Thêm Những Mùa Quả Ngọt
Anh Phạm Thanh Hợp, cán bộ khuyến nông xã Phong Niên (Bảo Thắng - Lào Cai) chỉ cho chúng tôi những cây nhãn ghép gần một năm trước đây đang vươn những cành mới khỏe mạnh. Anh hồ hởi: “Đợt ghép nhãn thứ 2 trên địa bàn xã vừa hoàn thành với hơn 1.000 cây, người dân đã hiểu và tin tưởng hơn vào khoa học, kỹ thuật tân tiến để phục hóa vườn tạp”.
Ông Phạm Văn Thức là người tiên phong tham gia Dự án cải tạo vườn cây ăn quả ở xã Phong Niên. Từ vườn nhãn thân lớn cả người ôm, nay chỉ còn là gốc cây cao ngang thân người với những mầm xanh ghép tạo đang lên, chúng tôi hiểu người dân phải "dũng cảm" để quyết theo cách làm mới. Ông Thức quê ở Hà Nam, gần với vùng nhãn nổi tiếng Hưng Yên, nên kỹ thuật ghép mắt nhãn ông cũng từng biết, ông còn là người ham đọc sách, báo, xem tivi, có nội dung về khoa học - kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, khi đồng ý đốn những cây nhãn đã gắn bó với gia đình gần 30 năm khiến ông Thức cũng dao động. Hơn thế, hằng năm chúng vẫn cho gia đình nguồn thu nhập gần 20 triệu đồng, nay tham gia "cải tạo" giống còn chưa biết tương lai ra sao. Nhưng tại các cuộc họp phổ biến nội dung, kỹ thuật của các cán bộ khuyến nông đã khiến ông quyết tâm hơn.
Tại Dự án, những cán bộ của Viện nghiên cứu rau, hoa, quả Trung ương đã trực tiếp thực hành kỹ thuật ghép và hỗ trợ thuốc trừ sâu cho các gia đình tham gia, trong đó có gia đình ông Thức. Đến nay, những chồi nhãn phát triển tốt, hứa hẹn cho vụ thu hoạch quả đầu tiên vào năm sau. Nhãn ghép sẽ có thể cho quả sớm, hoặc muộn hơn 15 - 20 ngày so với chính vụ, vì thế gia đình ông đang hy vọng vào những mùa tới, nhãn sẽ có giá cao.
Đa phần các cây trồng được phát triển theo phong trào, kinh nghiệm, người dân tự mày mò nhân giống và cây đã qua nhiều năm tuổi. Do vậy, xã Phong Niên cùng với xã Xuân Quang được lựa chọn triển khai Dự án cải tạo vườn cây ăn quả, đến nay trên địa bàn có hơn 2.000 gốc nhãn ghép mắt cải tạo. Nhãn ghép có nhiều ưu thế, không chỉ nhận những đặc tính tốt từ cây mẹ như phù hợp sẵn với điều kiện tự nhiên mà ưu điểm là cho quả to, cùi dầy, vị ngọt hơn, thời vụ chín sớm hoặc chín muộn khiến việc tiêu thụ thuận lợi và giá trị kinh tế cao.
Không chỉ Phong Niên, Xuân Quang mà xã Thái Niên, Xuân Giao... cũng là những vùng "đất ngọt". Nhưng hiện mới có khoảng 2.000 ha cây ăn quả, trong khi diện tích khá manh mún, thiếu chuyên canh khi có nhiều loại cây khác nhau trên cùng diện tích. Cây ăn quả tại Bảo Thắng hầu hết là dân tự trồng, đến nay đã già cỗi, hoa quả chín đồng loạt, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Để phát huy lợi thế, huyện Bảo Thắng đã tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây nhãn, cây na và cây có múi. Dự án cải tạo vườn tạp đang mở ra hướng đi mới nhiều hứa hẹn cho bà con địa phương.
Mới đây, gần 30 hộ dân tại Bảo Thắng được đi thực tế tại những vùng đất chuyên canh cây ăn quả như: Chi Lăng (Lạng Sơn), Cao Phong (Hòa Bình), Sông Mã (Sơn La). Tại đây, người dân được tận mắt chứng kiến hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng. Dự án có kế hoạch trồng 220 ha cây nhãn, na trong đó có 90 ha na phát triển trên cùng đất đồi, núi đá, 4.000 cây nhãn cắt ghép để cải tạo gần 130 ha và trồng mới giống nhãn chín muộn.
Đi liền với Dự án cải tạo vườn cây ăn quả, Bảo Thắng cũng đang tiếp cận với những giống cây ăn quả mới như cam không hạt, cam V2. Hiện nay, gần 4.000 cây cam V2 đã được trồng tại các thôn Múc và thôn Báu (xã Thái Niên) thuộc quy hoạch trồng với diện tích 25 ha tại các xã Thái Niên, Gia Phú, Phố Lu. Ông Nguyễn Quang Úy, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các kỹ thuật mới như cắt ghép cây nhãn gặp không ít khó khăn, song, đến nay cơ bản Dự án vẫn tiến triển tốt.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Ba Tri (Bến Tre) được mùa, lúa đạt năng suất bình quân gần 6 tấn/ha. Giá lúa hiện nay từ 5.400-5.700 đồng/kg, trong khi giá thành cũng ở khoảng đó, khiến cho đa số hộ chỉ hòa vốn.
Những năm gần đây nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, Cái Bè, Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chẳng hạn như mô hình trồng dưa leo của anh Võ Văn Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh, Đồng Nai) - đơn vị hợp tác với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tổ chức nhân giống ca cao và thử nghiệm mô hình trồng xen canh ca cao với các loại cây trồng khác - cho biết, năm 2013 công ty đã cung cấp trên 100 tấn hạt ca cao đã lên men cho Tập đoàn Grand – Place.
Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiệm thu và chuyển giao cho nông dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín gắn với mô hình canh tác màu tiết kiệm nước.
Sau thắng lợi của vụ đậu đen năm trước, vụ Đông Xuân này nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên tổng số khoảng 530 ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Thuận với 265 ha, Vĩnh Kim 135 ha… Tuy nhiên, do nắng hạn, phần lớn diện tích đậu đen bị mất mùa.