Thêm Một Hướng Làm Giàu Cho Nông Dân Bắc Bình (Bình Thuận)

Mô hình nuôi dê Bách Thảo đang được nhân rộng và trở thành mô hình sản xuất bền vững quy mô hộ gia đình, mở ra triển vọng làm giàu cho người dân ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Ông Bá Đình Tâm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bắc Bình cho biết, trước đây chăn nuôi dê cũng được nhiều hộ dân ở Bắc Bình đầu tư, nhưng do giá cả thấp, nhiều hộ không nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ nuôi đạt thấp. Đến tháng 5/2013 Trạm khuyến nông nhận được hỗ trợ 66 con dê giống Bách Thảo từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội). Đây là giống có sức đề kháng, lớn nhanh, trọng lượng cao hơn giống dê địa phương.
Trạm đã tổ chức khảo sát địa bàn, nhận thấy các hộ đăng ký nhận nuôi ở hai xã Phan Hiệp và Phan Điền có đầy đủ điều kiện để chăm sóc và phát triển đàn dê, như có đủ diện tích đất để làm bãi chăn thả và trồng cỏ, thuận lợi đường giao thông, có khả năng đầu tư phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và nội dung của mô hình.
Theo đó xã Phan Hiệp có 5 hộ tham gia mô hình, nhận nuôi 23 con dê, xã Phan Điền 10 hộ nhận nuôi 43 con dê, tổng chi phí hơn 390 triệu đồng. Để giúp các hộ nắm vững kỹ thuật trong chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây còn tổ chức 2 lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi dê, kỹ thuật làm chuồng trại... và hỗ trợ một số lượng cám hỗn hợp ban đầu cho hộ nuôi.
Sau hơn 1 năm giao vật nuôi cho các hộ dân, đến nay đàn dê ở các xã đều phát triển tốt, số lượng đàn tăng nhanh, ở Phan Hiệp là 45 con và Phan Điền là 56 con.
Ông Cửu Hoài Đức (thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp) cho biết, dê là loài ăn tạp, dễ nuôi. Thức ăn cho dê rất đa dạng gồm các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây, phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, dây đậu, dây thanh long...), các loại củ quả, thức ăn tinh, thức ăn khoáng... Sau hơn 1 năm nhận nuôi, từ 5 con ban đầu đến nay đàn dê tăng lên 12 con.
Hiện có nhiều thương lái đến hỏi mua dê thịt với giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg nhưng ông chưa bán, bởi ông muốn tiếp tục gầy dựng đàn, cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn. “So với nuôi bò và heo thì nuôi dê tiết kiệm được thời gian và có hiệu quả cao hơn”, ông Đức nói thêm. Ngoài ra các hộ Quách Thị Kim Nguyên, Đặng Thị Lài (xã Phan Hiệp), Đỗ Văn Dũng, Mang A, Hoàng Quốc Dũng, Bá Tôn (Phan Điền) cũng đã chú trọng tăng đàn và cung cấp con giống các hộ dân trong vùng.
Tuy nhiên để đàn dê phát triển tốt, theo ông Bá Đình Tâm, hộ nuôi cần chú ý khi xây dựng chuồng trại cho dê phải đảm bảo ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Chuồng phải có sân chơi để theo dõi và quản lý đàn. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 60 – 80 cm. Theo dõi sức khỏe đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Cho dê uống nước sạch có bổ sung thêm một ít muối.
Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, uống hàng ngày, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần. Hàng ngày trước khi chăn thả và sau khi về chuồng phải kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, chướng bụng đầy hơi để kịp thời điều trị. Tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi nhằm tránh lây lan trong đàn. Định kỳ tẩy giun sán và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê như lở mồm long móng, đậu, tụ huyết trùng…
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/them-mot-huong-lam-giau-cho-nong-dan-bac-binh-72047.html
Có thể bạn quan tâm

Với ưu điểm tốn ít vốn, dễ bán, nuôi dê trở thành “cứu cánh” của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất. Trong điều kiện giá cả thức ăn công nghiệp ngày càng tăng, đầu ra của một số vật nuôi chủ lực bị hạn chế, mô hình chăn nuôi này đang thu hút nhiều gia đình ở nông thôn.

Khoảng đầu năm 2014, tình cờ đi thăm nhà người quen tại huyện Lấp Vò và được tham quan một số mô hình nuôi thỏ thương phẩm đạt hiệu quả tại đây anh quyết định mua 5 cặp thỏ bố mẹ về nuôi. Sau 8 tháng nuôi và nhân giống thành công, anh Nhân đã nâng qui mô đàn thỏ thường xuyên được 160 con, trong số này dao động từ 35 – 45 con thỏ bố mẹ còn lại là thỏ tơ và thỏ con.

Theo anh thì gà sao có sức đề kháng dịch bệnh rất cao nên ít bị hao hụt, ngoài ra rất háo ăn, mau lớn, gà con sau 20 ngày tuổi có thể chuyển từ thức ăn tấm cám sang thức ăn công nghiệp hoặc lúa, bắp. Riêng phần chuồng trại cũng đơn giản không cần kiên cố, chủ yếu làm bằng cây lá để gà có chỗ trú mưa, tránh nắng.

Trong đó, gà lông gần 770 nghìn con, còn lại là gà chế biến. Thị trường tiêu thụ gà tương đối thuận lợi, giá từ 65 - 75 nghìn đồng/kg gà lông; 120 - 145 nghìn đồng/kg gà chế biến, người dân lãi từ 15 - 17 triệu đồng/1.000 con.

Về thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi hơn 500 con heo tươi cười cho biết năm nay là năm thắng lợi nhất từ trước tới nay đối với gia đình anh. Giá cả ổn định ở mức 43.000 đến 44.000 đồng/kg, có lúc lên tới 49.000 đến 50.000 đồng/kg nên gia đình anh có lãi khá cao. “Với hơn 500 con heo năm nay gia đình tôi để ra khoảng vài trăm triệu” – anh Lâm nói.