Thanh long chong đèn ở Bình Thuận giá rẻ hơn vụ mùa

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh là 22.000 ha, trong đó 17.000 ha đang cho trái.
Diện tích thanh long chong đèn để sản xuất nghịch vụ chiếm 70%. Mỗi năm thanh long Bình Thuận đạt sản lượng 550.000 tấn, trong đó 75% là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Diện tích thanh long ngày càng mở rộng, giá rẻ, nhiều hộ chỉ trong chờ vào mùa chong đèn nghịch vụ (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) để bán được giá cao.
Nhưng năm nay, dù mới bước vào những lứa trái nghịch vụ đầu tiên, giá đã rớt mạnh chỉ còn một nửa so với năm trước. Cụ thể thanh long dạt chỉ có giá 2.000 đồng/kg, hàng xô 4.000 đồng/kg, hàng xuất khẩu chỉ 7.000 đồng/kg.
Một vườn thanh long chong đèn nghịch vụ ở xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
Bà Phan Thị Ẩn, nhà vườn ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết, không hiểu lý do vì đâu giá thanh long chong đèn mới đầu vụ đã rớt thảm.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc chong điện, nhưng bệnh nấm trắng đang phát triển mạnh. Nhà bà Ẩn đang có 2 lứa trái sắp chín nhưng các vựa lại đưa ra mức thu mua thấp.
“Thường giá thanh long nghịch vụ luôn cao gấp 2-3 lần so với mức bình thường. Các vườn lại có thời gian thu hoạch khác nhau, sản lượng không nhiều như chính vụ.
Nhưng hiện nay, các vựa thanh long lớn trong xã đều đăng bảng mua với giá thấp. 1 kw điện sản xuất đã 3.000 đồng, nhưng 1 kg thanh long chỉ có 2.000 đồng”, bà Ẩn nói.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Hàm Chính, cho biết, lứa đầu vụ nhà ông bán xô (lớn nhỏ cân hết) giá 6.000 đồng/kg, thu về 16 triệu đồng.
Tính hết chi phí tiền điện, phân bón, thuốc, công làm vườn, số tiền trên chỉ vừa đủ chi chưa có lời.
“Thanh long rớt giá, nấm bệnh đầy vườn, trái ngược với những gì tôi tưởng tượng. Hầu hết nhà nào cũng canh ngay vụ Tết Nguyên đán. Theo chiều hướng này giá thanh long dịp Tết năm nay sẽ còn rẻ nữa”, ông Bảy cho hay.
Ở vụ chính nông dân thường lặt bớt bông để dưỡng cây thanh long chờ đến mùa chạy điện. Ảnh: Zen nguyễn
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bình, chủ một vựa thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện nay, hoạt động thu mua của các vựa vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, thị trường thanh long của Bình Thuận chủ yếu là Trung Quốc. Đầu vụ chong điện năm nay, lượng đặt hàng từ Trung Quốc giảm hẳn, chính bản thân vựa cũng chưa biết nguyên nhân.
Lượng hàng ít, chi phí vận chuyển vẫn không đổi, thời gian thu hoạch của nhà vườn lại khác nhau nên vựa phải quân bình mức giá hợp lý để có thể thu mua nông sản cho người dân.
Theo anh Cường, một cò lái nông sản ở xã Hàm Mỹ, việc sản xuất thanh long nghịch vụ rất phổ biến, hộ nào cũng hạ bình biến thế để chong đèn, kích thích thanh long ra trái.
Tính ra sản lượng thu mua mùa điện không khác vụ mùa, không hiếm. Và không chỉ riêng Bình Thuận, thanh long nhiều nơi khác như Long An, Tiền Giang… đều có chong đèn, nên chủ hàng được nhiều lựa chọn, việc giảm giá là điều tất yếu.
Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, thanh long chỉ được chào bán 5.000 đồng/kg, dù đang là thời điểm nghịch vụ nhưng giá bán vẫn không thay đổi nhiều so với trong vụ.
Anh Lộc, bán thanh long trên đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận cho biết, thanh long ở đây được lấy tận gốc từ nhà vườn, là hàng chong đèn chính hiệu. Mỗi ngày anh bán được 100 - 300 kg, nguồn hàng luôn dồi dào.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 28.4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện nghèo ven biển Lộc Hà.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã có 11 sản phẩm nông sản được chọn để triển khai việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hơn 25 năm nay, 48 hộ dân ở tổ 4, thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã thoát nghèo, nuôi con ăn học nhờ trồng rau diếp cá. Địa phương đang xây dựng thương hiệu cho loại rau này.

Nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở là thói quen lâu đời của bà con các dân tộc vùng cao nói chung và trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bởi xuất phát từ việc muốn bảo vệ gia súc khỏi bị thú dữ ăn thịt, cũng như để tiện quản lý, chăm sóc vật nuôi.

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa tổ chức ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi và khai trương 5 cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn (sản phẩm của Cty CP Cộng đồng Green Food Hà Nội).