Thị trường trái cây nằm trong tay nhà vườn
“Nông dân không nên chờ DN tới mở lời mới bắt tay vào làm nông sản đạt tiêu chuẩn, mà cần thực hiện ngay từ đầu một cách có quy mô, bài bản để DN tự tìm đến” - bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Lộc Mai (xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) bày tỏ...
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Lộc Mai cho biết từ lâu, bà đã có những băn khoăn, trăn trở cùng những hoài bão rằng, một ngày nào đó, trái cây Đồng Nai sẽ rộng đường XK.
Để làm được điều này, thì mỗi người dân cần ý thức sản phẩm của mình làm ra phải sạch, đảm bảo chất lượng. Bà giải thích, bản thân các DN sẽ tự tìm đến nông dân, các tổ hợp tác, hay các HTX nào mà họ đánh giá có thể đáp ứng được số lượng và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu.
Các HTX, tổ hợp tác chỉ là những cầu nối, sự bảo đảm giữa người dân và DN, còn sản phẩm làm ra có đáp ứng yêu cầu hay không lại nằm chính ở mỗi người dân.
Do đó, thay vì nằm trông chờ các DN đến mở lời mới bắt đầu quy hoạch, phát triển cây trồng VietGAP, thì cần làm ngay từ đầu để xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình, có như vậy mới thu hút DN được. Nói cách khác, bản thân mỗi người dân sẽ là một mắt xích quan trọng giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm của mình.
Là chủ nhiệm tổ hợp tác trái cây, bản thân bà Mai cũng đã bắt tay vào làm GAP từ lâu, và hiệu quả của nó đã và đang được chứng minh cụ thể.
Hiện nay, các sản phẩm GAP của vườn bà Mai như xoài, mãng cầu đều có giá cao hơn khoảng vài ngàn đồng mỗi kg so với các sản phẩm thông thường tại các hộ khác, mặc dù đều bán cùng một mối.
Đặc biệt, mới đây, các sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan của bà đã được đoàn DN Nhật Bản đánh giá cao, chất lượng tốt và đã đồng ý bao tiêu sản phẩm sau lần khảo sát, đánh giá chất lượng ngay tại vườn.
Riêng sản phẩm mãng cầu của bà đang nhận được lời mời bao tiêu của một DN, tuy nhiên bà vẫn đang muốn phát triển GAP hoàn thiện nên chưa nhận lời.
Hiện nay, các tổ hợp tác đã bắt đầu có những bước đi vững chắc hơn, trước mắt là bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, tốt cho các tổ viên.
Ông La Quốc Thanh, Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh xoài (ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết: “Trong 3 năm thành lập, chúng tôi vẫn luôn cố gắng huy động bà con tham gia tổ hợp tác, phát triển sản phẩm xoài sạch để có thể tìm đầu ra tốt hơn từ các công ty, siêu thị”.
Cụ thể, vụ vừa rồi, tất cả 28 thành viên trong tổ hợp tác của ông đều đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài 3 mùa chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn hàng sạch.
Với quyết tâm giữ vững tiêu chí phát triển xoài sạch, là chủ nhiệm tổ hợp tác, ông Thanh đi tiên phong trong việc đầu tư vốn cho công cụ bao trái sau khi trái chín.
“Bây giờ, trước mắt mình cần đi đầu, làm tấm gương về sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, để bà con nhìn thấy mà noi theo. Nếu tiếng lành đồn xa, có công ty nào về đây thu mua, nhìn thấy trái cây được làm sạch sẽ, cẩn thận, chất lượng tốt, thì biết đâu sẽ có đầu ra ổn định cho bà con trong và ngoài tổ hợp tác”, ông Thanh khẳng định.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều vùng chuyên canh cà phê, tiêu, điều, xoài, bưởi, sầu riêng với tổng diện tích 43.575 ha. Trong đó, tiêu đạt 6.333ha, cà phê 9.195 ha, sầu riêng 1.649ha, điều 16.179 ha, xoài 9.248 ha, bưởi 971 ha...
Trong năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 3 dự án cánh đồng mẫu lớn cây điều, ca cao, mía và 5 dự án tiếp theo đang trong giai đoạn xây dựng là cà phê, chuối, lúa, xoài, tiêu. Có thể nói, đây là bước đi nhằm giải quyết tình trạng trồng trọt manh mún, thiếu liên kết và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Khi được hỏi về những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Lường Văn Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) phấn khởi cho biết: Mô hình kinh tế trang trại VACR của gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến, bản Co Củ là một trong số điển hình của xã.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, trong LLVT tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu không chỉ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà ngay trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu tại mảnh đất quê hương.
Sự “ăn rã”, thiếu liên kết từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ, chế biến khiến nghề nuôi cá tra vẫn bấp bênh. Người nông dân vừa nuôi cá vừa lo âu, luôn đối mặt những rủi ro lớn!
Nông dân xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) nhiều năm qua không chỉ có thu nhập khá cao từ nghề trồng hoa, mà sản xuất rau xanh theo hình thức luân canh gối vụ cũng đem lại nguồn thu ổn định.
Đến xã Hạnh Phúc (Quảng Uyên) vào những ngày này, đi trên những con đường nội vùng bạt ngàn màu xanh của mía, trên những cánh đồng, nông dân khẩn trương thu hoạch mía vận chuyển đến Công ty cổ phần mía đường Cao Bằng.