Hàng Nghìn Ha Điều Thất Thu Do Bão Ở Bình Thuận

Cơn bão số 1 diễn ra vào những ngày đầu năm 2013 đã làm hàng nghìn ha điều đang giai đoạn nở hoa, ra hạt ở huyện Đức Linh (Bình Thuận) bị thiệt hại nặng. Anh Trần Minh Cường ở xã Trà Tân cho biết, trước khi bão đến, hơn 2 ha điều của gia đình anh ra hoa đều, bông to báo hiệu một năm được mùa. Thế nhưng sau gần 1 tuần bị ảnh hưởng cơn bão, giờ đây phần lớn diện tích điều nhà anh đã bị đen bông, không còn khả năng đậu trái. Những bông đã cho hạt, thì cuống bị thâm và rụng rất nhiều. Không chỉ điều của anh Cường mà tất cả diện tích điều trên địa bàn huyện Đức Linh đều bị tình trạng tương tự. Đi đâu cũng nghe người trồng điều than mất mùa. Một nông dân ở xã Mê Pu buồn bã nói: “Chưa năm nào bão đến sớm như năm nay. Thường mọi năm, lúc điều đang thu hoạch mới có những trận mưa trái mùa. Tuy có ảnh hưởng đến năng suất nhưng người trồng điều vẫn có thu. Còn năm nay, bão lại đến ngay lúc điều ra hoa rộ, mà giống điều, hễ gặp mưa là hư bông, nên bà con năm nay sẽ không có điều mà hái”.
Nhiều người nghĩ năm nay điều được mùa nên đã mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phân thuốc gần chục triệu đồng mỗi ha. Thế nhưng cơn bão sớm đã làm họ trắng tay. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Vĩnh ở xã Trà Tân có khoảng 5 ha điều. Cũng như mọi năm, anh đầu tư chăm sóc vườn điều của mình rất kỹ với tổng chi phí đầu tư cho vụ này hơn 40 triệu đồng. Anh Vĩnh cho biết, trong những ngày bão, lúc trời không mưa là anh tranh thủ xịt thuốc, nhưng cơn bão kéo dài, trời không có nắng nên những cố gắng của anh cũng không khắc phục được tình trạng điều bị khô đen bông.
Nếu như năm 2011, người trồng điều ở huyện Đức Linh phấn khởi vì điều được mùa, trúng giá, thì 2 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến bất thường làm cho cây trồng này liên tục bị thất thu. Điều này cũng dễ hiểu, tại sao diện tích cây điều ở Đức Linh giảm mạnh trong những năm trở lại đây. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng hơn 7.300 ha điều (giảm gần 2.000 ha so với năm 2009). Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích cây điều sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo do người dân đang có xu hướng chặt bỏ điều để trồng các cây công nghiệp khác.
Có thể bạn quan tâm

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.