Phát Triển Mô Hình Trồng Cây Dược Liệu Hướng Đi Mới Của Người Dân Hải Lộc
Nhiều năm qua, để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) đã tổ chức triển khai mở rộng các vùng trồng cây nguyên liệu ở nhiều địa phương như trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), Diệp hạ châu đắng tại Phú Yên, cây Kinh giới tại Hưng Yên…
Khởi động năm 2003, Cty TNHH Nam Dược kết hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội trồng khảo nghiệm cây dây thìa canh với quy mô 70m2 tại gia đình anh Lâm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTXDVNN Hải Lộc. Anh Lê Văn Sản, Giám đốc Cty TNHH Nam Dược cho biết: Thân và lá của cây dây thìa canh là thành phần chính để điều chế viên uống DIABETNA - có công dụng hạ đường huyết, kiểm soát đường huyết, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, hiện tại viên uống này đang được thị trường ưa chuộng.
Do hoạt chất chính trong cây dây thìa canh là Gymnemic Acid có tác dụng làm tăng tiết Insulin tuyến tụy, tăng cường hoạt lực của Insulin, ức chế hấp thu Glucose ở ruột. Có thể ứng dụng điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường type 1, type 2, phối hợp với các thuốc điều trị khác để kiểm soát và làm giảm đường huyết, ổn định kéo dài hàm lượng đường huyết, phòng ngừa biến chứng, giảm Cholesterol và Lipid trong máu… Qua trồng thử nghiệm cho thấy cây dây thìa canh phát triển tốt, sau một năm đã có thể thu hoạch.
Đặc biệt sau khi thu hoạch, gốc của cây lại tiếp tục sinh ra dây và lá mới, không cần trồng lại nên rất thuận lợi cho việc canh tác đại trà. Sau 4 năm tiến hành thu thập mẫu, phân loại, nghiên cứu thành phần hoá học, kết quả cho thấy cây dây thìa canh trồng tại Hải Lộc cũng tương đương cây dây thìa canh mọc tự nhiên. Vụ thu hoạch đầu tiên trừ chi phí, gia đình anh Vân đã thu lãi 30 triệu đồng. Từ hiệu quả trên, anh Vân đã mở rộng diện tích trồng cây dây thìa canh lên 3 sào và có nhiều hộ dân trong xã tham gia như hộ các ông: Lâm Văn Tinh (xóm 2), Trần Văn Đang (xóm 9), Lã Văn Tấn (xóm 11)… diện tích mỗi hộ từ 2-3 sào.
Đến nay, tổng diện tích trồng cây dây thìa canh ở Hải Lộc đã lên tới 3,2ha. Dây thìa canh là loại cây dược liệu quý, thuộc loại dây leo, thân mềm, dễ trồng, có khả năng chịu hạn cao, thích hợp trồng ở cả những nơi đất cằn cỗi, ưa trồng nơi có nhiều ánh sáng, chi phí đầu tư ban đầu ít, chỉ cần làm giàn bằng tre, nứa để dây có chỗ leo. Cty cung cấp giống cây, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm được chăm sóc đúng quy trình. Sau 1 năm, cây dây thìa canh có thể cho thu hái trong 10 năm.
Sản phẩm lá và cành non của cây được thu hái vào cuối mùa xuân, hè, thu, mỗi năm từ 5-6 lần, cho thu lãi 12-15 triệu đồng/sào/năm. Cty hướng tới mức tiêu thụ 40-50 tấn nguyên liệu khô/năm, nhưng hiện nay mỗi năm xã Hải Lộc mới chỉ đáp ứng được 4-5 tấn nguyên liệu. Trong năm 2013, xã vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dây thìa canh. Hiện xã đã xây dựng mô hình trồng cây dây thìa canh theo phương pháp sản xuất an toàn VietGAP tại xóm 3 với quy mô 2ha.
Ngoài cây dây thìa canh, cây đinh lăng (được ví như cây sâm đồng bằng) cũng đang được người dân xã Hải Lộc trồng phổ biến trong xã với tổng diện tích hơn 2ha. Đây là loại cây trồng truyền thống, được các hộ dân cải tạo vườn tạp, tận dụng nơi đất cao để trồng luân canh với cây đậu, đỗ.
Theo kết quả nghiên cứu và thử nghiệm của Viện Y học Quân đội trong nhiều năm cho thấy, cây đinh lăng không chỉ là cây cảnh, cây rau được ưa dùng mà còn là một vị thuốc nam có những tính chất như cây nhân sâm. Rễ cây đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tăng khả năng lao động và làm việc bằng trí óc, chống độc… Cây đinh lăng được dùng chủ yếu ở phần rễ và phải trồng từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch, mỗi sào đinh lăng thu hoạch trên 200kg rễ khô.
Ông Lã Văn Hà, một hộ trồng đinh lăng xóm 11 cho biết: Cây đinh lăng dễ trồng, chịu hạn tốt và không tốn nhiều công chăm sóc lại ít bị sâu bệnh, hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được coi là sản phẩm sạch. Năm 2012, gia đình ông Hà thu lãi hơn 30 triệu đồng từ trồng đinh lăng. Ngoài cây dây thìa canh và cây đinh lăng, nhiều hộ dân trong xã còn trồng các loại cây dược liệu khác như kinh giới, vọng cách, cối xay… và được Cty TNHH Nam Dược, Cty CP Dược phẩm Traphaco thu mua toàn bộ sản phẩm.
Hiện tại việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu đang là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã Hải Lộc. Cùng với những loại cây dược liệu truyền thống, nhiều loại cây dược liệu mới được đưa vào trồng tại Hải Lộc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất dược liệu tại địa phương.
Tuy nhiên, để tạo được nguồn dược liệu cung cấp ổn định cả về số lượng và chất lượng, trong thời gian tới, xã Hải Lộc cần định hướng cho người dân trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng bước mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung, dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho các loại cây dược liệu trong xã.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, Tài chính và NN&PTNT đề nghị bổ sung các quy định để có điều kiện quản lý Thông tư 08 về nhập khẩu đường của Bộ Công Thương.
6 tháng đầu năm 2015, tình hình tôm nuôi nước lợ từ Bắc tới Nam khá ảm đạm, người nuôi khắp nơi treo ao. Xuất khẩu tôm cũng gặp khó khăn không kém. Tìm giải pháp giúp dân, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị… được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bạc Liêu chiều 13-7.
Cá Song Chuột hay còn gọi là cá mú chuột, là một loài cá biển có chất lượng thịt ngon, khi nuôi hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, thích ứng tốt với các điều kiện môi trường và có giá bán cao trên thị trường. Hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là cơ sở duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng con giống cá Song Chuột.
Những ngày này, đi dọc các vùng nuôi tôm công nghiệp nằm ở ven biển thuộc các xã Bạch Long, Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy - Nam Định); Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… chúng tôi bắt gặp các hộ nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, đổ ra các ao đầm miệt mài kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái.
Những tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với năm 2014, độ mặn ở nhiều nơi trên 32‰, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt như nitrit, COD, Amonia, vibrio…) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng… phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.