Thanh Long Vuột Mất Cơ Hội Bứt Phá
Thanh long là trái cây số 1 của Việt Nam về xuất khẩu nhờ đi trước so với các nước trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung, nên thời gian khá dài, thị trường thanh long Việt Nam một mình một chợ.
Thay vì cần có chiến lược phát triển bài bản để ngày càng nâng cao chất lượng và chiếm ưu thế trên thị trường thế giới, vậy mà giờ đây trái thanh long Việt Nam đối diện với nguy cơ cạnh tranh với nhiều nước, không chỉ về thị trường mà cả về giống, chất lượng và quy trình kỹ thuật.
Dịch bệnh đe dọa
Việc trái thanh long bị đổ bỏ ở Bình Thuận, Long An… trong lúc nhiều công ty không đủ hàng để xuất khẩu do thanh long bị bệnh đốm nâu (còn gọi là đốm trắng) xuất hiện, làm cho vỏ trái xấu xí khó bán hoặc bán giá thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng chỉ là bề nổi của vấn đề. Ngành nông nghiệp gần như vuột mất cơ hội bứt phá khi để cây này phát triển gần như tự phát hơn là tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu... như cách mà New Zealand đã và đang làm với trái kiwi.
Báo SGGP tháng 7-2013 đã lên tiếng báo động khi bệnh trên cây thanh long có dấu hiệu xuất hiện và lây lan ở Long An, Tiền Giang sau khi phát hiện lần đầu ở Bình Thuận. Lúc đó, người trồng đã lo ngại nên sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phun xịt vẫn không hiệu quả. Năm nay, bệnh gây hại nặng hơn, làm cho trái không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tăng lên, phải vứt bỏ nhiều nơi.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Chánh văn phòng Cục BVTV phụ trách phía Nam, diện tích thanh long bị bệnh này từ đầu năm đến nay ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh… lên đến trên 3.700ha trong tổng số khoảng 28.000ha thanh long cả nước.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) Trần Quang An cho biết, bệnh đốm nâu lây lan rất nhanh. Loại nấm này ban đầu là những điểm trắng trên dây thanh long, sau đó chuyển sang nâu làm cho dây thanh long bị khô, bệnh lan cả vào trái, dù phần cơm bên trong khi cắt ra vẫn bình thường nhưng do vỏ bên ngoài trông rất xấu nên dễ bị khách hàng từ chối. Điều lo ngại, loại nấm này lây lan khá nhanh qua đường không khí mà chưa có thuốc đặc trị hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), bệnh này đã được người dân phát hiện và SOFRI ghi nhận cách nay 3 năm tại Bình Thuận và đã báo lên Bộ NN-PTNT để xin kinh phí nghiên cứu cách phòng chống. Vậy mà mãi tháng 7 năm nay, Bộ NN-PTNT mới chính thức giao cho SOFRI nghiên cứu để có biện pháp khắc phục với kinh phí 2,5 tỷ đồng.
TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, cho biết, thanh long là cây chịu hạn, mỗi năm ra hoa một lần, nhưng khi trở thành cây trồng hàng hóa, người dân vùng Bình Thuận sử dụng nhiều biện pháp như phân bón, tưới nước nhiều, sử dụng bóng đèn ban đêm… để thâm canh, ép cây ra hoa 4 - 5 lần/năm làm cây bị suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh. Bệnh này mùa mưa phát sinh nhiều hơn mùa khô.
Kinh nghiệm trên các loại cây trồng khác cho thấy, không có thuốc nào phòng trừ hiệu quả nếu không áp dụng trên nền tảng phòng trừ tổng hợp.
Với cây thanh long, điều quan trọng là không được lạm dụng chất kích thích; chỉ để chồi mùa nắng, tránh mùa mưa để hạn chế bệnh; ngoài ra, nên lên liếp cây trồng để giúp bộ rễ phát triển thay vì trồng như hiện nay của bà con vùng Nam Trung bộ.
Một số thuốc mới hiện nay cũng cho kết quả bước đầu, khoảng 64%, đòi hỏi phải tiếp tục khảo nghiệm, nhưng như nhiều loại cây trồng khác, phòng trừ tổng hợp là biện pháp phù hợp nhất để hạn chế bệnh này trên cây thanh long. Theo TS Nguyễn Minh Châu, người dân trồng cây thanh long để nhiều tầng quá (4 - 5 tán), trong khi ở Đài Loan chỉ để 2 tán.
Cạnh tranh gay gắt
Không quá đáng khi nói đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam là nghĩ đến trái thanh long. Hiện đã có mặt ở 40 nước như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh hàng năm, khoảng 30%/năm. Thế nhưng, đáng lo ngại khi phần lớn sản lượng thanh long được bán qua thị trường Trung Quốc và hầu hết bằng tiểu ngạch với chất lượng thấp, có năm sản lượng xuất vào thị trường này tăng khoảng 80%.
Sau thời gian khá dài gần như độc chiếm thị trường với khoảng 90% hàng giao dịch thanh long trên thế giới, nhưng giờ đây ngành hàng này không chỉ chấp nhận chia bớt thị phần mà còn phải đối diện với việc cạnh tranh của nhiều nước đang trồng thanh long với khả năng vượt trội Việt Nam về cách tổ chức sản xuất giống và quy trình canh tác.
Điển hình nhất là Trung Quốc, đang đầu tư trồng khoảng 20.000ha thanh long tại 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, chiếm khoảng 2/3 diện tích thanh long Việt Nam.
Thanh long cũng đã được Thái Lan, một đất nước có thế mạnh lớn về lai tạo cây ăn trái, cạnh tranh với thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ. Mỹ cũng đã trồng thanh long tại đảo Hawaii…
Có thể nói, từ mặt hàng chiếm ưu thế mọi mặt, thời gian tới Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn khi các nước đi sau tỏ ra vượt trội về quy trình kỹ thuật, giống, bài bản về tổ chức sản xuất trong lúc Việt Nam vẫn lúng túng về quản lý dịch bệnh, phát triển tự phát về diện tích nên chất lượng trái thay vì phải được nâng lên lại giảm xuống. Rõ nhất là khi bệnh đốm nâu hoành hành phải vất bỏ hàng loạt.
Ngay cả khâu nghiên cứu các biện pháp sau thu hoạch như bảo quản trái, chế biến cho thanh long cũng không căn cơ như TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit) nhận định. Thị trường bị lệ thuộc, không có chiến lược đầu tư bài bản cho loại trái cây xuất khẩu số 1, nên giờ đây các nhà nông trồng thanh long Việt Nam đang đối diện nhiều nguy cơ khi vuột mất cơ hội bứt phá.
Có thể bạn quan tâm
Bên dòng Phước Giang trù phú, nhiều nông dân ở các xã Hành Nhân, Hành Minh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) hiện đang hối hả vào mùa thu hoạch chôm chôm. Bà con phấn khởi vì chôm chôm được mùa, giá bán cũng khá ổn định.
Hiện nay, các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch lứa trái cuối cùng của vụ chính; so với cùng kỳ năm trước thì nông dân trồng loại cây này vừa mất giá vừa mất mùa.
Với điều kiện thuận lợi có nước ngọt quanh năm, trong những năm qua, nhân dân các xã Tân Phú Tây, Phú Mỹ, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Bình, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) phát triển khá mạnh nghề trồng và sản xuất cây giống.
So với các huyện vùng ven khác của TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, ấn tượng về xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Nhà Bè không chỉ là những mô hình làm kinh tế giỏi, những nông dân tỷ phú… mà là một đô thị vùng ven mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Xã Bản Mế nằm ở nơi thượng nguồn sông Chảy, từ xưa đã nổi tiếng là địa bàn có thời tiết khắc nghiệt nhất của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.