Thí Điểm Bảo Hiểm Cây Lúa Trong Tháng 10
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa tổ chức tập huấn về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho các tỉnh thành phía Nam trong hai ngày 29 và 30/9 tại TP.HCM, đây là chương trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, từ năm 2006 - 2010 doanh thu bảo hiểm tăng gần 3,5 lần. Cụ thể, năm 2006 doanh thu từ bảo hiểm nông nghiệp là 737 triệu đồng, năm 2010 là 2,45 tỷ đồng, trong khi số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp chỉ tăng chưa đến 1,5 lần, từ 535 triệu đồng của năm 2006 và 719 triệu đồng cho năm 2010.
Tuy có mức lời hơn 70% nhưng nhiều doanh nghiệp cung cấp các gói bảo hiểm vẫn kêu khó vì sản phẩm bảo hiểm chưa phù hợp, tổn thất cao, lợi nhuận thấp nên khó thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong 3 năm (2008-2010) doanh thu từ thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp tham giam bảo hiểm ở ta luôn cao hơn mức bồi thường. Số tiền bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm chỉ chiếm chưa đến 30% so với doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng, mục đích của chương trình bảo hiểm nông nghiệp hiện nay mà các công ty bảo hiểm đang đưa ra là cố gắng bảo hiểm những rủi ro cho người nông dân. Tuy nhiên, những công ty bảo hiểm này cũng là doanh nghiệp nên họ phải tính toán những cách thức làm sao vừa có lợi cho người mua bảo hiểm (nông dân) và người bán bảo hiểm.
Theo quyết định 315/QĐ-TTg, có 20 tỉnh thành tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, trong đó, cây lúa thí điểm ở Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Thủy sản tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, vật nuôi được thí điểm ở Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội. Những trường hợp nhận được tiền bảo hiểm là rủi ro về thiên tai như: lũ lụt, hạn hán rét đậm, rét hại, sương giá và các rủi ro thiên tai khác. Hai doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định là Bảo Việt và Bảo Minh.
Dự kiến tháng 10 sẽ bắt đầu thí điểm bảo hiểm cây lúa ở An Giang. Mức phí bảo hiểm đến nay vẫn chưa được công bố cụ thể là bao nhiêu, song theo ông Khánh mức phí bảo hiểm vào khoảng 1-2% giá trị của vật nuôi cây trồng.
Được biết, sau khi thu phí bảo hiểm các công ty bảo hiểm, cụ thể là Bảo Việt, Bảo Minh sẽ dành số tiền này dự phòng để đền bù cho nông dân khi xảy ra thiệt hại mà không chia hoa hồng (trích phần trăm) hay dùng tiến đó để đầu tư vào lĩnh vực khác. Sau khi kết thúc thí điểm nếu Bảo Việt, Bảo Minh bị thua lỗ trên 10% thì Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ vấn đề này. Đó cũng là lý do tại sao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm chọn Bảo Việt, Bảo Minh mà không chọn những công ty khác vì đây là hai công ty mà nhà nước nắm phần lớn cổ phần.
Có thể bạn quan tâm
Diệt mối bằng bẫy sinh học thể hiện tính năng ưu việt hơn các biện pháp khác.
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Huyện Quang Bình có trên 700ha diện tích mặt nước, gồm: Ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện,... vì vậy rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển NTTS; nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước để NTTS. Tuy nhiên, việc NTTS cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chưa quy mô; các hộ dân chủ yếu chỉ nuôi ở ao, ruộng lúa mang tính tự cung, tự cấp nhằm cải thiện đời sống; vì vậy chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.
Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis nguồn gốc từ Tây Tạng.