Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Long Ruột Đỏ Và Cuộc Hành Trình Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP

Thanh Long Ruột Đỏ Và Cuộc Hành Trình Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP
Ngày đăng: 08/04/2014

Qua gần 1 năm triển khai, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Khuyến nông, trong tháng 2-2014, trại thanh long ruột đỏ của ông Trần Công Sơn (ấp Thân Đức, xã Thân Cửu Nghĩa) được tổ chức VietCert cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là trại thanh long đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành (Tiền Giang) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn này.

Ông Sơn cho biết, vào năm 2011, ông cùng 2 người bạn ký hợp đồng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thuê phần đất sân bắn tọa lạc tại ấp Thân Đức, xã Thân Cửu Nghĩa (trước đây là nơi sử dụng cho tân binh tập bắn, nay không còn sử dụng) và hùn vốn để trồng thanh long ruột đỏ. Do đây là vùng đất bị nhiễm phèn nên sau đó 2 người bạn của ông xin “rút chân”.

Còn lại một mình nhưng ông không nản chí mà vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch trồng trọt. Theo ông, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha thanh long khoảng 400 triệu đồng. Do khó khăn về vốn nên ông thực hiện đầu tư theo hình thức cuốn chiếu. Đầu tiên trồng thử nghiệm 1 ha, sau thấy hiệu quả, ông tiếp tục nhân rộng diện tích. Hiện tại, trại thanh long của ông có 8 ha, trong đó có 4 ha đang cho trái. Đều đặn nửa tháng, ông thu hoạch một lần.

Từ giữa năm 2013 đến nay, thanh long ruột đỏ có giá từ 25-70 ngàn đồng/kg nên lợi nhuận thu được ngoài sự mong đợi của ông. “Trong tháng 2-2014, tôi thu hoạch 1 ha thanh long, sản lượng hơn 6 tấn, bán với giá 60 ngàn đồng/kg. Nếu giá bán tiếp tục duy trì ở mức này, thậm chí từ 30 ngàn đồng/kg trở lên thì chẳng bao lâu tôi có thể thu hồi được vốn đầu tư” - ông Sơn phấn khởi cho biết.

Đặc biệt, qua thời gian triển khai quy trình sản xuất theo hướng an toàn với sự tập huấn, hướng dẫn của ngành Khuyến nông, trong tháng 2-2014, trại thanh long của ông Sơn được Công ty cổ phần chứng nhận VietCert cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Thực hiện theo quy trình này, các hoạt động hàng ngày của trại đều được ghi chép vào sổ nhật ký theo hướng dẫn bao gồm: Nhật ký mua và sử dụng phân bón; nhật ký mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất bổ sung; nhật ký theo dõi việc chong đèn...

Nội dung ghi chép bao gồm: Ngày mua (ngày sử dụng), tên sản phẩm, tên nhà sản xuất, số lượng mua (sử dụng), người bán, người mua, cách bón phân (cách phun thuốc), người bón (người phun), tồn kho; đối với thuốc BVTV và chất bổ sung còn phải ghi rõ lô, thửa đất sử dụng, mục đích và số lượng sử dụng, thời gian cách ly…

Đối với thuốc BVTV, ông sử dụng thuốc nằm trong danh mục cho phép và tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch theo quy định (tối thiểu 10 ngày). Về phân bón, ông sử dụng chủ yếu là phân chuồng (phân gà, phân bò ủ hoai, phân cá tươi tự ủ) trộn men vi sinh và nấm đối kháng Tricoderma.

Trại thanh long của ông được cung cấp nước ngọt quanh năm từ kinh Quản Thọ với chất lượng đảm bảo; đối với công đoạn tưới, ông chủ yếu sử dụng vòi xịt vừa làm mát, vừa vệ sinh, làm sạch thân và trái (làm cho trái sạch và bóng hơn trước khi bán).

Đặc biệt, sau khi tiến hành “vuốt tai” để giữ màu xanh cho tai đến khi trái chín, trái thanh long được tưới xả để đề phòng phân bón lá lan ra vỏ trái làm cho phần vỏ đó vẫn xanh khi trái chín (không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu). Hiện tại, ông chuẩn bị đầu tư 1 máy xay thân thanh long (được tỉa bỏ) để ủ làm phân, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Tôi dự định xây dựng trang web để quảng bá hình ảnh về trại thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để qua đó, vừa giúp nâng cao giá trị thương hiệu cho trái thanh long ruột đỏ, vừa giới thiệu và cung cấp hom giống thanh long đảm bảo chất lượng cho người dân có nhu cầu.

Ngoài ra, tôi cũng đang xúc tiến việc đầu tư trồng 15 ha thanh long tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước” - ông Sơn phấn khởi cho biết thêm.

VietCert là tổ chức chứng nhận phù hợp của Việt Nam (52 Cao Bá Quát, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép hoạt động với các chức năng chính: Chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn nước ngoài (JIS, ASTM, GOST, GB...), tiêu chuẩn khu vực (EN, CEN...) và tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC...); chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; chứng nhận các hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, HACCP; chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP...


Có thể bạn quan tâm

Sẽ Tăng Thuế Nhập Khẩu Phân Bón Lên Gấp Đôi Sẽ Tăng Thuế Nhập Khẩu Phân Bón Lên Gấp Đôi

Bộ Tài chính cho biết theo kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất, nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì 4 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm 5,8%, doanh thu giảm 10,6%, tồn kho 685.000 tấn, trong đó urê tồn 138.000 tấn, NPK tồn kho 279.000 tấn…

18/07/2014
Rau Má Cây Trồng Mang Thu Nhập Tốt Cho Người Miền Trung Rau Má Cây Trồng Mang Thu Nhập Tốt Cho Người Miền Trung

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế có tiếng là đất rau má vì ở đây có diện tích trồng rau má lớn nhất cả nước với hơn 40 hecta, mang lại thu nhập cao và ổn định cho hơn 200 hộ dân. “Ông tổ” của nghề trồng rau má tại Quảng Thọ chính là ông Cao Quảng Thiện.

02/08/2014
Quang Húc Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Quang Húc Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Từng là một trong những xã khó khăn của huyện Tam Nông, nhưng những năm qua, với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội của xã Quang Húc đã có sự tăng trưởng khá.

18/07/2014
Xuất Hiện Người Lạ Bắt Đỉa Bán Cho Thương Lái Ở Hà Tĩnh Xuất Hiện Người Lạ Bắt Đỉa Bán Cho Thương Lái Ở Hà Tĩnh

Theo anh Nguyễn Văn Minh (43 tuổi), xóm 1, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, gần 1 tháng trở lại đây, cứ mỗi lần đi chăn trâu, thăm ruộng lúa, anh lại thấy một vài người phụ nữ đi theo nhóm 2-5 người, đeo túi, vợt, lội ruộng, vẫy nước bẩn để “nhử” đỉa. Họ bắt cả mấy kg đỉa bỏ vào túi vải. Nhóm người chủ yếu ở nơi khác đến.

02/08/2014
VAHIP Hỗ Trợ Tích Cực Trong Phòng Chống Cúm Gia Cầm Tại Hà Tĩnh VAHIP Hỗ Trợ Tích Cực Trong Phòng Chống Cúm Gia Cầm Tại Hà Tĩnh

Sáng 18/7, Ban quản lý dự án VAHIP Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và Dự phòng đại dịch ở Việt Nam".

18/07/2014