Diệt sâu bắt nhãn đậu quả theo ý muốn
Để có những quả nhãn tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc…, người trồng nhãn không nên làm tự phát theo cách truyền thống mà cần thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật.
Đó là khuyến cáo của bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên khi nói về việc xây dựng vùng nhãn xuất khẩu tại địa bàn tỉnh. Theo bà Chải, Hưng Yên hiện có khoảng 2.000ha nhãn trồng quy mô tập trung, sản lượng 35.500 - 40.000 tấn/năm, giá trị thu nhập từ 400 - 500 tỷ đồng/năm.
Ông Trịnh Văn Thinh đang cắt tỉa các chùm nhãn tại vườn của gia đình ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên.
Diệt sâu, bệnh bằng cải tạo ruộng, vườn
Bà Chải cho biết, cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức mở cửa thị trường cho nhãn của Việt Nam.
Theo đó, để có nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này, đầu tháng 3.2015, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Chi cục BVTV Hưng Yên kiểm tra thiết lập hồ sơ và cấp mã số vùng nhãn xuất khẩu cho 9,97ha của 33 hộ tại xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và 10,82ha với 142 hộ tại xã Hàm Tử (Khoái Châu).
Nhà đang trồng hơn 100 gốc nhãn, ông Trịnh Văn Thinh – Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam cho biết: “Để có đầu ra ổn định với giá cao, dù khó khăn nhiều người trồng nhãn chúng tôi cũng cố làm bằng được để xuất khẩu.
Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ mở cửa cho mặt hàng nhãn của Việt Nam chính là cơ hội tốt để nông dân làm quen với phương pháp làm ăn mới, tạo sự gắn kết “4 nhà” trong việc phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên”.
Bà Chải cho biết, theo yêu cầu của Mỹ, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nhãn có quy mô từ 10ha trở lên ở thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam) và thôn An Cảnh, xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) đã được cấp mã số để các nhà nhập khẩu Mỹ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. “Việc quan trọng nhất trong sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn của Mỹ, là phải đạt chuẩn từ khâu nhân giống.
Vùng nhãn xuất khẩu của tỉnh có lợi thế là từ năm 2004 đến 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nhân giống nhãn bằng phương pháp ghép, và từ năm 2009 - 2012, nông dân các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu và TP.Hưng Yên đã thực hiện thâm canh cây nhãn theo hướng VietGAP” – bà Chải nói.
Bà Bùi Thị Nhung, xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) đang cắt tỉa những cây nhãn bị sâu bệnh.
Theo bà Chải, để đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên quả nhãn xuất khẩu, nông dân cần áp dụng đồng bộ phương pháp canh tác mới như cắt tỉa và tạo tán.
Theo đó, từ tháng 5 - 7, bà con tiến hành tỉa quả (chùm lớn để 70 – 80 quả non; chùm nhỏ để 30 - 60 quả), cắt bỏ những cành chụm, cành tăm, cành bệnh để lại 1- 2 cành, sau đó bón phân cho cành hè sung sức có thể trở thành cành mẹ.
Đến cuối tháng 8, tiếp tục tỉa cành sâu bệnh, cành hè quá dài. Khi lộc non dài khoảng 10cm thì tỉa bỏ những lộc yếu, để lại 1 – 2 cành thu trên cành mẹ, kết hợp bón phân thúc đẩy đợt lộc thu thành thục.
Bà con chú ý không bón phân tươi trực tiếp vào gốc nhãn mà phải ủ phân hoai mục theo hướng dẫn của cán bộ BVTV. Tốt nhất là bón theo nguyên tắc “1 đợt lộc, 2 lần bón”.
Cụ thể, với nhãn đang trong giai đoạn thu hoạch thì bón 4 lần/năm: Lần 1 sau khi thu hoạch quả vào tháng 8, 9; lần 2 bón vào tháng 2 khi cây phân hóa mầm hoa (bón 30% phân đạm, 20% lân, 30% kali).
Lần 3 bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 để chùm hoa phát triển tốt, đậu quả (chỉ bón 10 - 20% lượng phân đạm). Lần 4 bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 cho quả phát triển (bón 20% đạm, 40% kali).
“Để quả nhãn có chất lượng thơm ngon, bà con nên bổ sung đất phù sa vào vườn nhãn hàng năm, sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân bón tự chế như phân cá, đậu tương, ngô…” – bà Chải khuyến cáo thêm.
“Bắt” nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn
Chia sẻ về kinh nghiệm“bắt” nhãn ra hoa theo ý muốn, ông Nguyễn Đức Thụ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho rằng: Có 3 cách để nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn, gồm khoanh cành, tỉa bớt rễ nhãn và dùng hóa chất.
Ông Đinh Văn Mau ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đang thuê người phun thuốc, chăm sóc vườn nhãn của gia đình.
Trong đó, phương pháp khoanh cành cho hiệu quả rất cao. Người trồng cần tiến hành kiểm tra vườn từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1, sau đó dùng cưa hoặc dao để khoanh vỏ cành nhằm tăng tỷ lệ ra hoa. Nếu thân cành to thì khoanh bằng cưa, thân nhỏ dùng dao.
Có thể khoanh 1 vòng tròn khép kín trên thân cành hoặc theo đường xoắn. Để tăng tỷ lệ đậu quả, người trồng phải tìm khoanh cành mẹ khi đang ra hoa theo đường xoắn, cách cuống chùm hoa từ 25 – 30cm. Phương pháp này cũng giúp người trồng có thể điều khiển được nhãn ra quả sớm hoặc muộn hơn so với thời vụ từ 10 ngày và tăng năng suất đáng kể.
Theo ông Thụ, nhãn thường bị mắc bệnh chổi rồng rất nguy hiểm, khiến năng suất giảm nghiêm trọng.
Để phòng trừ, bà con cần tăng cường công tác kiểm dịch, khi phát hiện chồi non, chùm hoa nhãn bị xoăn lại và héo, biến dạng cần cắt bỏ ngay, gom lại và tiêu hủy, đồng thời đẩy mạnh thâm canh để tăng khả năng chống bệnh cho cây. Tương tự, khi thu hoạch bà con cũng cần làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và BVTV cơ sở để đảm bảo đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ năm 2003, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng dự án tuyển chọn, công nhận 21 cây nhãn đầu dòng và 13 cây đạt tiêu chuẩn dùng để nhân giống. Nhờ xây dựng các mô hình thâm canh cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng nhãn tại các mô hình đã tăng từ 8 - 15% so với sản xuất đại trà, giá trị thu nhập tăng từ 67 - 120 triệu đồng/h.
Có thể bạn quan tâm
Bộ NNPTNT vừa ban hành hướng dẫn tạm thời kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái quả và sơ chế hạt cây mắc ca. Đây là hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên cho mắc ca phát triển tại Việt Nam. NTNN xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca theo hướng dẫn của Bộ để nông dân áp dụng vào sản xuất.
Tại Việt Nam, giống cây thanh long khá đa dạng: Ruột trắng vỏ đỏ, ruột trắng vỏ vàng, ruột đỏ vỏ đỏ, ruột tím hồng vỏ đỏ. Trong đó các giống có ruột màu có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hơn ruột trắng. Qua quá trình sản xuất, nhiều nhà vườn có kinh nghiệm đã lựa chọn, sử dụng phân bón Văn Điển bón cho cây thanh long phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, chị Trương Thị Miền, tổ 9, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai) từng nghĩ làm nghề nông may lắm cũng chỉ đủ ăn… Nhưng nay chị đã trở thành tỷ phú từ cái nghề mà chị từng coi là khó nhọc và vô vọng…
Vườn nhãn ghép của ông Xê đã được 3 năm, phát triển xanh tốt, tỷ lệ 99% kháng được bệnh chổi rồng. Ông Xê cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon.
Cứ khoảng giữa mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch) hàng năm, người dân vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang lại bắt đầu làm đặc sản khô nhái.