Thêm một cách làm giàu cho nông dân
Đến nay, sau 8 tháng nuôi, mô hình đã cho thấy những thành công ban đầu, cá bống tượng thích nghi và sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi tại TX Quảng Yên.
Chủ nhiệm Dự án Vũ Thị Tám trao đổi với 2 hộ tham gia nuôi thử nghiệm cá bống tượng về kết quả đạt được từ đối tượng nuôi mới này.
Hơn 20 năm làm nghề nuôi trồng thuỷ sản, gia đình ông Vũ Văn Lương ở khu 1, phường Nam Hoà có 1.500m2 ao đầm nước ngọt nuôi trồng theo hình thức quảng canh cải tiến.
Song do giá trị kinh tế của các đối tượng nuôi thấp, chủ yếu là những loài cá truyền thống như: Cá trôi, trắm, mè, chép... nên thu nhập của gia đình không cao.
Khi được lựa chọn thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng mới là cá bống tượng, ông Lương tích cực tham gia triển khai.
Ông Lương cho biết: Qua đài, báo, xem tivi, tôi cũng biết về loài cá bống tượng này lâu lắm rồi.
Nên khi được chọn tham gia nuôi thử nghiệm cá bống tượng, gia đình tôi nhất trí cao.
Nuôi rồi mới thấy, loài cá này thật dễ chăm sóc và có hiệu quả kinh tế.
Cá bống tượng là loài thuỷ sản có giá trị dinh dưỡng cao, là đối tượng nuôi ở môi trường nước ngọt song cá có chất lượng cũng như giá trị kinh tế không thua kém gì so với các loài cá biển khác như cá vược, cá song, cá tráp, cá mú...
Cá bống tượng chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên 100%, cho nên sản phẩm thịt cá chắc, dai, thơm ngon.
Là một trong 2 hộ nuôi cùng tham gia mô hình, hộ ông Vũ Tài Khái ở khu 11, phường Hà An dành hẳn 5.000m2 diện tích nuôi trồng của gia đình để tiến hành thả 3.000 con cá bống tượng giống theo đúng mật độ 2 con/m2.
Gia đình ông đã nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình quản lý, chăm sóc cá, cá bống tượng có tốc độ tăng trưởng và phát triển khá nhanh, cá đạt trọng lượng 250 - 300g/con sau 8 tháng nuôi.
Ông Khái chia sẻ kinh nghiệm: Để nuôi đối tượng này thành công trong điều kiện khí hậu miền Bắc, người nuôi cần quan tâm chú trọng đến việc bổ sung thêm nước và thức ăn cho cá khi thời tiết có giá lạnh, cho ăn đúng kỹ thuật.
Nguồn thức ăn cho cá bống tượng hoàn toàn là những thức ăn tự nhiên có trong ao là các loại cá tạp, tép và một số vi sinh vật khác, đặc biệt loài cá này không ăn thức ăn công nghiệp.
Qua theo dõi, tôi thấy tập tính bắt mồi của cá bống tượng rất hay, cá ăn mồi ở tầng đáy, điều này rất phù hợp vì những loại cá tạp chìm dưới đáy, không phải như thức ăn công nghiệp nổi trên mặt ao, cho nên việc cho cá ăn hoàn toàn đơn giản mà không khó khăn gì.
Bà Vũ Thị Tám, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã, Chủ nhiệm Dự án, đánh giá: Khi lựa chọn đối tượng cá bống tượng vào nuôi thử nghiệm tại địa phương, chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ, kỹ lưỡng.
Với 6.000 con cá giống được thả, sau 8 tháng triển khai, đến thời điểm cuối vụ nuôi hiện nay, chúng tôi thấy được loài cá bống tượng có khả năng chống chịu tốt các yếu tố môi trường khắc nghiệt, trước đây nguồn gốc của cá sống ở môi trường nắng nóng quanh năm vậy mà giờ đây cá phải sống ở nơi có điều kiện khí hậu nóng ẩm nhưng cá vẫn hoàn toàn phát triển khoẻ mạnh; tỷ lệ sống đạt 75%.
Cá có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đạt trọng lượng bình quân 250 - 300g/con sau 7 tháng nuôi.
So với nuôi các loài cá nước ngọt truyền thống ở địa phương, cá bống tượng có ưu điểm vượt trội hơn hẳn về kỹ thuật nuôi đơn giản, về khả năng kháng bệnh tốt, giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cũng như năng suất sản lượng mà cá mang lại.
Với thành công đạt được của mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm sẽ giúp các hộ nuôi trồng cá nước ngọt tại TX Quảng Yên có thêm 1 đối tượng mới, góp phần đa dạng hoá và thay thế các đối tượng nuôi cá nước ngọt giá trị kinh tế thấp, nâng cao năng suất để mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi.
Đồng thời, cung cấp cho thị trường một lượng lớn sản phẩm cá bống tượng dinh dưỡng, sạch, an toàn, lấp khoảng trống của sự khan hiếm cá bống tượng từ trước tới nay trên thị trường tỉnh Quảng Ninh.
Qua đó góp phần phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cho các hộ dân một cách bền vững, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với những chính sách của Chính phủ hỗ trợ ngư dân có tính chất ưu đãi nhất từ trước đến nay, vào lúc này, tại các địa phương, nhiều giải pháp cũng đang được triển khai nhằm nâng cao đời sống của ngư dân. Một trong những giải pháp đó là tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Anh Vũ Thế Phong (trong ảnh), thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng (Sơn Dương - Tuyên Quang) là đoàn viên năng động trong phát triển kinh tế. 32 tuổi, anh đã là chủ một cơ ngơi khang trang hàng tỷ đồng, với mô hình chăn nuôi gà và làm nghề giò chả, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Hoa hướng dương từ lúc xuống giống cho tới khi được thu hoạch mất gần 2 tháng, với giá bán ổn định tại vườn từ 6.000 – 7.000 đ/cành như hiện nay, một sào hoa hướng dương sẽ cho doanh thu khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí, bà con nông dân thu lãi không dưới 30 triệu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng cây tiêu ghép có nguồn gốc từ rừng Amazon ở Nam Mỹ đang diễn ra ở một số địa phương, một số hộ dân coi đây là giải pháp phòng ngừa những bệnh quan trọng trên cây tiêu.
Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ra đời sau gần 5 năm bàn thảo, đáp ứng mong đợi của nhiều người, mở ra kỳ vọng đưa ngành cá tra vượt khủng hoảng.