Thanh Long Hàng Mùa Trúng Giá

Bước sang năm Quý Tỵ, báo hiệu một năm làm ăn khấm khá không chỉ các cơ sở, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thanh long, mà còn cả nhà vườn. Đơn cử từ đầu năm đến nay, giá thanh long thu trực tiếp tại nhà vườn luôn duy trì ở mức cao, đôi lúc đạt ngưỡng 33.000 đ/kg.
Niềm vui của các nông dân tần tảo khi giá thanh long hàng mùa những ngày này đang ở mức cao, trên 13.000 đ/kg thu mua tại vườn. Đây là mức giá khá cao so với cùng kỳ năm trước (khoảng 10.000 đ/kg). Đó là kết quả của sự cần cù, chịu khó và không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và còn do sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan.
Thông qua các đợt tập huấn kiến thức về Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) của Trung tâm thanh long Bình Thuận, hay Trung tâm dạy nghề của huyện, đã cung cấp cho bà con vô số kiến thức về cách thức trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long một cách hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch như:
- Việc ủ phân chuồng bằng vôi hay dùng hoạt chất sinh học (men vi sinh Trichoderma) trước khi bón cho cây (thay vì trước đây bón trực tiếp mà không qua ủ), kết quả là làm tăng năng suất của cây, giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, tăng hiệu lực phân hóa học, cải tạo đất, giữ pH đất ở mức độ trung hòa hợp lý; tăng chất mùn cho đất, chứa các kích thích tố giúp cho rễ cây phát triển nhanh, cây dễ dàng hấp thụ, mặc khác cũng hạn chế được tuyến trùng, vi sinh vật gây hại bộ rễ và tiêu diệt các mầm cỏ còn lẫn trong phân ban đầu.
- Hay việc ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất cũng giúp cho bà con kiểm soát tốt vấn đề chăm sóc, bón phân, thu hoạch và dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi có sự cố xảy ra, v.v…
Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con yên tâm sản xuất như việc cung cấp nước tưới đầy đủ với tiêu chí không để thanh long khát nước vào vụ mùa sản xuất.
Chính sách vay vốn sản xuất nông nghiệp được ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn tận tình và hỗ trợ với lãi suất thấp, thời hạn dài, từ đó cũng tạo điều kiện cho bà con không ngừng tăng diện tích canh tác và đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, niềm vui của bà con là vậy nhưng làm nông nghiệp theo kiểu phong trào như hiện nay là quá rủi ro. Diện tích canh tác cây lúa và hoa màu khác ngày càng thu hẹp nhường lại cho cây thanh long, với diện tích canh tác thanh long toàn tỉnh trên 19.000 ha, tăng 4.000 ha so với quy hoạch đến năm 2015.
Tuy thanh long là một trong số 6 sản phẩm lợi thế của tỉnh, nhưng sự phát triển ồ ạt không theo quy hoạch đem lại rủi ro rất lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Chúng ta biết rằng thanh long tỉnh ta chủ yếu xuất bán theo đường tiểu ngạch và trên 80% bán ở thị trường Trung Quốc; chỉ 20% còn lại xuất theo đường chính ngạch, thì sự phát triển “nóng” trên tạo điều kiện cho thương lái ép giá khi được mùa.
Hy vọng trong thời gian tới, dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành cùng sự hiểu biết ngày càng nâng cao của người dân, thì diện tích canh tác sớm ổn định, chất lượng trái thanh long không ngừng cải thiện và người dân dần áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP để canh tác. Ngoài ra cần phải tăng cường sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân” trong quá trình sản xuất thanh long, để tạo sự phát triển bền vững cho thanh long Bình Thuận.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, giá nhiều loại cây giống không chỉ tăng mà tiêu thụ cũng có phần dễ dàng hơn so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, một số loại cây giống đã có dấu hiệu hút hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung giảm…

Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: Tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh bị khô kiệt đã làm cho diện tích nuôi cá bị thu hẹp đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được gần 720 ha diện tích cá nước ngọt, chỉ bằng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nuôi cá trong các hồ chứa nước 605 ha, nuôi cá trong ao lót bạt 10,4 ha. Ngoài ra, việc nuôi cá lồng trong các hồ chứa cũng sụt giảm, thể tích lồng nuôi cá nước ngọt chỉ đạt 7.600m3, bằng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, do nguồn nước bị khô kiệt, việc duy trì sản xuất, bảo vệ đàn cá giống bố mẹ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu đang hết sức khó khăn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì mô hình nuôi cá ao tự nhiên ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang phát triển, được nhiều nông dân hưởng ứng và muốn nhân rộng. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đem lại thì bà con nuôi cá đang phải đối mặt với nỗi lo canh cánh về đầu ra sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.