Thận Trọng Cây, Con Đặc Sản: Ùn Ùn Dưa Hấu
Cây dưa hấu không ít lần khiến nhiều hộ dân ở Bình Định đổ nước mắt, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản vì thua lỗ. Sự phát triển ào ạt của dưa hấu không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Tự tử vì dưa
Trong tiết trời oi bức, ngột ngạt ở miền Trung, cứ ngỡ dưa hấu là loại quả ăn “mát lòng mát dạ” ắt sẽ được giá, nào ngờ “tuột dốc không phanh” từ 7.000 đồng/kg xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng. Giá đã thấp, lại bán không chạy, người trồng dưa khóc đứng khóc ngồi. Ông Phan Sỹ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Mặc dù dưa hấu là loại cây không thể trồng nhiều vụ liền trên 1 chân đất, phải trồng chu chuyển nhưng trên địa bàn huyện luôn ổn định hơn 360 ha/vụ với 3 vụ/năm. Vụ ĐX trồng trên đất thổ, sang vụ hè trồng trên ruộng lúa chuyển sang, tiếp đến là vụ thu. Đây là loại cây chúng tôi không khuyến cáo mở rộng vì giá cả rất bấp bênh nhưng bà con cứ đổ xô trồng”.
Cũng theo ông Hùng, nếu như năm trước dưa hấu đứng ở giá hơn 13.000 đồng/kg, với năng suất bình quân 2 tấn/sào, 1 sào đất trồng dưa (500 m2) sau khi trừ chi phí người trồng còn kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Bây giờ, khi giá dưa chỉ còn 2.700 đồng/kg, nông dân chỉ biết đứng nhìn ruộng dưa xanh ngắt khóc ròng vì cầm chắc... lỗ.
Đây không phải chuyện mới mẻ gì, bởi người trồng đã từng khóc ròng vì dưa ế bỏ thối ngoài ruộng, không biết bán cho ai. “Trồng dưa hấu được ví như đánh bạc bởi người dân chỉ biết trồng chứ không cầm chắc thị trường. Đầu ra của dưa hấu lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nếu họ “đóng cửa” không mua nữa là kể như phủi tay.
Có nhiều năm, xe chở dưa hấu đứng xếp hàng dài cả cây số ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ đến khi thối quả phải đổ đi. Trong thời điểm đó, dưa cũng bị bỏ thối tại ruộng, thương lái sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc chứ không đến mua như cam kết với các chủ ruộng. Bởi nếu mua sẽ còn lỗ nhiều hơn, vì không biết bán đi đâu”, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định nhận định.
Nhớ lại thời làm dưa hấu, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1960) ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) còn rùng mình: “Năm 2007, thấy bà con trúng dưa hấu tở mở, tui bán trốc 10 con bò lấy tiền làm vốn khởi nghiệp trồng dưa. Đất trong tỉnh người ta đã làm kín, tui phải vào huyện Đồng Xuân (Phú Yên) để thuê đất làm. Ai ngờ ngay vụ đầu, khi cây dưa cho thu hoạch thì giá tuột thảm hại, lỗ tơi bời. Năm sau tui tiếp tục làm hòng gỡ gạc, lại lỗ tiếp. Thất bại liên tiếp mấy năm tui mất đứt mấy cây vàng. Phủi tay, tui quay về lại với mấy đám ruộng. Trường hợp của tui còn đỡ, có nhiều người vay mượn, nợ nần chồng chất. Trong thời điểm dưa bể nặng, có người đã tự tử vì số nợ quá to không có khả năng trả nợ”.
Cung vượt cầu
Cây dưa hấu có mặt trên đất Bình Định từ những năm 1997-1998. Ban đầu, chỉ vài ruộng dưa xuất phát tại xã Bình Nghi (Tây Sơn), sau đó nhanh chóng lan rộng do khoản lợi nhuận cây này mang lại gấp nhiều lần so với cây lúa. Thời điểm cây dưa hấu phát triển mạnh nhất là từ 2007 đến nay. “Đến bây giờ, trên toàn địa bàn tỉnh Bình Định có đến 800 ha đất được bà con luân chuyển trồng dưa hấu. Những địa phương có nhiều diện tích trồng dưa nhất là Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn. Ngoài ra còn rất nhiều người lên tận Tây Nguyên, vào Phú Yên thuê đất trồng dưa. Bà con đổ xô trồng ào ạt dẫn đến thực trạng cung vượt cầu. Khi đầu ra bị tắc là người trồng đổ nợ hàng loạt, bởi đây là sản phẩm không thể để dành, khi nào được giá thì bán”, ông Hùng chia sẻ.
Khổ thân cho người trồng dưa, có ai tài cán gì “dự báo” được thời tiết của nước bạn đến 3 tháng sau. Đến vụ cứ trồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt 90 ngày ròng rã, đến kỳ thu hoạch mà rớt giá thì họ chỉ biết ôm mặt khóc ròng.
Anh Trần Văn Hạnh-một tài xế xe tải ở Phù Mỹ chuyên chở dưa cho các thương lái đi Trung Quốc nhớ lại: “Cách đây mấy năm tui từng chứng kiến cảnh “khóc dưa” tại cửa khẩu Lạng Sơn. Có đến hàng trăm xe tải vận chuyển dưa hấu (chủ yếu ở Bình Định, Quảng Ngãi) ăn chực nằm chờ để đưa sang nước bạn. Do lượng dưa đổ qua đây quá nhiều nên làm ứ đọng thị trường này, và giá bán bị tuột thấp gần như cho. Khi ấy, giá dưa tại chợ Pò Chài (Quảng Tây - Trung Quốc) rớt từng ngày, lúc thấp nhất chỉ còn 700-800 đồng/kg.
Nhiều thương lái qua được bên kia cửa khẩu nhưng không bán được hàng đành phải "bán vo" (bán không phải cân đong) cả xe dưa 20 tấn cho thương nhân Trung Quốc với giá 6.000 NDT (gần 12 triệu đồng), chịu lỗ nặng. Thậm chí, các loại dưa sọc, dưa An Tiêm, dưa nước… đứng ở biên giới hàng tháng liền cũng chưa được bán hết, phải đem đi đổ. Nhiều thương lái hàng bán xong xe dưa mà không trả đủ một nửa tiền thuê chở”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, 1 chủ ruộng dưa ở xã Canh Hòa (Vân Canh) than thở: “Vụ này vợ chồng tui thuê ở xã Canh Hòa 16 sào đất, riêng tiền thuê đất đã gần 10 triệu đồng. Do đất xấu lại xa nước nên phải đầu tư cao, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang chóng mặt. Hiện tui phải đầu tư từ 6-7 triệu đồng/sào dưa. Với năng suất từ 2-2,5 tấn/sào mà bán được giá 6.000-7.000 đồng/kg như thời điểm đầu vụ thì còn có lãi, nếu bán giá hơn 2.000 đồng như hiện nay thì lỗ chỏng gọng”.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tìm ra giải pháp tốt về lâu dài cho ngành sản xuất cá tra nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Bộ Khoa học- Công nghệ (KHCN) sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để đưa ứng dụng KHCN về khu vực nông thôn...
Sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhiều địa phương thuộc TP.Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế trang trại. Nhờ đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cần có rau an toàn, thế nhưng làm sao để phân biệt rau trồng đại trà, rau an toàn và rau sạch, thì rất ít người tiêu dùng biết. Thậm chí biết, nhưng cũng khó phân biệt được.
Một nông dân tên là Abdul Khaleq Mirbohor ở Bangladesh vừa giật giải “Sát thủ diệt chuột cấp quốc gia” nhờ chiến tích tiêu diệt 160.000 con chuột chỉ trong vòng 1 năm.