Bị Ngâm Nước Mưa, Dưa Nũng Thối Đầy Ruộng
Chưa năm nào người trồng dưa ở Phú Yên điêu đứng như năm nay, đầu vụ dưa rớt giá, cuối vụ gặp mưa to bị ngập úng, dưa nũng thối. Khi thu hoạch, dưa bán không ai mua, làm thức ăn cho gia súc.
Những cơn mưa lớn trái mùa kéo dài mấy ngày qua đã làm ngập úng các vùng trồng dưa trọng điểm ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An. Người trồng dưa chưa hết ngậm ngùi vì giá thấp, nay... lại “khóc” theo mưa. Chị Dương Thị Quỳnh ở xã An Mỹ (Tuy An) trồng 2 sào dưa gang, chỉ mới bán được 700.000 đồng. “Tôi gánh một gánh dưa gang khoảng 40kg đến đường quốc lộ 1 bán cho thương lái được 15.000 đồng.
Số tiền này chỉ đủ cho con bữa ăn sáng” - chị Quỳnh buồn rầu nói. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hải cho hay, thời điểm này năm ngoái giá dưa gang 6.000 đồng/kg, còn năm nay chỉ còn 800 đồng/kg. Còn dưa bom, năm ngoái có giá 8.000 đồng/kg, nay chỉ 3.000 đồng/kg. “Mấy hôm nay gặp mưa, dưa gang chỉ còn 500 đồng/kg, nhưng rất khó bán”, bà Hải than vãn.
Dọc quốc lộ 1, hàng tấn dưa của người dân chất đống chờ khách đi đường mua. Ngồi cả ngày mời mọc, nhưng không ai mua, có người bỏ dưa bên vệ đường về nhà.
Nhiều người trồng dưa ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An phải mót từng trái dưa, mong bán được để kiếm lại ít vốn đầu tư, chứ không mong có lãi. Bà Nguyễn Thị Khả ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), rảo quanh ruộng dưa bị nước mưa “ngâm” mấy ngày nay, hái dưa chín và trở những trái dưa còn non cho khỏi nũng thối. “Tôi phải trở những trái dưa non, chứ để nằm một chỗ trên đất ướt thì 2 ngày nữa sẽ thối cả trái.
Ráng làm để gỡ gạc lại ít vốn, vì chỉ tính riêng phân bón và thuốc trừ sâu cho 2 sào dưa, tôi phải bỏ ra 1,5 triệu đồng rồi”, bà Khả nói. Ông Trần Thanh Quận, Phó chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: “Năm nay, nông dân trong xã trồng 10ha dưa. Do thời tiết bất lợi, đầu vụ nắng nóng kéo dài, cuối vụ gặp mưa lớn, khiến người trồng dưa thất thu”.
Theo ông Nguyễn Thanh Trung, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, chỉ tính riêng xã An Mỹ và An Chấn trồng 130ha dưa, năng suất khoảng 40 tấn/ha. Giá dưa thấp, lại bị gặp mưa lớn, khiến nhiều hộ bị lỗ vốn, cuộc sống khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Tuy không tổ chức thực hiện được những cánh đồng mẫu lớn như quy định của ngành nông nghiệp, nhưng bước đầu huyện Tư Nghĩa đã giúp nông dân hình thành những cánh đồng lớn, chuyên canh một giống lúa, hoa màu năng suất khá cao.
Sau dưa hấu, giờ đến lượt muối Sa Huỳnh (Đức Phổ) rớt giá thê thảm. Đã bao nhiêu năm, vậy mà muối Sa Huỳnh vẫn chưa có lối thoát. Trên những cánh đồng muối vẫn còn đó nhiều mảnh đời cơ cực.
Được một cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) giới thiệu, chúng tôi háo hức vượt hơn 10km đường rừng lên núi cao để đến thăm mô hình nuôi cá tầm của ông Mai Thanh Lâm (62 tuổi, ngụ tổ dân phố 13, thị trấn Mađaguôi). Trại cá tầm của ông Lâm ở dưới chân thác Ba Tầng.
Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đang tích cực chăm sóc lúa Xuân song song với chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ mùa tới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa cho biết, do những trận mưa lớn, mưa đá diễn ra liên tục trong thời gian qua khiến cho sản lượng rau của tỉnh bị giảm.