Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Thủy Lợi Góp Phần Thúc Đẩy Sản Xuất Nông Nghiệp

Phát Triển Thủy Lợi Góp Phần Thúc Đẩy Sản Xuất Nông Nghiệp
Ngày đăng: 27/02/2014

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh thì qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 12/2006/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về phát triển thủy lợi vừa và nhỏ, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác 200 công trình thủy lợi các loại, với tổng dung tích hữu ích hồ chứa trên 213 triệu m3.

Trong đó, có 94 hồ chứa và đập dâng, 6 công trình trạm bơm, kênh tiêu, kênh tưới, hàng năm, phục vụ nước tưới cho gần 34.000 ha cây trồng các loại, chiếm 54% tổng diện tích cây trồng. Đối với cây trồng cạn, các công trình thủy lợi đáp ứng nước tưới cho 21.958 ha cà phê, hồ tiêu và 2.517 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày…

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời gian qua, các công trình thủy lợi sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Điển hình, tại huyện Krông Nô, toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 8 công trình thủy lợi, phân bổ đều trên địa bàn. Vì vậy, từ năm 2006 đến nay, diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ của huyện được nâng lên từ 1.300 ha lên trên 2.000 ha; còn diện tích ngô lai đông xuân từ 914 ha lên 1.929 ha.

Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu… nhờ có các công trình thủy lợi cùng với các ao hồ do người dân tự đào đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nước tưới. Cùng với việc tăng diện tích gieo trồng do chủ động được nguồn nước tưới thì hệ số sử dụng đất cũng tăng lên, hiện nay đã đạt 1,5 lần.

Có thể nói, các công trình thủy lợi đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư thâm canh, áp dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật, nên năng suất cây lúa nước từ 4,89 tấn/ha năm 2006, đến nay tăng bình quân 6,8 tấn/ha. Có địa phương thâm canh tốt đã đạt trung bình 7-8 tấn/ha như các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Buôn Choáh, Nâm N’đir…

Đối với cây ngô lai, năm 2006, năng suất cây ngô mới chỉ đạt 5,6 tấn/ha, đến nay, bình quân đã đạt ngưỡng 7,5 tấn/ha. Mặt khác, các công trình thủy lợi còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, giảm bớt dòng chảy khi mưa lớn và tập trung khắc phục một phần tình trạng úng lũ cục bộ tại địa phương.

Còn tại huyện Đắk Mil, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn cũng được địa phương gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 cũng như lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới…

Theo đó, song song với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 56 công trình thủy lợi, địa phương đã khuyến khích, vận động người dân góp công, góp tiền của đào đắp được hàng trăm công trình hồ, đập và 54 km kênh mương nội đồng.

Trong đó, có gần 20 km kênh mương đã được bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng. Đến nay, huyện Đắk Mil đã thành lập được 1 hợp tác xã dùng nước và 8 tổ hợp tác dùng nước ở các xã. Điều đáng ghi nhận là hiện hệ thống các công trình thủy lợi  đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho trên 350 ha lúa nước và hàng ngàn hécta cà phê.

Ngoài huyện Krông Nô, Đắk Mil thì hiện nay, việc phát triển thủy lợi vừa và nhỏ ở các huyện còn lại của tỉnh cũng được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

Cùng với việc đầu tư hệ thống thủy lợi, tỉnh còn ban hành các quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện nay, trong tổng số 200 công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý 156 công trình, UBND các xã quản lý 32 công trình, các công ty, đơn vị khác quản lý 12 công trình.

Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, kiện toàn ban quản lý, khai thác, sử dụng công trình nước hợp lý đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng sản xuất, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện môi trường sinh thái.

Các công trình thủy lợi còn kết hợp với cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đã giúp giảm bớt khó khăn thiếu nước trong mùa khô. Bên cạnh đó, các công trình hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn còn tham gia tích cực vào công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ cũng như phục vụ nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

Điêu Đứng Vì Gừng Điêu Đứng Vì Gừng

Hàng trăm hộ dân trồng gừng tại Tiền Giang đang đứng ngồi không yên vì giá xuống thấp, bán không ai mua.

20/04/2012
Chặn Đứng Dịch Bệnh Tôm Chặn Đứng Dịch Bệnh Tôm

Vào vụ nuôi tôm 2012, người dân các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau hết sức thận trọng, tìm đủ mọi cách ứng dụng kỹ thuật, vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống.

20/04/2012
Lão Nông Trồng Quýt Lão Nông Trồng Quýt

Theo chỉ dẫn của người bạn, chúng tôi đến nhà ông Ngô Hòa, ở khu phố 1, phường An Ðôn, thị xã Quảng Trị, người đầu tiên ở Quảng Trị trồng giống quýt mang ký hiệu PQ1 trên đất phù sa cho hiệu quả kinh tế cao.

24/07/2012
Gần 220 Ha Thanh Long Đạt Tiêu Chuẩn Global GAP Ở Bình Thuận Gần 220 Ha Thanh Long Đạt Tiêu Chuẩn Global GAP Ở Bình Thuận

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình vừa có thêm 63 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận Global GAP, nâng tổng diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn Global GAP trong toàn tỉnh đạt gần 220 ha. Cụ thể là các trang trại Kim Hải (xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam) với diện tích 30ha; trang trại Trương Tấn Luận (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) 4 ha và trang trại Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình) với 29 ha.

24/07/2012
Ngô Lai Xóa Đói Giảm Nghèo Ngô Lai Xóa Đói Giảm Nghèo

Cây ngô lai không chỉ thay thế dần cây sắn, đậu tương mà còn giúp nông dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ở các huyện miền núi phía bắc, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, đất SX nông nghiệp ít nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

14/07/2012