Tháo Gỡ Khó Khăn Để Phát Triển Nông Nghiệp Cận Đô Thị
Phát triển Nông nghiệp cận đô thị hiện là điều kiện quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các đô thị, nhất là trong bối cảnh diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dân số đô thị ngày càng tăng nhanh.
Kinh tế đô thị hiện nay đã làm trầm trọng thêm các khó khăn: Một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm; một bộ phận dân cư từ nông thôn chuyển về đô thị để làm việc, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
Phát triển nông nghiệp cận đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững.
Sản xuất nông nghiệp cận đô thị nếu không được tổ chức tốt, nông nghiệp cận đô thị có khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người. Khi sự phát triển chỉ mang tính tự phát, không theo quy hoạch và không đảm bảo tính an toàn, nông nghiệp cận đô thị sẽ tác động tiêu cực đến môi trường sống của đô thị, nơi có mật độ dân số cao.
Việc tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm,… có khả năng lây lan dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường. Đối với các loại cây trồng, việc tưới tiêu, chăm bón không được tổ chức tốt theo công nghệ sạch cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đang triển khai 19 dự án nông nghiệp cận đô thị, trong đó: 2 dự án sản xuất lúa chất lượng cao ở Cẩm Khê, Thanh Ba; 7 dự án sản xuất rau, quả an toàn ở Thanh Ba, Tam Nông, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ, Phù Ninh, Hạ Hòa; 2 dự án sản xuất nấm ở Cẩm Khê, Thanh Sơn; 1 dự án sản xuất táo tại huyện Thanh Sơn; 2 dự án sản xuất hoa tại thị xã Phú Thọ và Thanh Thủy; 3 dự án nuôi cá lồng ở Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng; 2 dự án chăn nuôi gà chất lượng cao ở Thanh Sơn, Phù Ninh.
Nhìn chung, các dự án bước đầu đều đạt được những kết quả khả quan, có thể nhân ra diện rộng, thành vùng sản xuất tập trung.
Ông Nguyễn Văn Hợp ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, một trong những hộ đang tham gia mô hình trồng rau an toàn cho biết: "Trước đây, người nông dân chúng tôi trồng rau xanh chủ yếu theo hình thức tự sản, tự tiêu, nhiều khi không chú ý đến việc đảm bảo thời gian cách ly hợp lý khi sử dụng thuốc BVTV hoặc các loại phân bón.
Chúng tôi chỉ làm ở mức độ vừa phải bởi nếu năng suất cao thì ngay lập tức giá thành sẽ giảm xuống, khó tiêu thụ. Dự án mà ngành nông nghiệp triển khai hiện nay đã phần nào giải quyết được những khó khăn đó. Sản phẩm làm ra được cấp giấy chứng nhận, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Quan trọng nhất là sẽ được bao lâu hay chỉ 1,2 vụ”.
Trong điều kiện quỹ đất ngày càng bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách.
Trong khi một bộ phận khá lớn nông dân ở khu vực nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khoa học và công nghệ, còn tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lối quảng canh, truyền thống thì nông nghiệp cận đô thị có rất nhiều thuận lợi trong việc vận dụng những dịch vụ khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Đối với bà con nông dân, họ rất sẵn sàng tiếp nhận cái mới, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất. Nhưng khó khăn chính là họ không chủ động được đầu ra cho sản phẩm.
Đây là bài toán mà lời giải là thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp. Chủ trương liên kết 3 nhà trong sản xuất nông nghiệp đã được đặt ra từ lâu nhưng kết quả chưa thực sự như mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Qua tìm hiểu thực tế, có một vấn đề ở nhiều mô hình, nhất là những mô hình trồng rau, quả an toàn, một số bà con nông dân chưa thực sự tuân thủ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Sắp đến ngày thu hoạch, thấy mẫu mã rau quả không bắt mắt, phun các loại thuốc để rau quả trở nên xanh, non dễ thu hút người tiêu dùng.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thông tin cảnh báo đối với một số mặt hàng rau của Việt Nam có nguy cơ bị cấm nhập khẩu do vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh. Nói đến vấn đề này ở trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta có vẻ như còn xa, bởi sản lượng nông nghiệp trên thực tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Nhưng về tương lai lâu dài, việc tiến tới xuất rau quả ra các tỉnh ngoài, thậm chí xuất khẩu sẽ là mục tiêu phấn đấu để nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP hay GlobanGAP, QUARCER... vẫn chưa được người dân ở các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây chè hay rau xanh hưởng ứng mạnh mẽ. Người nông dân vẫn thụ động trong việc tìm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, vẫn có sự ỷ lại không nhỏ vào cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Ở một số địa phương, ngay cả ở những vùng nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp cận đô thị, người nông dân chỉ làm tốt khi tham gia mô hình, được cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ nhiều khoản chi phí khác, sau khi kết thúc mô hình, nhân ra diện rộng thì năng suất giảm rõ rệt bởi các bài học kỹ thuật chăm sóc đã không được tuân thủ nghiêm ngặt.
Nhiều hộ tham gia các mô hình trồng rau an toàn ở thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê, Hạ Hòa... cho biết: Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nông dân làm sao có tiền mua phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc như cán bộ hướng dẫn. Hơn nữa, nếu theo đúng quy trình thì chi phí sản xuất sẽ đội lên rất cao trong khi giá thành sản phẩm lại không nâng lên tương ứng, gánh chịu thiệt hại vẫn là nông dân.
Hiện nay các đô thị của tỉnh ta sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm một phần trong cơ cấu kinh tế chung, đã bước đầu hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh theo hình thức cận đô. Song xét về mô hình nông nghiệp cận đô thị vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh.
Trong bối cảnh đó, để xây dựng, hình thành và phát triển nông nghiệp đô thị theo đúng nghĩa thì tại các đô thị ở tỉnh ta cần có những bước đi thích hợp: Quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiến trình đô thị hóa; triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về nông nghiệp đô thị để từ đó xác lập cơ cấu sản xuất, công nghệ, mô hình tổ chức quản lý sản xuất, tiêu thụ phù hợp, khả thi; có những chính sách, chế độ riêng phù hợp và khuyến khích nông nghiệp cận đô thị phát triển một cách bền vững, phục vụ cho yêu cầu mở rộng, phát triển đô thị của Phú Thọ trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Được trồng tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 7 năm trước, đến nay, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn (gọi chung là cây có múi) đã đứng vững trên vùng đất này, diện tích đang tăng từng ngày. Xung quanh việc mở rộng diện tích cây có múi ở Lục Ngạn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Khoảng 4 năm nay, một số nhà vườn ở quận Ô Môn đã chịu khó học hỏi về kỹ thuật và tìm loại cây ăn trái giống mới thích hợp với vùng đất ở đây. Trong số đó, ông Trần Văn Hiện (Bảy Hiện) là người đầu tiên chuyển sang trồng cam xoàn tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn - TP Cần Thơ.
Khi người dân đẩy nhanh tiến độ cải tạo đất chuẩn bị cho một vụ tôm nuôi mới cũng là lúc thị trường tôm giống dần “nóng” lên. Để có được những vụ nuôi thành công trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và tình trạng dịch bệnh gan tuỵ chưa được khống chế, hơn bao giờ hết người dân đang kỳ vọng sẽ có nguồn giống chất lượng để giảm đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu Thủy sản 1) cho biết, đơn vị đã làm chủ được công nghệ ương nuôi giống cá trắng châu Âu (Coregonus lavaretus), một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Năm 2013, Trạm Khuyến nông Kỳ Sơn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng mô hình “Ương nuôi cá giống cấp 2" với quy mô 0,5 ha. 5 hộ dân tại bản Thà Lạng, xã Bảo Thắng tham gia thực hiện mô hình.