỉ mua khoảng 70% giá so với trước đây”. Còn ông Huỳnh Bá Linh - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: “Việc mua bán, vận chuyển trâu bò bị bệnh sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh. Cảnh giác trước thực trạng thương lái tìm đến mua bò bệnh với giá rẻ, xã đã cử cán bộ xã, thôn đến trực tiếp từng hộ gia đình vận động người dân không nghe theo lời của các thương lái để bán bò bệnh vừa tránh được tình trạng dịch bệnh lây lan lại không thiệt hại về kinh tế”.
Cũng theo ông Trần Thanh Tiến, sau khi bệnh LMLM xuất hiện, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện Khánh Vĩnh đã yêu cầu các địa phương trong huyện giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn để kịp thời phát hiện đàn gia súc bị bệnh; phổ biến đến các hộ chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y để phòng, chống dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định...
Đối với việc mua bán, vận chuyển gia súc bị bệnh, Ban chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương có đàn gia súc bị bệnh LMLM quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trong và ngoài vùng có dịch bệnh; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh; các xã cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không bán trâu, bò bị bệnh mà giữ lại điều trị để tránh thiệt hại về kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Được Quỹ Hỗ trợ nông dân (ND) cho vay vốn, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội đã có điều kiện mở rộng diện tích, cải tạo ao, mua thêm cá giống về nuôi...
Ở một số vùng nuôi tôm, việc kết hợp nuôi cá điêu hồng xen canh với tôm sú vào mùa nước ngọt là biện pháp tốt để giảm rủi ro và cân bằng môi trường sinh thái.
Lấy vợ, lập nghiệp với 2 sào đất vườn bạc màu, 6 sào ruộng lúa, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định đã làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu ấy.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để đầu tư cho một héc-ta nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nông dân phải đầu tư các khoản như: cải tạo ao đầm, men vi sinh, tiền con giống, thức ăn bổ sung, tương đương 12 triệu đồng/vụ. Quả thật đây là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình.
Với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.