Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Có Vườn Ươm Giống Cà Phê Cao Sản Ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Có Vườn Ươm Giống Cà Phê Cao Sản Ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)
Ngày đăng: 02/06/2014

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.

Năm 2007, vườn ươm giống của ông Bùi Đình Thám là một trong số 33 vườn ươm ở Bảo Lâm được Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm chọn để đề nghị Sở NN - PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận. Giống cà phê được nhân rộng từ nguồn giống mẹ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Ea Kmat) để cung ứng cho nông dân thực hiện tái canh cà phê.

Hạt ươm cây giống, chồi ghép được Ea Kmat nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn lọc kỹ trong nhiều năm rồi mới chuyển giao kỹ thuật ghép cho những vườn đầu dòng, vườn cây mẹ. Ông Bùi Đình Thám cho hay: “Nghiên cứu của Ea Kmat chỉ ra rằng, cà phê mít có bộ rễ vượt trội hơn giống cà phê sẻ.

Rễ cà phê mít ăn sâu, nên ngoài khả năng chịu hạn tốt, còn hấp thụ được nhiều phân. Đặc biệt, rễ cà phê mít có khả năng kháng các bệnh về tuyến trùng rất cao. Do vậy, tôi ươm bằng hạt giống cà phê mít; sau đó, ghép chồi bằng giống cà phê TR4 (giống của Ea Kmat)”.

Theo ông Hồ Đình Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, trong số 33 vườn ươm được Trung tâm và Ea Kmat chọn, giờ chỉ mỗi vườn ươm của ông Bùi Đình Thám là đang duy trì và phát triển tốt nguồn giống đầu dòng; còn các vườn ươm khác, làm một thời gian ngắn rồi bỏ cuộc.

“Chất lượng giống ghép ở đây rất cao. Ngoài tiêu chuẩn giống đầu dòng, cây thực sinh, chồi ghép có lá phát triển hoàn chỉnh, bộ rễ trắng và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác, vườn ươm này đều vượt trội” - ông Hồ Đình Quảng khẳng định.

Trên diện tích 2.000m2, với hơn 100.000 cà phê giống, hàng năm vườn ươm của ông Bùi Đình Thám đã cung cấp cây giống chất lượng cao cho các hộ nông dân ở huyện Bảo Lâm. Ngoài ra, ông còn cung ứng giống cà phê TR4 cho nhiều nông hộ khác ở các huyện, thành lân cận như TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh…

Phương châm kinh doanh của ông Bùi Đình Thám cũng rất rõ ràng: “Trước hết, giá thành phải rẻ, giống phải đúng, chất lượng phải đảm bảo”. Bởi ông Thám cho rằng, một khi người nông dân mua giống của mình về trồng mà thấy hiệu quả cao, tự khắc nhiều người sẽ tìm đến.

Bên cạnh đó, ông Bùi Đình Thám còn “khuyến mãi” cho bà con nông dân bằng cách vận chuyển cây giống đến tận trung tâm các xã (khi bà con có nhu cầu).

Bà con nông dân chỉ cần đến xã (nơi mình cư trú) là có thể mua được giống cà phê TR4 đầu dòng. Như vậy, nông dân vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, ông Bùi Đình Thám vẫn còn những trăn trở: “Để tạo được nguồn giống có chất lượng, phải tốn rất nhiều công chăm sóc; đặc biệt, vào mùa khô, việc tưới tắm cho cây giống khá vất vả.

Các khoản chi phí đầu tư ban đầu, gồm phân bón, bao bì, tiền thuê nhân công… cũng khá cao. Điều này sẽ kéo theo giá thành cây giống tăng cao, nếu không tìm được thị trường tiêu thụ, thì thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi”.

Hiện tại, giá mỗi cây cà phê giống ghép được ông Bùi Đình Thám bán ra trên thị trường là 8.000 đồng. Ngoài kinh doanh cà phê giống TR4, vườn ươm của ông Thám còn cung ứng cho thị trường các loại cây giống khác: Sầu riêng Thái, bơ chất lượng cao, mắc ca, hoa, cây cảnh và hạt giống các loại…

Trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo vườn cà phê (bằng cách trồng cây giống thực sinh hoặc cây giống ghép và ghép chồi giống cao sản) là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn là hướng phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, một vườn ươm đúng giống, chất lượng đảm bảo là điều rất quan trọng.

Vườn ươm giống của ông Bùi Đình Thám là một trong những vườn ươm được Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm đánh giá cao.

Theo như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm: Trước chuyển đổi, năng suất cà phê bình quân ở Bảo Lâm chỉ được 1,8 tấn nhân/1ha. Sau khi chuyển đổi sang giống mới, năng suất cà phê bình quân (đối với diện tích đã chuyển đổi) đạt 4,7 tấn nhân/1ha; cá biệt, có nơi đạt từ 9 - 10 tấn nhân/1ha.


Có thể bạn quan tâm

Mỹ Tăng Xuất Khẩu Philê Cá Minh Thái Sang Các Thị Trường Chính Mỹ Tăng Xuất Khẩu Philê Cá Minh Thái Sang Các Thị Trường Chính

Khối lượng philê cá minh thái đông lạnh XK của Mỹ sang hầu hết các thị trường NK lớn trong tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng cao nhất tại Anh.

27/09/2014
Russian Sea Catching Mua Lại 2 Công Ty Đánh Bắt Cá Minh Thái Russian Sea Catching Mua Lại 2 Công Ty Đánh Bắt Cá Minh Thái

Russian Sea Catching (RSC) đã mua lại 2 công ty đánh bắt cá minh thái Viễn Đông, củng cố vị trí số 1 trong ngành đánh bắt cá minh thái và thuộc top đầu các công ty đánh bắt cá trích ở Nga.

27/09/2014
Giá Cá Ngừ Vằn Thấp Đã Thúc Đẩy Các Hoạt Động Kinh Doanh Của Thai Union Giá Cá Ngừ Vằn Thấp Đã Thúc Đẩy Các Hoạt Động Kinh Doanh Của Thai Union

Công ty môi giới chứng khoán Bualuang cho biết, giá cá ngừ vằn vẫn dao động ở mức từ 1.400- 1.600 USD/tấn từ giờ đến cuối năm, điều này sẽ có lợi cho Công tý Thái Union Frozen Products.

27/09/2014
Quy Định Mới Của Hoa Kỳ Bảo Vệ Cá Ngừ Vây Xanh Khổng Lồ Quy Định Mới Của Hoa Kỳ Bảo Vệ Cá Ngừ Vây Xanh Khổng Lồ

Nhằm giảm số lượng cá ngừ vây xanh khổng lồ bị giết bởi các đội tàu đánh bắt, Mỹ đưa ra những quy định mới về việc đánh bắt cá thương mại ở Vịnh Mexico và khu vực Tây Đại Tây Dương. Các quy định đặc biệt nhằm bảo vệ cá ngừ vây xanh khổng lồ - cá có kích cỡ từ 81 inch trở lên.

27/09/2014
Đến Năm 2016 Kim Ngạch Xuất Khẩu Cá Tra Đạt 2,3 Tỷ USD Đến Năm 2016 Kim Ngạch Xuất Khẩu Cá Tra Đạt 2,3 Tỷ USD

Theo đó, mục tiêu phát triển nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra nhằm phục vụ XK và tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

27/09/2014