Thanh Long Ruột Đỏ Đơm Hoa, Kết Trái Trên Đất Tân Quang

Khi nói đến cây Thanh long ruột đỏ, ít ai có thể tin rằng nó lại có thể bén rễ trên những mảnh đất vườn tạp, đất đồi của xã Tân Quang (Bắc Quang - Hà Giang). Từ những mô hình đầu tiên của Trạm Khuyến nông huyện trồng khảo nghiệm cách đây vài năm, đến nay đã có nhiều hộ mạnh dạn trồng loại cây này theo quy mô lớn.
Cuối tháng 7, chúng tôi về xã Tân Quang (Bắc Quang) – địa phương được chọn trồng khảo nghiệm mô hình Thanh long ruột đỏ. Đến thăm vườn Thanh long của gia đình ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mỹ Tân, là hộ đầu tiên đưa giống cây này vào từ năm 2010. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn Thanh long đang nở rộ hoa, ông Giang vui vẻ khoe: Hiện gia đình trồng được 100 trụ Thanh long, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Vụ vừa rồi gia đình thu được khoảng 2 tạ quả, với giá bán trung bình từ 35 – 50 nghìn đồng/kg. Đây là vụ thu hoạch quả đầu tiên, Thanh long không cho quả nhiều, mẫu mã đẹp, chất lượng quả thì không thua gì các nơi khác, quả chín đến đâu thương lái đến tận vườn mua hết đến đấy”.
Theo những người trồng Thanh long ruột đỏ cho biết: Cây Thanh long ruột đỏ thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ thích hợp từ 15 - 35 độ C. Việc trồng cây Thanh long ruột đỏ đơn giản, chỉ cần đầu tư đổ trụ cột bê tông cao 1,2 m đến 1,4 m vừa tầm tay người chăm sóc và thu hoạch. Mỗi trụ bê tông trồng từ 3 – 4 mầm cây, mỗi hàng cách nhau 3m và mỗi khóm cách nhau từ 2,7 – 2,8m. Vụ thu hoạch Thanh long thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, trung bình cứ 20 ngày lại cho một đợt thu hoạch. Như vậy một năm, cây Thanh long ruột đỏ sẽ cho thu hoạch từ 6-7 đợt. Với giá bán khoảng 35 – 50 nghìn đồng/kg thì hiệu quả kinh tế thu được từ cây Thanh long ruột đỏ cao hơn rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác mà người dân trong xã đã từng trồng.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Năm 2010, thực hiện chương trình trồng khảo nghiêm cây Thanh long ruột đỏ, Trạm Khuyến nông huyện tiến hành hỗ trợ về giống, một phần phân bón và huớng dẫn kỹ thuật trồng thí điểm tại 5 hộ gia đình, diện tích khoảng gần 1ha Thanh long ruột đỏ tại xã Tân Quang. Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định giống cây trồng này có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác và hiện đang được các hộ gia đình nhân rộng trong toàn huyện với diện tích khoảng từ 10 – 15 ha...”.
Mô hình trồng khảo nghiệm cây Thanh long tại xã Tân Quang bước đầu khẳng định chất lượng, hiệu quả kinh tế so với giống Thanh long thông thường. Nhưng hơn hết mô hình đã hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng muốn vươn lên thoát nghèo theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, để cây Thanh long thực sự trở thành cây xoá đói giảm nghèo cần sự chung sức của các cấp chính quyền trong việc xây dựng phương án cụ thể hơn nữa để phát triển loại cây trồng này. Đồng thời, hỗ trợ người dân về vốn, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả Thanh long ruột đỏ.
Thanh long ruột đỏ là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Việc sinh trưởng và kết trái trên đất Tân Quang đã mang lại lợi thế và cơ hội lớn cho bà con nông dân nơi đây. Nếu có thể nhân rộng mô hình này, cây Thanh long ruột đỏ sẽ thực sự mang lại hướng làm giàu bền vững cho nhiều hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Thông tin Bộ Công Thương công bố sẽ cho nhập khẩu 53.000 tấn muối đợt 1 năm 2012 khiến diêm dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lo âu và bức xúc.

Giá cá tra trượt dốc thảm hại không chỉ làm cho người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến “chết ngộp”, mà còn kéo theo hàng loạt nhà máy sản xuất thức ăn cho cá cũng “chết” theo.

Không phải ai nuôi trăn cũng thành công, thậm chí có người còn trắng tay. Vậy mà trại trăn của anh Thái Vinh Thai ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn – An Giang vẫn đầu ra ổn định và ngày càng phát triển. Gần đây anh lại có thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu da trăn giúp cho anh thêm tự tin đầu tư nuôi trăn.

Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số quay vòng đất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích,cây trồng vụ đông ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn, Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó dưa chuột được xem là một trong những cây chủ lực...

Tận dụng đất trống trước nhà, anh Nguyễn Ngọc Thơ (30 tuổi), ở thôn Trung An, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng chuồng trại để nuôi bồ câu Pháp.